Từ một giáo viên tiếng Anh trở thành ngôi sao livestream, Dong Yuhui vừa qua đã chấm dứt việc hợp tác với East Buy - công ty con của New Oriental. Có vẻ như Dong và nhiều livestreamer hàng đầu Trung Quốc khác đang bận rộn trở thành doanh nhân như Crazy Little Brother Yang, hay chuyển sang lĩnh vực giải trí như Lý Giai Kỳ.
Với việc các nền tảng tìm kiếm nhiều lựa chọn hơn và các streamer hàng đầu đang chuyển hướng khỏi lĩnh vực phát trực tiếp, liệu việc livestream bán hàng có đang đi đến hồi kết?
Dịch chuyển xu hướng
Năm 2023, Xiaohongshu đã ra mắt kỷ nguyên thương mại điện tử "người mua", nơi những người phát trực tiếp như diễn viên Dong Jie, diễn viên Teresa Cheung Siu-wai cũng như những người dùng chuyên nghiệp trên nền tảng này, tổ chức một buổi livestream theo phong cách "người mua", nơi livestreamer phác thảo câu chuyện và nét đặt trưng của thương hiệu. Tuy nhiên, sau khi bán được 300 triệu nhân dân tệ (41,91 triệu USD) trong 3 giờ trên Xiaohongshu, lượt xem và doanh số của Cheung giảm dần sau khi chuyển sang Taobao.
Từ năm 2023, các buổi livestream do doanh nhân cầm trịch đã phát triển nhanh chóng trên nhiều nền tảng ở Trung Quốc. Xiaohongshu hiện cũng đẩy mạnh việc phát trực tiếp theo hướng này khi giới thiệu những người lãnh đạo công ty trên livestream.
Nói đến doanh nhân, các buổi livestream của CEO cũng tiếp tục nở rộ sau khi 618.JD.com, Taobao hay Douyin cạnh tranh để đưa thêm nhiều CEO lên kênh mình. Từ bản sao của doanh nhân Liu Qiangdong đến Zhou Hongyi của 360, Lei Jun của Xiaomi, các CEO đang trở thành ngôi sao của các chương trình phát trực tiếp.
Crazy Little Brother Yang là một trong những người thành công nhất trong việc đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trong số các livestreamer hàng đầu Trung Quốc. Công ty Three Sheep Group của anh không chỉ ra mắt trên TikTok và thâm nhập vào các quốc gia Đông Nam Á như Singapore mà còn tạo kênh du lịch của riêng mình, bắt đầu livestream tại các điểm du lịch.
Trong khi đó, Dong Yuhui được cho sao chép cấu trúc của East Buy cho công ty Walking with Hui của mình, được cho có tới hơn 200 nhân viên. Trong 5 ngày đầu tiên sau khi rời East Buy, Walking with Hui đã bán được hơn 100 triệu nhân dân tệ (13,92 USD) và đạt 600.000 người theo dõi.
Khi những livestreamer hàng đầu dần tránh xa ánh đèn trên sóng livestream, hay đúng hơn là ẩn mình vào hậu trường, họ cũng tìm kiếm các "học trò" để hoạt động livestream vẫn có thể tiếp tục và đa dạng hơn.
Xinba là người đầu tiên bắt đầu thu nhận đệ tử. Học trò của anh là Danfa có 99,05 triệu người theo dõi. Little Brother Yang cũng có một nhóm học trò rất thành công là "big 6", người ít follower nhất cũng cán mốc 5,6 triệu. Giống người đi trước, thế hệ livestreamer ngôi sao mới này cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự, ví dụ như chịu trách nhiệm cho chất lượng hàng hóa. Một thách thức mới là sự trỗi dậy của các livestreamer tầm trung và cấp thấp. Một số nền tảng tập trung nguồn lực nhiều hơn vào nhóm streamer này để tránh quá phụ thuộc vào nhóm hàng đầu.
Một điều đáng chú ý khác là khi những khóa học, lớp học online trở nên phổ biến và sinh lợi, Three Sheep Group của Little Brother Yang cũng nhanh chân tham gia vào thị trường này khi bán các khóa học về livestream thương mại điện tử. Các khóa đào tạo trực tiếp dành cho người mới bắt đầu sẽ có 30 học viên trong 3 ngày 2 đêm, khóa nâng cao là 50 người trong 2 ngày 2 đêm. Khóa cho người mới bắt đầu có giá 3.980 nhân dân tệ (555 USD)/người, khóa nâng cao, với các giảng viên như Du Gang - CEO Three Sheep Group - có giá 9.980 nhân dân tệ (1.390 USD).
Nguy cơ bị lừa đảo
Tại Trung Quốc, các khóa đào tạo livestream đang nhanh chóng nổi lên như một ngành công nghiệp sinh lợi. Nhiều khóa học có ưu đãi hấp dẫn, ví dụ như chỉ với vài trăm USD, học viên có thể học cách trở thành ngôi sao kế tiếp của thị trường thương mại livestream nước này, nơi những "ông hoàng bà chúa" hàng đầu kiếm được hàng triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, nhiều khóa học kiểu này chỉ tổ lãng phí thời gian. Hôm 9/12, tờ Worker's Daily công bố cuộc điều tra lớn về ngành đào tạo phát trực tiếp, phát hiện ra rằng nhiều công ty đang chặt chém học viên bằng các lớp học tốn kém nhưng ít hoặc không mang lại lợi ích thiết thực.
Theo những người trong ngành, một số khóa đào tạo thực chất còn là trò lừa đảo nhằm lừa nạn nhân cung cấp tiền và thông tin cá nhân.
Theo Sixth Tone, nhu cầu đào tạo livestream bùng nổ ở Trung Quốc do thị trường thương mại trực tiếp của nước này đạt thành công ngoạn mục, tạo ra doanh số trị giá 4.900 tỷ nhân dân tệ (690 tỷ USD) vào năm 2023.
Tính đến tháng 12/2023, đã có hơn 15 triệu người làm nghề phát trực tiếp chuyên nghiệp tại Trung Quốc và phần thưởng cho những cá nhân thành công trong ngành có thể rất hấp dẫn. Ví dụ, những livestreamer thành công như "ông hoàng son môi" Lý Giai Kỳ đã trở thành những người nổi tiếng thực thụ, các phiên livestream thu hút hàng triệu người xem và nhận được loạt hợp đồng quảng cáo có giá trị cao.
Nhiều người tham vọng thành idol livestream sẵn sàng đầu tư số tiền lớn vào các chương trình đào tạo, hy vọng có được các kỹ năng cần thiết để sao chép thành công của Lý Giai Kỳ.
Các công ty đào tạo thường tính phí hàng nghìn nhân dân tệ cho các khóa học, được quảng cáo là "lớp học nâng cao" với những người nổi tiếng trên Internet.
Livestream đang là công việc được nhiều người Trung Quốc theo đuổi. Ảnh: VCG. |
Tuy nhiên thực tế, hầu hết lớp học này không như những gì đã hứa hẹn. Một người phát trực tiếp tên Xiao Ai Xin cho biết cô từng tham gia nhiều buổi đào tạo kể từ khi gia nhập ngành này vào năm 2023 và thất vọng hết lần này đến lần khác.
"Không phải là việc đào tạo hoàn toàn không giúp ích gì, nhưng ít có khóa học nào thực sự mang lại kết quả có tính tác động", Xiao nói.
Ren Chunli, một người trong ngành khác, cho biết nhiều khóa học không dạy bất kỳ kỹ năng livestream thực tế nào mà thay vào đó chỉ dạy lý thuyết.
"Những người được gọi là bậc thầy đào tạo thực chất không có kỹ năng giảng dạy và một số thông tin tuyển sinh đào tạo có thể là lừa đảo", Ren nói.
Cần tỉnh táo
Theo tờ Worker's Daily, một công ty đào tạo livestream ở thành phố Thẩm Dương tính phí 399 nhân dân tệ (55 USD) cho một khóa học 7 buổi bao gồm kiến thức cơ bản về ngành. Trong suốt khóa học, công ty thúc giục học viên đăng ký một "lớp nâng cao" có giá 2.999 nhân dân tệ (414 USD) và "lớp chuyên sâu" với một livestreamer chuyên nghiệp thậm chí đắt hơn, giá 6.999 nhân dân tệ (966 USD).
Tuy nhiên, các học viên hoàn thành khóa học cho biết họ hầu như không thấy bất kỳ thay đổi nào về số lượng người theo dõi kể từ khi kết thúc khóa học.
Gao Wei, một chuyên gia đào tạo, cho hay những người nổi tiếng trên mạng thường không muốn chia sẻ kỹ thuật của mình do sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành. Do đó, các công ty đào tạo thường buộc phải thuê những người hướng dẫn có ít kinh nghiệm thực tế, những người tập trung vào việc giảng dạy lý thuyết.
Theo các chuyên gia, người học cần tỉnh táo khi đăng ký các khóa đào tạo phát trực tiếp. Ảnh: VCG. |
Các chuyên gia cho biết những người muốn làm livestreamer nên thận trọng khi lựa chọn khóa học đồng thời kêu gọi quản lý chặt chẽ hơn ngành đào tạo, trong đó các công ty phải tuân thủ các tiêu chuẩn chuyên môn và giảng viên phải có bằng cấp được công nhận.
Li Bingyi, một người trong ngành khác, cho rằng cần phải có các tiêu chuẩn rõ ràng về định nghĩa về một người phát trực tiếp chuyên nghiệp, có các chương trình đào tạo riêng dựa trên số lượng người theo dõi và hiệu suất bán hàng.
Những người khác ủng hộ việc học theo thành công của các sáng kiến do chính phủ Trung Quốc dẫn đầu như Công viên công nghiệp thương mại điện tử Xiliu - một cơ sở khổng lồ hỗ trợ các doanh nghiệp livestream thương mại phát triển, có trụ sở tại thành phố An Sơn. Nơi này được cho là nơi sinh sống của hơn 2.300 người nổi tiếng trên 100.000 follower.
Theo một số chuyên gia, một nguồn đào tạo livestream đầy hứa hẹn khác là các trường cao đẳng nghề. Trên toàn Trung Quốc, hiện gần 300 trường cao đẳng có chuyên ngành về tiếp thị trực tuyến và thương mại livestream, hơn 60 trường trong số này có các chương trình học về livestream.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.