Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến Tiktoker và hàng quán

Mini Magazine

Đau bụng, ngộ độc khi đi ăn theo TikToker giới thiệu

Sau khi ăn chè xoài tại một quán được nhiều TikToker giới thiệu, 2 người bạn của Đoàn Sáng có biểu hiện ngộ độc, liên tục chóng mặt, buồn nôn và đi ngoài.

tiktoker review do an anh 1

Ngày 7/8, Đoàn Sáng (kinh doanh online, Hà Nội) cùng 4 người bạn đi ăn chè nhân buổi tụ tập ban chiều. Vì quán quen đóng cửa, cả nhóm quyết định ghé thử cơ sở của một chuỗi chè có tiếng trên phố Xã Đàn (quận Đống Đa), được nhiều TikToker giới thiệu thời gian gần đây.

Dù mới là 14h30, nhóm được báo đã hết nhiều món trong thực đơn, chỉ còn lại chè xoài và chè khúc bạch. Vì lỡ đến, 5 người vẫn gọi món. Tuy nhiên khi lên món, nhân viên mang nhầm, cả nhóm cũng thông cảm và không yêu cầu đổi lại.

tiktoker review do an anh 2

Hai người bạn của Sáng có dấu hiệu ngộ độc sau khi ăn chè. Ảnh: NVCC.

“Sau khi ăn chè xoài, hai người bạn của tôi đã thấy ngứa họng, có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, một người ăn hết bát thì gặp các triệu chứng khá nặng như nôn mửa, đi ngoài, chóng mặt, người còn lại chỉ ăn khoảng 1/2 bát thì triệu chứng nhẹ hơn.

Sau khi móc họng nhiều lần để nôn hết ra ngoài, hai bạn đó đã khá hơn, không phải nhập viện nhưng đều rất mệt và phải xin nghỉ làm ngày hôm sau.

Phần chè khúc bạch tôi ăn thì thấy quá ngọt, không ngon như trên mạng nói”, Sáng kể với Zing.

Anh cho biết thêm ban đầu khi gặp triệu chứng, hai người bạn chưa dám khẳng định do ăn chè. Tuy nhiên sau đó, khi tập trung tại nhà Sáng và kể lại trải nghiệm, cả hai mới chắc chắn.

“Chúng tôi từng đi ăn theo review nhiều lần nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức không ngon hoặc không hợp khẩu vị và bảo nhau ‘né’ ra thôi, chứ không đến nỗi như thế này. Đây là lần đầu chúng tôi ăn ở đây và chắc cũng là lần cuối”, Sáng nói và cho biết đã chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội.

Ngay dưới bài đăng kể lại trải nghiệm của Sáng, nhiều người cho hay cũng từng ăn và gặp phải vấn đề về sức khỏe như đi ngoài, đau bụng, khó chịu sau khi ăn chè ở địa chỉ này vì tò mò các clip review trên mạng.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều thực khách, khi đặt niềm tin vào lời chỉ dẫn của nhiều TikToker song chỉ nhận lại thất vọng.

Chất lượng khác hẳn clip review

Trước xu hướng review đồ ăn ngày càng tràn lan trên TikTok hiện nay, Bích Hạnh (sinh năm 1995, nhân viên sale công ty du lịch) nhớ lại trải nghiệm đáng quên khi từng đi ăn theo một số kênh TikTok đánh giá ẩm thực.

“Lần đó, tôi thấy nhiều kênh khen một quán gà rán trên đường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông), hình ảnh đăng lên cũng đẹp, ngon mắt nên quyết định thử, ai ngờ khác hẳn review”, Hạnh kể.

Theo đó, nhóm 5 người gọi 2 phần gà sốt chua ngọt, 2 phần gà lắc phô mai, một phần da gà chiên “theo gợi ý của các TikToker là nhất định phải thử”, 1 cơm cuộn, 2 há cảo chiên, 1 sandwich phô mai và 1 phần gà đặc trưng của quán.

Theo Hạnh, quán chỗ ngồi rộng, thời gian đợi không quá lâu do chưa đến giờ cao điểm và giá cả phải chăng. Tuy nhiên, đó cũng là tất cả ưu điểm cô cảm nhận được.

“Ngoài món gà sốt chua ngọt và há cảo tạm được, phần da gà chiên ăn giống tóp mỡ, không đặc sắc và gây thất vọng, cơm cuộn quấn lỏng tay nên khi gắp bị bung ra”.

Đặc biệt, Hạnh phát hiện phần thịt gà chiên chưa kỹ nên bên trong còn đỏ. Sau khi phản ánh, nhóm cũng chỉ được thông báo rằng nhân viên sẽ chiên lại mà không kèm lời giải thích hay xin lỗi nào khiến cả nhóm không hài lòng.

Một lần khác, Hạnh đến quán lẩu trên đường Trung Kính (quận Cầu Giấy), trải nghiệm thậm chí còn tệ hơn. Khác với những hình ảnh lung linh trên clip review, cô phát hiện khu vệ sinh và nhà bếp của quán rất bẩn và thậm chí thấy ruồi trong thức ăn.

“Rất ít quán tôi đi ăn theo review trên TikTok có chất lượng đúng như giới thiệu. Sau mỗi lần thất vọng, tôi tự nhủ không nghe theo kênh đó nữa và tham khảo nhiều nơi khác trước khi quyết định thử”, Hạnh chia sẻ.

tiktoker review do an anh 5

Quầy đồ ăn ít món, không hề phong phú như trong clip quảng cáo Châu xem được. Ảnh: NVCC.

Trong khi đó, Minh Châu (sinh năm 1993, kinh doanh xuất nhập khẩu) cảm thấy "bị lừa" khi quyết định tới ăn buffet tại một khách sạn 5 sao vào trưa 12/8, nhân dịp sinh nhật một người bạn.

Cô cho biết theo clip review của TikToker có hơn 120.000 lượt theo dõi, đồ ăn, đặc biệt là các loại hải sản ở đây được chuẩn bị rất phong phú, "ăn ngập mồm".

"Nhưng lúc chúng tôi đến nơi, đập vào mắt là quầy đồ ăn lèo tèo, ít món, không có sashimi cá trích ép trứng - món tôi rất thích và chủ đích đến đây để ăn - như review mà chỉ có ít hàu, bạch tuộc và cá ngừ. Chưa kể, tôm hấp có mùi lạ, không tươi khiến tôi phải bỏ nguyên đĩa", Châu nhớ lại.

Khi Châu thắc mắc, có nhân viên cho biết "sashimi chỉ có theo mùa", người nói bếp đã hết, người bảo chỉ có vào buổi tối.

"Khi nói chuyện với quản lý, tôi được giải thích là buffet tối sẽ có nhiều hải sản hơn. Lúc tôi đưa cho xem clip review, người này nói TikToker đó được phía khách sạn thuê để quảng cáo và đồ ăn cũng được sắp xếp để lên hình. Người này cũng đề nghị giảm giá cho tôi và bạn 10% song điều này không thể khiến tôi hài lòng", cô kể.

Bỏ ra 650.000 đồng/người cho bữa buffet trưa, Châu cho hay cô thất vọng khi đã đi ăn theo review và khẳng định sẽ không quay lại.

Không quá tin tưởng

Với Mai Lan (22 tuổi, TP.HCM), TikTok là ứng dụng cô chủ yếu dùng để xem các review ẩm thực, tìm các món mới để thử.

Dưới góc nhìn cá nhân, các clip đánh giá hàng quán, món ăn trên nền tảng này “ăn điểm” nhờ nhân vật trải nghiệm nói nhanh, gọn, tập trung vào những ý người xem quan tâm như giá tiền, phục vụ, hương vị món… Thời lượng các clip vốn chỉ dài vài phút, không tốn nhiều thời gian theo dõi.

Tuy vậy, Lan cho biết dù có thể nói là “nghiện” xem video kiểu này, cô lại không dành quá nhiều tin tưởng cho hội làm review.

“Tôi chỉ dành niềm tin cho những TikToker có kiến thức hay có gu ẩm thực và đi ăn theo giới thiệu của họ; hoặc ít nhất là có bạn bè, người quen từng đi ăn trước và dành lời khen cho món ăn của quán”, Lan chia sẻ.

tiktoker review do an anh 6

Trâm cho rằng nhiều clip review đồ ăn khiến người xem tin theo vì hình ảnh đẹp thay vì kiến thức ẩm thực. Ảnh: NVCC.

Khi số lượng các review hàng quán nở rộ trên nền tảng này và ai cũng có thể làm clip trải nghiệm đi ăn, Lan nảy sinh tâm lý tránh những quán ăn, nhà hàng được “khen tới tấp”, xuất hiện nhiều lần trên bảng tin.

“Trước những quán ‘nổi’ trên TikTok, tôi thường ngờ vực không biết người quay có được trả tiền để khen quán thay vì đánh giá thực tâm hay không. Tôi sợ cảnh đến ăn không ngon lại thấy phí tiền và thời gian”, cô nói.

Sự e dè này đến từ thực tế Lan từng gặp. Một lần, cô và người yêu ghé qua một hàng steak, nơi mà các reviewer trước đó dành lời khen thịt bò mềm, nước sốt ngon.

“Ban đầu, hai đứa rất háo hức vì menu hấp dẫn, hình minh họa cũng bắt mắt, món ăn khi dọn lên được bày biện cầu kỳ. Song, các yếu tố bên ngoài đấy không bù nổi sự thất vọng khi nếm thử.

Thịt bò đúng là có mềm, nhưng sốt và các món ăn kèm lại thua xa kỳ vọng. Món khai vị với xoài ăn lạc quẻ, các nguyên liệu không hài hòa. Sợi mỳ không thấm sốt, ăn riêng phần sốt cũng thấy nhạt nhẽo. Giá tiền cho 3 món mặn và 2 ly nước hết 700.000 đồng, ở mức đắt khi ra ngoài ăn tiệm nhưng thật sự không xứng đáng”, Lan kể.

Từ đó, Lan càng mất niềm tin vào gu ăn uống của các TikToker, dù thừa nhận vẫn đều đặn xem các video review như một sở thích khó bỏ.

Khá kỹ tính trong việc ăn uống bên ngoài và có kỹ năng nấu nướng nhất định, Nguyễn Trâm (27 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đánh giá các clip đánh giá ẩm thực trên TikTok thường khá “chung chung, như lướt qua về món ăn và nội dung na ná nhau”.

“Miêu tả thường đi theo các cụm từ lặp lại nhiều lần, như ‘hương vị đặc trưng’, ‘ngon tuyệt vời’, ‘đầy ú ụ’, ít khi nói được kiến thức có chiều sâu. Trong khi đó, tôi quan niệm nhận xét về đồ ăn thì phải am hiểu về văn hóa ẩm thực một chút”, cô nói.

Theo Trâm, mỗi người có một khẩu vị, gu ăn uống khác nhau, nên cảm nhận chắc chắn có sự khác biệt. Do không rõ tiêu chí đánh giá của người ngoài ra sao, cô chỉ xem để biết hay do thích mắt, còn đi ăn thử bằng được hay không lại là câu chuyện khác.

“Ngay cả với những người tôi đánh giá là có gu ăn uống cũng có lúc bản thân không hài lòng khi đi ăn theo review chi tiết của họ, nên tôi ngày càng ít đi ăn theo gợi ý trên mạng”, cô kết luận.

Xem có chọn lọc

Thường xem TikTok vào thời gian rảnh và hay bắt gặp các clip review đồ ăn ngon mắt, Diệu Linh (sinh năm 1995, Hà Nội) không xem đây là kênh tham khảo duy nhất hay đặt niềm tin 100% vào bất cứ TikToker nào.

tiktoker review do an anh 7

Diệu Linh chỉ xem các clip review như một kênh tham khảo thay vì đặt niềm tin 100%. Ảnh minh họa: Pexels.

Hồi tháng 6, cô đến một quán bún hải sản xuất hiện nhiều trên nền tảng này tại quận Đống Đa. Dù chủ quán nhiệt tình, xởi lởi cũng không thể bù lại chất lượng thấp của món ăn.

“Quán bán 2 món mì dạng trộn và nước, phần nước dùng bình thường, không có gì đặc sắc, nước trộn bị ngọt quá, ăn nhanh ngấy song đây cũng chỉ là khẩu vị của tôi.

Điểm trừ lớn nhất là đồ ăn không tươi dù khi tôi và bạn đến vào sáng sớm lúc mới mở hàng. Tôm có 4 con thì 2 con thịt bở, mùi hôi, đậu khô và cứng. Về đến nhà, tôi đau bụng còn bạn cũng khó chịu, nôn ra hết mới đỡ”, Linh kể.

Theo Linh, TikTok chỉ nên là một trong những kênh để tham khảo các địa chỉ ăn uống bởi bản thân cô cũng không ít lần hụt hẫng khi háo hức đi ăn theo những clip tâng bốc trên mạng.

“Tôi sẽ đọc cả bình luận dưới mỗi bài đăng giới thiệu quán, tham khảo bài review của những trang, hội nhóm khác. Tất nhiên, ăn uống là tùy khẩu vị, bản thân phải trực tiếp thử thì mới biết hợp hay không. Đôi lúc chẳng cần xem review, tôi đi bừa quán nào đó ăn thử khéo lại hợp ý”, Linh thẳng thắn nói.

Theo The New York Times, TikTok đã sinh ra một thế hệ food influencer mới gọi là FoodTok. Những người này thường không được đào tạo bài bản, ít kinh nghiệm và cũng không thực sự quá am hiểu về ẩm thực, bếp núc như các đầu bếp hay chuyên gia.

Kết quả, các FoodTok có thể tạo ra những clip gần gũi, giản dị, nhưng mặt trái là những người này cũng có thể cho ra đời các clip ngắn nông cạn, không đúng sự thật, nhảm nhí, vô bổ, độc hại, song bằng một cách nào đó vẫn lan truyền nhanh chóng trên nền tảng.

Kết quả khảo sát do công ty MGH Advertising công bố vào năm 2021 cho thấy 36% người dùng TikTok ghé đến hoặc đặt món ăn từ một nhà hàng sau khi xem video trên nền tảng. Tuy nhiên, đó cũng là mặt trái đối với một số doanh nghiệp vì các TikToker không thật sự làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, thiếu hiểu biết nhất định để nhận xét trung thực về món ăn.

Ngoài ra, các TikToker này cũng phải nỗ lực cân bằng giữa các bài viết được trả tiền và những clip review trung thực để giữ chân khán giả.

Các TikToker 'ảo tưởng sức mạnh' nên bị tẩy chay

Theo chuyên gia, người dùng Internet nên tẩy chay những nội dung rác trên TikTok. Về phía chủ kinh doanh, họ cũng hoàn toàn có quyền lực đối với TikToker gây náo loạn ở quán mình.

Cuộc chiến Tiktoker và hàng quán

Ánh Hoàng - Trà My

Bạn có thể quan tâm