Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đau đầu do học nhiều

Vừa dắt tay con trai ra khỏi phòng khám Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), chị P.T.A.T., 37 tuổi, ở H.Hóc Môn, âu yếm nhìn con nói: “Chắc mẹ sẽ sắp xếp lại lịch học cho con”.

Học cả ngày

Con trai chị T. - cháu N.M.K. bắt đầu có biểu hiện đau đầu từ khi bước vào năm học mới. Những ngày gần đây thấy con kêu đau đầu dữ dội chị mới đưa con đi khám. Bác sĩ nói có thể con chị bị đau đầu do học hành căng thẳng nên khuyên chị sắp xếp thời gian cho cháu nghỉ ngơi, vui chơi.

Nghe bác sĩ dặn, chị T. chột dạ khi nhớ đến một chuỗi ngày học miệt mài của con. Chị kể: từ 5h con chị đã dậy ôn bài. 6h chị chở con đến trường để con ăn sáng, vào học. Đến 11h30, chị đón con về nhà ăn trưa, sau đó lại chở con đến trường cho kịp giờ học lúc 13h.

Con kết thúc buổi học ở trường vào lúc 16h 30, chị đến đón con và mua một hộp cơm để con vội ăn cho kịp giờ vào lớp học thêm tiếng Anh lúc 17h. 19h con tan học, chị mới chở con về nhà. Con tắm xong lại ngồi vào bàn học cho đến khi nào hết bài tập mới được đi ngủ.

Trước cửa phòng khám, nhìn cháu K. rất mệt mỏi. 13 tuổi, đang học lớp 7 nhưng K. giống như một học sinh lớp 5. Chị T. than sức khỏe của K. không tốt, rất biếng ăn, chỉ thích mỗi món mì ăn liền...

Một cháu bé có triệu chứng đau đầu được khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Một cháu bé có triệu chứng đau đầu được khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Ngày 13/10, sau hơn một tháng chị T. sắp xếp lại lịch học con, cắt các giờ học thêm vào buổi tối, con trai chị bớt đau đầu hẳn. Chị T. thừa nhận con chị bị đau đầu do áp lực học căng quá. Vợ chồng chị nhiều năm nay làm nông sinh sống, chỉ có duy nhất cậu con trai nên luôn tạo mọi điều kiện, đăng ký nhiều lớp học hi vọng con sẽ ráng học để thoát khỏi nghề nông.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, khám bệnh tại phòng khám thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết tình trạng như cháu K. không hiếm. Rất nhiều trường hợp đến khám bệnh, bác sĩ Tuấn phát hiện trẻ bị đau đầu chủ yếu do căng thẳng trong học tập. Ngoài ra cũng có trường hợp trẻ stress do thường bị người lớn la hét trong lúc dạy trẻ.

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Thi Hùng - Phó giám đốc y khoa Bệnh viện FV - nhận xét số trẻ mắc bệnh đau đầu do học hành căng thẳng, chơi game, xem tivi nhiều đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.

Nhiều học sinh còn mặc đồng phục, đeo cặp nặng trĩu sau lưng đã được cha mẹ đưa đến phòng mạch khám lúc gần 21h sau một ngày dài học chính khóa và học thêm. Gương mặt các cháu tỏ rõ sự mệt mỏi, thiếu ngủ.

Khi bác sĩ tư vấn, các bậc cha mẹ thường kể gần đây trẻ hay kêu đau đầu, có trẻ cứ gần giờ đến trường là kêu đau, có trẻ lại đau đầu sau buổi học. Một số trẻ nói với bác sĩ không thích suốt ngày phải học nhiều như thế, chỉ muốn được ngủ một giấc thật ngon.

“Thấy trẻ bị đau đầu, phụ huynh đã đề nghị bác sĩ chụp MRI cộng hưởng từ kiểm tra xem đầu các cháu có bị bệnh gì không nhưng sau khi khám, tư vấn, bác sĩ đã chẩn đoán trẻ bị đau đầu do học hành căng thẳng và những phụ huynh này cũng thừa nhận như vậy”, bác sĩ Hùng nói.

Không tự ý mua thuốc cho trẻ uống

“Có rất nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng đau đầu ở trẻ” - bác sĩ Phạm Văn Hoàng, phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhấn mạnh. Ngoài nguyên nhân tâm lý, trẻ có thể bị chấn thương đầu, viêm xoang, hô hấp, cận thị, viêm màng não, cao huyết áp, u não...

Theo bác sĩ Hoàng, cùng triệu chứng đau đầu nhưng tùy từng nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ, các bác sĩ sẽ có cách điều trị khác nhau. Khi được điều trị đúng, trẻ sẽ hết hoặc giảm triệu chứng đau đầu.

Với trẻ chưa đi học nhưng lại được ba mẹ cho xem tivi và chơi game thường xuyên, mắt bị điều tiết liên tục cũng gây ra tình trạng đau đầu. Những trường hợp này khi đi khám, bác sĩ sẽ đo mắt cho bệnh nhi. Nếu bệnh nhi chưa bị cận thị, bác sĩ sẽ dặn tiếp tục theo dõi mắt trẻ. Trước mắt, những trường hợp này chỉ cần bớt xem tivi, bớt chơi game thì triệu chứng đau đầu sẽ giảm hẳn.

Cũng theo bác sĩ Hoàng, trẻ bị nhức đầu nhẹ thoáng qua chỉ cần cho nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, giảm những yếu tố căng thẳng như giảm cường độ học tập, bớt xem tivi, bớt chơi game...

Khi đã loại bỏ những yếu tố căng thẳng mà trẻ vẫn than nhức đầu hoặc kêu nhức đầu liên tục thì cần đưa trẻ đi khám, tùy từng nguyên nhân bác sĩ sẽ có cách điều trị khác nhau. Các bà mẹ cứ thấy trẻ nhức đầu lập tức ra nhà thuốc mua thuốc giảm đau cho trẻ uống. Làm như vậy rất nguy hiểm vì sẽ che lấp triệu chứng của bệnh và tạo cảm giác yên tâm giả cho phụ huynh.

Mỗi tháng tiếp nhận 100 trẻ em đau đầu do học hành

Bác sĩ Phạm Văn Hoàng cho biết mỗi tháng Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận gần 100 trẻ bị đau đầu do căng thẳng trong học tập. Còn bác sĩ Nguyễn Thi Hùng, phó giám đốc y khoa Bệnh viện FV, cho biết không chỉ các bệnh viện nhi mà các bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi tại TP, các phòng mạch tư vẫn thường tiếp nhận trẻ bị đau đầu do căng thẳng trong học tập, chơi game và xem tivi quá nhiều giờ trong ngày.

Theo bác sĩ Thi Hùng, trước đây trẻ em bị đau đầu do nguyên nhân học hành căng thẳng rất hiếm gặp.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20141017/dau-dau-do-hoc-nhieu/659275.html

Theo Thùy Dương/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm