Cuộc tình sẽ mấp mé ở bờ vực tan vỡ nếu một trong hai người xuất hiện hành vi "self-sabotage" - tự hủy hoại. Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ cư xử theo xu hướng này vì cảm thấy quá tự ti hay có quá khứ yêu đương không mấy êm ả.
Theo Kristin M. Davin, nhà tâm lý học, nếu nhận thấy bản thân đang "self-sabotage", bạn hãy khoan hoảng loạn hay suy tính chia tay người yêu. Thay vào đó, bạn hãy dành thêm thời gian tìm hiểu và tìm cách xử lý để duy trì hạnh phúc đôi bên.
Tuy nhiên, không dễ để bạn xem xét rõ ràng những hành vi tiêu cực trong yêu đương vì chúng thường diễn ra một cách âm thầm. Dưới đây, Insider giúp bạn nhận biết 7 dấu hiệu nổi bật nhất.
Bắt bẻ người yêu sẽ chỉ khiến tình cảm của cả hai phai nhạt. Ảnh: Keira Burton/Pexels. |
Bạn xét nét và thường xuyên “bắt lỗi” đối phương
Ngay cả khi nửa kia dốc lòng chăm sóc và đối xử tốt với bạn, bạn vẫn có thể trở nên khó tính và bắt bẻ, Davin cho hay.
Thực tế, một nghiên cứu đánh giá năm 2021 chỉ ra rằng đây là một trong những hành vi phổ biến nhất của những người có thiên hướng tự phá hoại bản thân.
Họ dùng sự chỉ trích để gây tổn hại đến mối quan hệ và gây chia rẽ tình cảm đôi bên. Một số biểu hiện đáng để ý của điều này là:
- Bạn soi mói từ những thứ nhỏ nhặt nhất như cách đối phương dọn giường hay rửa bát đĩa.
- Bạn phán xét và đánh giá đối phương mà không thu thập chứng cứ hay thực sự lắng nghe đối phương giải thích
- Bạn liên tục kiếm lỗi để chỉ trích họ hay thường xuyên nhấn mạnh sai lầm, khuyết điểm của nửa kia thay vì khen ngợi và nêu ra điểm tích cực của họ.
- Bạn đưa cho đối phương những phản hồi tiêu cực và chỉ chăm chú nói về những thứ họ có thể làm khác đi hay tốt lên
- Bạn thường xuyên nhắc về những lỗi lầm trong quá khứ của đối phương.
Liên tục kiểm tra tin nhắn với người yêu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ. Ảnh: Anete Lusina/Pexels. |
Bạn ám ảnh về nửa kia mỗi khi họ không ở bên
Theo Davin, sự lo lắng kéo dài khi người yêu không ở bên có thể bắt nguồn từ những tổn thương trong quá khứ như người yêu cũ ngoại tình khiến bạn trở nên đa nghi hơn bao giờ hết.
David D. Bowers, nhà tâm lý học chuyên về các mối quan hệ, tiết lộ rằng sự ngờ vực thiếu cân bằng này có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, bao gồm:
- Liên tục lo lắng về việc người yêu của bạn sẽ gặp những ai
- Suy xét về người mà đối phương đang nhắn tin hoặc nghĩ về mỗi khi bạn không ở bên.
- Thường xuyên kiểm tra vị trí của họ ngay cả khi không thực sự cần thiết
Che giấu suy nghĩ của bản thân khó đem lại cái kết đẹp trong tình yêu. Ảnh: Anete Lusina/Pexels. |
Bạn cố tình né tránh tranh cãi
Không bao giờ cãi vã chưa chắc là một dấu hiệu của một mối quan hệ lành mạnh.
Việc kìm nén suy nghĩ và cảm xúc của bản thân để duy trì yên bình trong tình yêu rất có thể làm mối quan hệ tan vỡ một cách vô thức, Bowers cho hay.
Điều này sẽ chỉ ngăn cản bạn khỏi những cuộc trò chuyện quan trọng về đôi bên. Mối quan hệ của có khả năng bị tổn thương sâu sắc nếu bạn có những hành vi sau đây:
- Không bày tỏ ý kiến về những quyết định quan trọng như chuyển nhà hay buôn bán chung
- Giữ im lặng mặc dù có quan điểm chính trị khác biệt với người yêu
- Lựa chọn không chia sẻ với người yêu về quan điểm của mình về con cái.
Không thổ lộ điều làm phiền lòng mình đồng nghĩa với việc bạn không cho đối phương cơ hội để bàn luận và giải quyết những hiểu lầm hay xung đột tiềm ẩn. Hậu quả của điều này sẽ chỉ là sự chia lìa đôi bên.
Giận dữ vô cớ có thể xem là cơ chế bảo vệ bản thân khỏi tổn thương tiềm ẩn. Ảnh: Timur Weber/Pexels. |
Bạn tức giận vô cớ
Mặt trái của việc né tránh bộc lộ cảm xúc là bạn có thể thấy bản thân trở nên giận dữ hay thất vọng một cách không cần thiết với nửa kia từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Dưới đây, Bowers chỉ ra một số ví dụ tiêu biểu của hành vi tiêu cực này.
- Nổi giận với người yêu khi họ chỉ đến muộn vài phút
- Rất tức giận nếu họ quên một hoặc hai món đồ trong danh sách mua hàng
- Trở nên quá khó chịu nếu nhắn tin không được phản hồi lại nhanh chóng.
Những hành động tiêu cực này có thể bắt nguồn từ nỗi sợ hãi bị từ chối và bỏ rơi. Theo đó, bạn có xu hướng nổi giận và gây rối như một cách để phòng ngừa và “rào trước” việc bị chối bỏ.
Yêu cầu sự hoàn hảo tuyệt đối khiến cả hai cảm thấy gò bó hơn khi ở bên nhau. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Bạn đặt ra những kỳ vọng viển vông
Trông đợi nhiều điều về nửa kia là một điều bình thường trong bất kỳ mối quan hệ nào. Tuy nhiên, với ai có xu hướng tự hủy hoại, những kỳ vọng này thường trở nên quá tầm với và thiếu thực tế, Davin cho hay. Chẳng hạn:
- Bạn mong đối phương là tất cả của mình. Nói cách khác, họ luôn phải đáp ứng mọi nhu cầu của bạn
- Bạn muốn họ hiểu được suy nghĩ của mình nhưng không được nói thẳng những yêu cầu đó ra
- Bạn kỳ vọng họ luôn làm những công việc quan trọng như lên kế hoạch hẹn hò hay chăm sóc nhà cửa của cả hai.
Trông mong quá nhiều vào người yêu đáp ứng mọi tiêu chuẩn của một tình yêu tuyệt mỹ sẽ chỉ làm họ trở nên xa cách. Tệ hơn, mối quan hệ của cả hai phải kết thúc sớm.
Thường xuyên hạ thấp bản thân khiến việc yêu đương trở nên khó khăn hơn. Ảnh: Monstera/Pexels. |
Bạn cảm thấy mình không xứng đáng
Lòng tự trọng thấp khiến bạn cảm thấy bản thân không xứng đáng có được mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc.
Bạn còn có thể có suy nghĩ như: “Mọi người đều sẽ rời bỏ tôi. Vì vậy, tại sao tôi không chủ động và khiến họ rời đi trước?”. Một số nhận định về bản thân đáng ngờ khác bạn nên chú tâm là:
- Chuyện sẽ khác đi nếu tôi là một người tốt hơn
- Mình không đủ tốt để ở bên người này
- Đây là điều tốt nhất tôi có thể có được.
Một nghiên cứu năm 2016 chỉ ra rằng những người với lòng tự trọng thấp trong một mối quan hệ tình cảm thường xuyên tin rằng người yêu thấy họ kém cỏi. Hậu quả, họ sẽ thường hành động theo những cách khiến đối phương khó chịu.
Tỏ ra bận bịu và né tránh hẹn hò khiến mối quan hệ nhanh chóng đi vào hồi kết. Ảnh: Anna Shvets/Pexels. |
Bạn không nỗ lực vun vén tình yêu
Nếu thờ ơ và không bỏ công sức hay thời gian vào mối quan hệ, khả năng cao bạn đang tự hủy hoại tình yêu của đời mình. Một số dấu hiệu đáng chú ý có thể kể đến như:
- Dành thời gian với người khác mà có thể gây hại đến mối quan hệ của bạn
- Trở nên bận bịu với công việc để dành ít thời gian hơn cho nửa kia
- Ưu tiên năng lượng cho những thứ khác như sở thích cá nhân hay gia đình thay vì cho người yêu.
Tiếp tục dùng các công việc khác không liên quan để lấp đầy khoảng thời gian cho cả hai sẽ chỉ làm đối phương cảm thấy thiếu quan trọng và mối quan hệ sẽ dần đi đến rạn nứt.
Lifestyle gửi đến độc giả gợi ý về sách hay, phong cách đọc hiện đại của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Ngoài ra, những người mê đọc sách cũng có thể khám phá thêm góc nhìn của các gương mặt trẻ nổi bật về lựa chọn đọc sách.