Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Huyền, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh, cho biết nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ có thể từ virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra.
Trong đó, Rotavirus là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy cấp mất nước, rối loạn điện giải, có thể dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ, đặc biệt bé dưới 2 tuổi. Đây là virus có khả năng tồn tại bền vững trong môi trường, sống hàng giờ ở trên bàn tay và các bề mặt rắn. Đặc biệt, Rotavirus có thể sống ổn định và gây ra bệnh khi ở trong phân một tuần.
Dấu hiệu
Tiêu chảy cấp thường có những biểu hiện điển hình như sốt, nôn ói, đi ngoài, số lượng phân mỗi lần nhiều và dễ mất nước, có thể dẫn đến trụy mạch rồi tử vong.
"Bệnh nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở những nước nhiệt đới, bệnh xảy ra quanh năm. Tiêu chảy cấp thường lây truyền qua đường phân hoặc miệng, thông qua thức ăn, nước uống bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp với phân đã nhiễm khuẩn gây bệnh. Một số tập quán tạo điều kiện thuận lợi cho sự lan truyền tác nhân gây bệnh như trẻ bú bình không hợp vệ sinh, không rửa tay sau khi đi ngoài, trước khi chế biến thức ăn cho trẻ, thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh, xử lý phân không hợp vệ sinh", bác sĩ Huyền cho hay.
Tiêu chảy cấp xảy ra nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ảnh: Focusflorida. |
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh thời tiết nắng nóng, cách chế biến và bảo quản thực phẩm không tốt rất dễ bị hỏng, gây tình trạng tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn. Trẻ bị tiêu chảy, nếu để lâu, kéo dài sẽ gây ra hiện tượng mất nước và điện giải, nặng có thể trụy mạch do giảm thể tích, tử vong.
Vì vậy, ngay khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu của tiêu chảy và mất nước như môi khô, khóc không có nước mắt, tiểu ít, quấy khóc, uống nước không uống được, cha mẹ phải đưa đi khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất.
Cách chăm sóc trẻ tiêu chảy cấp tại nhà
Với những bé bị tiêu chảy mất nước ở mức độ nhẹ, gia đình có thể chăm sóc con tại nhà bằng cách:
- Để đề phòng mất nước, cha mẹ có thể bổ sung nước cho trẻ như dùng Oresol, nước cháo muối, nước cơm có muối, súp hoa quả hoặc súp gà, súp thịt, nước sạch, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường.
- Cha mẹ tiếp tục cho trẻ ăn đề phòng suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, bạn cần tránh các loại rau sợi thô, củ quả, hạt ngũ cốc nhiều chất xơ vì khó tiêu hóa. Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn, cần cho trẻ bú nhiều hơn và lâu hơn sau mỗi lần bú. Nếu trẻ không bú mẹ hoàn toàn, cha mẹ cho con uống một hoặc nhiều loại dung dịch như đã đề cập ở trên.
- Cha mẹ tuyệt đối tránh cho trẻ sử dụng các loại nước uống ngọt có đường, nước trái cây sản xuất công nghiệp. Các dung dịch này có thể làm tình trạng tiêu chảy trầm trọng thêm.
- Trường hợp bù nước cho trẻ bằng dung dịch Oresol, cha mẹ cần chú ý pha dung dịch theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Bé uống từng ngụm nhỏ bằng chén hoặc thìa. Ngoài ra, mẹ tiếp tục cho bé bú bất cứ khi nào trẻ muốn.
- Cha mẹ có thể cho trẻ uống bổ sung kẽm sớm ngay khi bắt đầu bị tiêu chảy.
- Cha mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, uống đủ nước, đảm bảo ăn chín, uống sôi. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn phải tươi, sạch, bảo quản đúng cách.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, gia đình cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được phát hiện và xử trí kịp thời. Bác sĩ Huyền cũng khuyến cáo cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay khi con có một trong những biểu hiện: Đi ngoài nhiều lần phân lỏng (đi liên tục); nôn tái diễn; trẻ biểu hiện rất khát nước; trẻ ăn uống kém hoặc bỏ bú; trẻ không tiến triển sau 2 ngày điều trị tại nhà.