Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, các mao mạch trên đầu bị giãn nở quá mức để chống lại thời tiết, từ đó gây ra đau đầu. Ảnh: Pexels. |
TP.HCM và các tỉnh, thành nam bộ đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể trên 38 độ C. Thời tiết oi bức có nguy cơ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho người dân.
Trao đổi với Zing, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hữu Khánh, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP.HCM), việc tiếp xúc lâu dài dưới trời nắng gắt có thể gây ra các vấn đề liên quan hệ thần kinh như thay đổi tính cách (dễ cáu gắt hơn), choáng váng, ngất xỉu hay thường gặp nhất là đau đầu.
Mặc dù theo bảng phân loại của Hiệp hội Đau đầu Quốc tế năm 2018, không có dạng đau đầu do thay đổi thời tiết, trên thực tế, tình trạng đau đầu khi chuyển từ môi trường nóng sang lạnh rất phổ biến.
"Những ngày gần đây, khoa Nội Thần kinh thường tiếp nhận một số bệnh nhân bị đau đầu từng cơn khi ra ngoài nắng. Kiểu đau giật như mạch đập 2 bên thái dương hoặc đau căng siết quanh trán hay gáy, có thể kèm buồn nôn. Bệnh nhân lo sợ mắc bệnh nào đó, dẫn đến đau đầu triền miên nên đi khám", bác sĩ Khánh cho biết.
Dễ đau đầu, mất bình tĩnh hơn khi trời nóng
Theo bác sĩ Khánh, có nhiều nguyên nhân khiến bạn gặp phải tình trạng này khi thời tiết nắng nóng. Nguyên nhân đầu tiên có thể là cơ thể bị mất nước do đổ nhiều mồ hôi và không bổ sung nước kịp thời.
Lúc này, lượng chất lỏng mất đi khiến các mạch máu trong não tạm thời co lại, dẫn đến đau đầu. Đau đầu do mất nước có thể xảy ra theo nhiều mức độ, từ nhẹ đến trung bình hoặc nặng.
Bên cạnh việc đau đầu, nhiệt độ cao khiến mức serotonin (chất dẫn truyền thần kinh) trong cơ thể giảm đi. Điều này làm ảnh hưởng tới quá trình co giãn mạch máu, tính cách, khiến chúng ta có xu hướng dễ cáu gắt, mất bình tĩnh và kiểm soát.
Ngoài ra, khi tiếp xúc nhiệt độ cao, các mao mạch trên đầu bị giãn nở quá mức để chống lại thời tiết. Tình trạng này có thể nặng hơn nếu thường xuyên di chuyển giữa phòng có máy lạnh với không gian bên ngoài.
Đây là dấu hiệu báo động cho mọi người cần ổn định nhiệt độ cơ thể, hạn chế di chuyển giữa 2 môi trường có nhiệt độ chênh lệch cao. Hơn hết, thói quen uống nước đá để làm mát cơ thể khi trời oi bức lại làm kích thích niêm mạc họng gây viêm, từ đó gây cảm, sốt.
Nguyên nhân gián tiếp gây đau đầu mùa này có thể là trời nắng nóng gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, làm não bộ bị thiếu dưỡng khí, từ đó dễ gây đau, thậm chí nhức mỏi toàn thân.
Nắng nóng cũng khiến mọi người mệt mỏi, tâm trạng dễ cáu gắt, mất kiểm soát. Ảnh: Pexels. |
Tình trạng phổ biến nhưng không nên chủ quan
Bác sĩ Khánh cho biết đau đầu do thời tiết nắng nóng có mức độ từ nhẹ đến trung bình. Nó gây ra cơn đau âm ỉ quanh trán, 2 bên thái dương và có thể giật theo mạch máu đập khi đột ngột thay đổi môi trường.
Tuy nhiên khi nghỉ ngơi, cung cấp đủ nước, cơ thể hạ nhiệt dần, cơn đau đầu sẽ giảm. Giấc ngủ sâu phần nào cũng giúp bệnh nhân nhanh khỏe lại.
Trái lại, đối với cơn đau đầu nguyên phát do bệnh lý khác (đặc biệt là đau nửa đầu), người bệnh thường có cảm giác đau giật mạnh, dữ dội, có thể kèm buồn nôn và rất sợ ánh sáng, tiếng ồn xung quanh. Kiểu đau này có thể không liên quan đến thay đổi thời tiết, nhưng căng thẳng cũng là yếu tố kích thích cơn đau này.
Bác sĩ Khánh khuyến cáo nếu có các triệu chứng đau đầu do nắng nóng hoặc kiệt sức, người bệnh cần bổ sung đủ nước, đến nơi thoáng mát nghỉ ngơi, chườm mát, cởi bớt đồ trên người để tỏa nhiệt và hạ nhiệt cơ thể.
Bên cạnh đó, người bị đau đầu do thời tiết có thể sử dụng tinh dầu oải hương hoặc bạc hà, uống trà thảo mộc để nguội hoặc mát và dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, khi có dấu hiệu đau đầu như búa bổ (như sét đánh) rất dữ dội, đột ngột, hoặc kèm với các triệu chứng của mất nước nặng (sốc nhiệt) như choáng váng, ngất, da khô, chuột rút, buồn nôn hoặc nôn, thở nhanh nông, lú lẫn, thậm chí co giật, hôn mê, người dân cần đi khám hoặc được đưa đi cấp cứu ngay.
Thông thường, tình trạng đau đầu do nắng nóng có thể tự biến mất sau 3-4 giờ. Trong trường hợp cơn đau tăng lên hoặc xảy ra quá thường xuyên, khoảng hơn 2 lần/tuần và liên tục trong 2-3 tháng, bạn nên đi khám bác sĩ sớm để được can thiệp kịp thời.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.