Không chỉ đơn giản là người kỹ lưỡng trước khi hành động hay lên kế hoạch chi ly trước mọi việc, người sâu sắc còn có nhiều hơn thế. Đôi khi, họ sẽ khiến người khác bất ngờ vì những suy nghĩ có chiều sâu của mình. Họ thích nghiên cứu, học hỏi và dành thời gian để thấu hiểu bản thân.
Nhóm người này có thể rất trầm lặng và kín đáo, nhưng cũng có thể cởi mở và đầy đam mê. Mỗi ý kiến họ nói ra sẽ mang nhiều ý nghĩa, phân tích nhiều khía cạnh và tư duy khác biệt.
Theo Emma Carpenter – nhà trị liệu tâm lý, hôn nhân và gia đình, không có cảm xúc “tốt” hay cảm xúc “xấu”, bởi cảm xúc chính là tín hiệu để chúng ta nhận biết những nhu cầu căn bản của bản thân.
Ham học hỏi và thích trải nghiệm
Ham học, hay hiểu đơn giản, là sẵn sàng để bản thân được thay đổi, lắng nghe, thu nạp bởi những kiến thức mới. Ngoài ra, người ham học cũng sẵn sàng theo đuổi một lộ trình học tập nhất định. Cùng với đó là không ngại đối mặt với khó khăn, thử thách, chấp nhận những thay đổi mới, có đam mê tìm hiểu thế giới để tiếp nhận tri thức mới.
Không phán xét
Bản năng tự nhiên của chúng ta là đánh giá mọi người xung quanh trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, những người sâu sắc sẽ không vội "chấm điểm" mà nhìn mọi việc qua lăng kính phân tích, tìm nguyên nhân gốc rễ, giải pháp. Họ cố gắng tập trung vào những điểm tốt, điều mình có thể thay đổi và kiểm soát, thay vì đổ lỗi, phấn xét và chỉ trích.
Tìm thấy cảm hứng từ những điều bình thường
Sự khéo léo và tinh tế sẽ giúp một người tìm thấy niềm vui và cảm hứng từ mọi sự vật vô vị hay sự việc tầm thường. Khả năng này còn có thể giúp họ nhìn ra vẻ đẹp từ mọi thứ bình dị trong cuộc sống. Cũng từ đây, khi gặp vấp ngã, những người sâu sắc sẽ chiêm nghiệm và rút ra bài học.
Đặt câu hỏi và luôn tò mò
Một người sâu sắc không bao giờ vội vàng cho rằng mình biết mọi thứ. Họ luôn biết điểm mạnh, điểm yếu và mong muốn được học hỏi nhiều hơn. Sự tò mò khiến họ luôn đặt câu hỏi, tò mò đi tìm câu trả lời để tích lũy thêm kiến thức. Một người sâu sắc thường hỏi những câu hỏi như “Tại sao lại cảm thấy như vậy?” hay “Điều gì đang diễn ra đằng sau vấn đề này?”. Tuy vậy, họ cũng sẵn sàng thừa nhận sai sót, hiểu được quan điểm của người khác, cũng như chấp nhận mọi sự khác biệt.
Suy nghĩ nhiều
Bạn dành nhiều thời gian để ngẫm nghĩ, lắng nghe những phân tích của chính mình. Đôi khi, việc suy nghĩ liên tục về một vấn đề gì đó sẽ khiến bạn lo lắng và căng thẳng. Tuy nhiên, người sâu sắc sẽ không chỉ dựng ở trạng thái chủ động mà còn chuyển hóa thành hành động.
Quan sát cách người khác phản ứng
Quan sát khác với phán xét. Việc quan sát có thể giúp trả lời những câu hỏi như “Điều gì đã khiến tôi (hay một người nào khác) nói và hành động như vậy?”. Từ đó, bạn hiểu được rằng mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận khác nhau và hiểu rằng vấn đề không có đúng, sai mà có những cách nhận thức khác nhau. Cũng từ đây, bạn biết khi nào nên dừng lại, khi nào nên cảm ơn, xin lỗi, tha thứ hay dấn thân.