Tôi thường xuyên bị táo bón, liên tục trong nhiều tháng. Tôi cố gắng ăn thêm rau và dùng thực phẩm chức năng hỗ trợ nhưng không cải thiện. Tôi có cần đi khám không?
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Cảnh, Bệnh viện K Trung ương
Táo bón là tình trạng rối loạn tiêu hóa hầu như ai cũng gặp phải ít nhất một lần trong đời, đặc biệt người làm công việc lái xe và dân văn phòng. Đôi khi, bạn bị táo bón có thể do chế độ ăn khô khan, thiếu chất xơ, uống ít nước. Tuy nhiên, trường hợp bị táo bón kéo dài, liên tục trong nhiều tuần hay tháng lại là vấn đề bệnh lý cần được can thiệp, xử lý càng sớm càng tốt.
Táo bón kéo dài là nguyên nhân chính gây những bệnh lý nguy hiểm tại đường tiêu hóa như rối loạn chức năng vị tràng, viêm nhiễm đại trực tràng, sa đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, trĩ nội - trĩ ngoại, nứt kẽ hậu môn.
Khi bị táo bón kéo dài kèm theo các triệu chứng bất thường (đại tiện ra máu tươi, đau bụng, đau bụng dữ dội kèm theo chướng bụng - đầy hơi…), bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa ngay lập tức.
Bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám để tìm ra các nguyên nhân gây táo bón nằm ngoài hệ tiêu hóa (tuyến giáp hoạt động kém, bệnh tiểu đường, căng thẳng, lo lắng…) hoặc những tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa (to đại trực tràng bẩm sinh, to đại trực tràng không rõ nguyên nhân, viêm đại trực tràng mạn tính, polyp đại trực tràng).
Bên cạnh đó, người bệnh cần xem xét, điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi của mình như ăn uống lành mạnh, tăng cường các thực phẩm nhiều chất xơ có trong rau, đậu, ngũ cốc, hoa quả; chủ động đi vệ sinh khi có cảm giác muốn đi và tạo thói quen đi vào một thời điểm nhất định trong ngày; uống 1,5-2 lít nước mỗi ngày; hạn chế căng thẳng - stress.