Hà Nội đang bước vào giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm khi nhiệt độ cao nhất trong ngày lên tới 38-39 độ C. Thậm chí, mật độ giao thông trong nội thành khiến cảm giác oi bức còn cao hơn thế, ảnh hưởng tới sức khoẻ trẻ nhỏ. Vì vậy, nhiều phụ huynh buộc phải sử dụng điều hòa cho trẻ cả ngày lẫn đêm.
Dùng điều hòa cả ngày có gây hại cho trẻ?
PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Việc nằm trong phòng điều hòa bao lâu không có bất cứ liên quan nào tới chuyện trẻ ốm. Bằng chứng là ở các phòng điều trị tích cực hay phòng sơ sinh tại bệnh viện, chúng tôi luôn sử dụng điều hòa để tạo môi trường dễ chịu nhất cho trẻ mà không có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe của các bé".
Theo bác sĩ Dũng, trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp hay có các triệu chứng ốm, sốt sau khi ở trong môi trường bật điều hòa hầu hết là do sử dụng thiết bị này sai cách.
Sử dụng điều hoà cả ngày không phải nguyên nhân gây bệnh cho trẻ. Nguyên nhân đến từ việc sử dụng sai cách. Ảnh: You are Mom |
"Tôi từng đến tận nhà để khám bệnh cho các bé. Thời điểm đó, tôi thấy rằng nhiều gia đình đang sử dụng điều hòa không đúng, luôn tự quy định phải để bao nhiêu độ. Tìm hiểu kỹ hơn, tôi nghĩ việc đặt nhiệt độ nên chú ý tới công suất của điều hòa, diện tích phòng cũng như các yếu tố bên ngoài", bác sĩ Dũng cho biết.
Chuyên gia này cũng cho biết nhiều bà mẹ chia sẻ dù đã đặt trẻ nằm điều hòa nhưng bé vẫn ra mồ hôi. Do đọc nhiều nguồn tin không chính xác, cha mẹ lại kết luận rằng bé thiếu vitamin D, canxi,.. Tuy nhiên, sau khi thăm khám, kết quả là điều hòa quá nóng khiến trẻ tiết mồ hôi và ngược lại, nhiệt độ quá lạnh tạo điều kiện để trẻ dễ bị cảm.
Lưu ý khi sử dụng điều hòa cho con nhỏ
Bác sĩ Dũng khuyến cáo phụ huynh nên đặt nhiệt độ điều hòa để có cảm giác thoải mái nhất và phải đặc biệt ưu tiên cho con trẻ. Tuy nhiên, cảm giác này ở người lớn sẽ dễ nhận biết hơn, trong khi trẻ càng nhỏ, trung tâm điều hòa nhiệt càng không thể thích nghi được biên độ dao động nhiệt quá lớn.
Ví dụ, người trưởng thành có thể điều chỉnh về trang phục để chịu được mức nhiệt thấp nhất khoảng 2 độ C và cao nhất là 40 độ C. Với biên độ nhiệt tới 38 độ, chúng ta vẫn có thể thích nghi được. Tuy nhiên, biên độ này với trẻ em sẽ thấp hơn, tuỳ độ tuổi mà chúng chỉ có thể chịu đựng được ở mức 10 đến 35 độ C. "Trẻ càng nhỏ, biên độ dao động nhiệt càng thấp" - bác sĩ này giải thích.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, nếu trẻ vẫn toát mồ hôi, cần giảm nhiệt độ thêm dù chúng ta có thể cảm thấy hơi lạnh và ngược lại.
Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột và sử dụng quạt với mong muốn mát nhanh có thể làm sức khoẻ của trẻ bị ảnh hưởng. Ảnh: Parent |
Bên cạnh đó, PGS.TS.BS Võ Thanh Quang (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) còn khuyến cáo: "Các phụ huynh nên hạn chế để con chạy qua lại giữa bên ngoài và trong phòng điều hòa. Việc các bé chạy ra ngoài chơi rồi lại vào phòng có nhiệt độ thấp, cộng thêm thói quen ngồi trước quạt với mong muốn mát nhanh rất dễ khiến bé bị viêm họng do thay đổi nhiệt độ đột ngột".
Ví dụ, nhiệt độ trong phòng đang ở mức 29 độ C, tuy nhiên mức nhiệt ở sân bê tông lại lên tới 40 độ C. Mức chênh lệch là 11 độ C sẽ rất nguy hiểm cho trẻ.
Ngoài ra, theo bác sĩ Quang, các mẫu điều hòa hiện này còn có nhược điểm là làm không khí trong phòng không được lưu thông. Người trong phòng bị cúm hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp sẽ là nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ. Bởi vậy, việc mở cửa sổ hoặc sử dụng quạt thông gió giúp không khí trong phòng lưu thông là điều cần thiết.