Chuẩn bị cho Tết cổ truyền, nhiều người trẻ sẵn sàng chờ đợi nhiều tháng để sở hữu thiết kế áo dài ưng ý. Ảnh: Hoài Thu Chu/Pexels. |
Năm nay, Như Vũ có kế hoạch đón Tết Nguyên đán tại Huế và Hội An. 10 bộ áo dài sẽ là trang phục chính của chàng trai trong chuyến du xuân, đồng thời giúp anh có được những tấm hình đẹp.
Chia sẻ với Zing, Vũ cho biết mình thích chụp và đăng những hình ảnh bắt mắt lên mạng xã hội. Không chỉ nghĩ ra nhiều ý tưởng chụp hình khác nhau, anh còn đầu tư lớn cho trang phục.
Nói về 10 bộ áo dài đang được hoàn thiện, anh cho biết từng thiết kế mang phong cách, kiểu dáng khác nhau. Mỗi bộ sẽ được anh chọn mặc tùy theo hoàn cảnh và sự kiện.
"Những bộ có tông màu nổi, tôi sẽ mặc để chụp ảnh. Còn những bộ có màu trầm hơn sẽ được sử dụng khi đi thăm gia đình, bạn bè", Vũ nói.
Sắm áo dài 2 tháng trước Tết
Thừa nhận mình là một tín đồ thời trang, Như Vũ luôn tranh thủ các dịp đặc biệt để mua sắm và mặc trang phục ấn tượng. Trong đó, Tết là cơ hội để anh khoác lên người những thiết kế áo dài với chất liệu tốt và được may đo tỉ mỉ.
Theo chia sẻ của Vũ, việc tìm kiếm áo dài cho nam giới khó hơn nữ giới. Áo dài cho nữ được thiết kế với nhiều kiểu dáng, mẫu mã và được bày bán tại các cửa tiệm. Hàng năm, cùng mẹ ra đường, anh có thể dễ dàng chọn lựa cho bà những sản phẩm áo dài bán sẵn.
Tuy nhiên, điều này lại khá khó đối với áo dài nam. Vũ từng ghé thăm nhiều cửa hiệu để xem và thử áo dài. Tốn thời gian và công sức, song anh vẫn không ưng ý với bất cứ thiết kế nào.
Như Vũ mạnh tay chi trả khoảng 100 triệu đồng cho 10 thiết kế áo dài mặc trong Tết. |
"Những bộ có màu đẹp, chất liệu lại kém. Bộ tôi ưng ý về đường may thì họa tiết không trang nhã như ý muốn", anh tâm sự.
Để giải quyết vấn đề này, Vũ tìm kiếm một nhà thiết kế thời trang "ruột". Đó là người có sẵn số đo và thấu hiểu các yêu cầu mà anh đề ra cho một bộ áo dài hoàn chỉnh.
Là các sản phẩm được may đo kỹ lưỡng, những bộ áo dài của Vũ có giá khá cao. Trong đó, thiết kế đắt đỏ nhất lên tới 20 triệu đồng.
"Tôi sẵn sàng chi trả 5-20 triệu đồng cho một bộ áo dài. Như vậy, tổng giá trị 10 bộ trang phục tôi sẽ mặc trong Tết năm nay là khoảng 100 triệu đồng", anh cho hay.
Tương tự Như Vũ, Thúy Hiền (25 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng có thói quen mặc áo dài mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Theo cô, vào mồng Một hàng năm, gia đình mình đều chụp một tấm hình kỷ niệm. Trong đó, cô và mẹ sẽ diện những mẫu áo dài đồng màu, thể hiện tình cảm gần gũi, thân mật giữa mẹ và con gái.
Mẹ Thúy Hiền yêu thích chiếc áo dài truyền thống, trong khi cô lại ưa chuộng các thiết kế cách tân như cổ vuông, tay bồng, chất liệu phi bóng hoặc nhung.
Thúy Hiền phải chờ đợi hơn một tháng để sở hữu một thiết kế áo dài ưng ý. |
Cô cho rằng những thiết kế hiện đại này phù hợp với màu tóc, lớp trang điểm và các món phụ kiện trẻ trung của mình.
Mỗi dịp Tết, Thúy Hiền thường đặt may 3 bộ áo dài mặc trong 3 ngày đầu năm, mỗi bộ có trị giá khoảng 2-5 triệu đồng.
"Áo dài đặt thiết kế sẽ đắt gấp 2-3 lần so với những sản phẩm bày bán sẵn tại cửa tiệm. Tuy nhiên, tôi có dáng người quả lê nên khó mặc vừa những bộ áo dài may sẵn. Khi mặc những chiếc áo dài không phù hợp với tỷ lệ cơ thể, tôi sẽ lập tức bị lộ khuyết điểm", cô chia sẻ.
Theo chia sẻ của Hiền, việc đặt thiết kế áo dài mất khá nhiều thời gian. Các cửa hàng thường đặc biệt đông khách vào dịp Tết. Khi đến lấy số đo, dù có hẹn trước, cô luôn phải chờ đợi trung bình 30 phút.
Sau khi chờ sản phẩm được may đo xong, Thúy Hiền còn phải yêu cầu nhà thiết kế chỉnh sửa nếu có điểm chưa vừa ý. Trung bình, sau hơn một tháng kể từ ngày đặt may, cô mới có cho mình bộ áo dài vừa vặn, hoàn chỉnh.
"Năm nào không thể sắp xếp công việc đi đặt may trước một tháng, tôi xác định sẽ không có áo dài mới mặc trong Tết", Hiền nói thêm.
Nhà thiết kế áo dài "chạy nước rút"
Sở hữu một thương hiệu thời trang tại Hà Nội, nhà thiết kế Hà Duy cho biết anh bắt đầu nhận được số lượng lớn đơn đặt hàng áo dài từ tháng 8. Sau khi phục vụ khách hàng cô dâu trong mùa cưới, anh lập tức bắt tay vào thiết kế áo dài Tết.
"Xu hướng áo dài năm nay là chi tiết thêu tay và đính kết. Phần lớn đơn hàng áo dài của tôi dịp cuối năm yêu cầu kết đính hạt cườm tỉ mỉ, công phu", Hà Duy nói.
Những nhà thiết kế như Hà Duy phải chạy đua để phục vụ nhu cầu khách hàng dịp Tết cổ truyền. |
Theo nhà thiết kế này, riêng quy trình đính kết hạt cườm cho một chiếc áo dài sẽ mất khoảng 1-2 tháng. Vì vậy, khách của anh phải đặt hàng ít nhất 2 tháng trước Tết để sở hữu những chiếc áo dài như ý muốn.
Còn khoảng 2 tháng mới đến Tết Âm lịch, tất cả thợ thủ công trong xưởng của Hà Duy đều phải làm việc từ sáng sớm đến tối khuya để thêu tay từng chi tiết trên áo dài. Toàn bộ xưởng hoạt động hết công suất vẫn chưa đáp ứng được hết số lượng đơn hàng.
Nhiều khách hàng khó tính đặt ra yêu cầu tương đối khắt khe cho sản phẩm. Mỗi thiết kế áo dài đạt đến sự hoàn hảo của từng đường kim mũi chỉ thường đòi hỏi công sức nhân sự lớn và thời gian thực hiện dài.
Để giải quyết vấn đề này, Hà Duy quyết định tuyển thêm nhân sự bán thời gian làm việc trong thời gian cao điểm cuối năm. Hơn nữa, anh cũng chọn lọc đơn hàng để đảm bảo chất lượng thiết kế.
Cụ thể, Duy chỉ nhận thực hiện những bộ áo dài phù hợp với phong cách thiết kế của anh. Những đơn hàng yêu cầu chất liệu vải hiếm trên thị trường, anh cũng đành từ chối.
"Tôi muốn khiến một khách hàng hài lòng hơn là phục vụ 10 khách hàng không vừa ý", Hà Duy tâm sự.
Vân Anh cùng toàn bộ đội ngũ nhân sự làm việc liên tục vẫn không thể hoàn thiện số lượng lớn đơn hàng. |
Đồng tình với Hà Duy, nhà thiết kế Vân Anh (Hà Nội) cũng chia sẻ những khó khăn của mình khi tiếp nhận số lượng lớn đơn hàng áo dài vào dịp cuối năm.
Theo cô, Tết năm nay đến sớm khiến quá trình may áo dài trở nên gấp rút.
"Thông thường hàng năm, khách hàng tìm đến tôi vào những ngày giáp Tết. Họ phải tất bật lo liệu quà cáp, sau đó mới có thể sắm sửa cho bản thân. Thời gian hoàn thiện một thiết kế áo dài lại càng bị rút ngắn", cô tâm sự.
Toàn bộ đội ngũ thực hiện từ nhà thiết kế đến thợ may phải làm việc liên tục để đảm bảo hoàn thành số lượng đơn hàng lớn.
Nhiều khi đang đứng cắt vải thấy chân run run, Vân Anh mới nhận ra mình chưa ăn bữa tối.
Theo chia sẻ của Vân Anh, những chiếc áo dài in hình dễ thực hiện hơn. Ngược lại, áo dài thêu tay lại phức tạp và tốn nhiều thời gian để hoàn thiện. Đây là quá trình thủ công, không có sự hỗ trợ của máy móc.
"Xu hướng năm nay là áo dài tối giản với tông màu nude, pastel, trắng. Điểm nhấn của những tà áo dài này là họa tiết thêu hoặc đính kết. Vì thế, quy trình thực hiện tương đối khó và lâu", Vân Anh cho biết.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, xu hướng mặc áo dài ngày Tết đã có từ nhiều năm qua, nhưng bùng nổ vào khoảng một đến 2 năm gần đây khi trang phục này xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội và phương tiện truyền thông.
Ông Bình nhận định nếu xét từ góc độ thời trang, hầu hết bạn trẻ ngày nay đều mặc áo dài rất đẹp, phối hợp cùng phụ kiện sáng tạo, độc đáo. Một số vận dụng áo dài khá thông minh, mang đến hiệu quả thẩm mỹ tốt.
Tuy nhiên, từ góc độ văn hóa, không phải ai cũng biết và có thể mặc đúng áo dài theo chuẩn truyền thống.
“Tôi thấy nhiều người còn nhầm lẫn áo dài với các trang phục khác của nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Ấn Độ.
Một số người đã mặc đúng áo dài Việt Nam rồi nhưng lại chọn kiểu dáng giống trong phim ảnh của Trung Quốc, Hàn Quốc. Đối với tôi, nếu xét riêng về góc độ thời trang, đây không phải trào lưu xấu. Nhưng nếu gọi tên phục trang của mình là áo dài thì các bạn cần lựa chọn bộ áo dài của người Việt, phân biệt xu hướng thẩm mỹ của mình khác hẳn với quốc gia khác”, ông trao đổi với Zing.