Tim mạch là một trong những căn bệnh nguy hiểm, thường có diễn biến âm thầm và để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong nếu phát hiện muộn. Vì vậy, nhận biết sớm dấu hiệu bệnh tim là chìa khóa quan trọng bảo vệ sự sống của bản thân.
Khó thở
Người bệnh thấy thường xuyên mệt mỏi, khó thở, mức độ tăng dần. Đây là biểu hiện hay gặp. Trẻ nhỏ mắc bệnh tim mạch thường chậm phát triển thể chất, nhẹ cân, suy dinh dưỡng hay viêm phổi tái diễn. Trong một số bệnh tim bẩm sinh, trẻ có thể kèm theo tình trạng tím môi và đầu chi như bệnh Fa-lô (Fallot). Một số trẻ sốt cao liên tục do viêm nội tâm mạc nhiễm trùng (Osler) trên nền bệnh lý van tim hoặc tim bẩm sinh.
Trong hầu hết bệnh tim mạch, bệnh nhân thường thấy khó thở. Mức độ khó thở có thể từ nhẹ đến nặng, khó thở mạn tính hay khó thở cấp tính.
Khó thở mạn tính: Suy tim giai đoạn đầu thường chỉ khó thở khi gắng sức như làm việc nặng, lên cầu thang. Nếu không được điều trị, mức độ khó thở sẽ tăng dần, xảy ra thường xuyên, cả khi nghỉ hoặc về đêm, người bệnh thường phải ngồi để thở.
Khó thở cơn, cấp tính: Đây là tình trạng cấp cứu do phù phổi hoặc hen tim, hay gặp trong các trường hợp nhồi máu cơ tim, đứt dây chằng van tim, bóc tách động mạch chủ…
Người bệnh thấy thường xuyên mệt mỏi, khó thở, mức độ tăng dần. Ảnh: Granthshala. |
Với các trường hợp khó thở, người bệnh cần đến tại cơ sở y tế ngay. Bác sĩ sẽ khám và làm các xét nghiệm cần thiết như làm điện tim đồ, siêu âm tim, chụp mạch vành, chụp cắt lớp lồng ngực để chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
Đau ngực trái
Đau ngực có thể từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, đau ngực trái, nhất là đau cấp tính, dữ dội hoặc đau có liên quan gắng sức có thể do các bệnh lý tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim cấp, phình bóc tách động mạch chủ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim…
Trong bệnh nhồi máu cơ tim, đau ngực trái thường xuất hiện đột ngột, liên quan gắng sức (gắng sức đau hơn, nghỉ ngơi đỡ đau), đau sau xúc động… Đau ngực có thể từ ngực trái, lan ra sau lưng, lan lên vai trái, cánh tay trái, kèm theo vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn…
Để chẩn đoán, bệnh nhân cần được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết như điện tim đồ, siêu âm tim, xét nghiệm men tim, chụp cắt lớp vi tính…
Đau đầu và tai biến mạch máu não
Những người bệnh có tiền sử bệnh tim mạch hay tăng huyết áp có thể xuất hiện dấu hiệu nặng đầu vùng gáy, đau nửa đầu do co thắt mạch máu não. Hẹp động mạch cảnh thường đau đầu phối hợp với rối loạn tiền đình (chóng mặt, buồn nôn).
Những người bệnh có tiền sử bệnh tim mạch hay tăng huyết áp có thể xuất hiện dấu hiệu nặng đầu vùng gáy, đau nửa đầu. Ảnh: Novaexpress. |
Các bệnh lý van tim, rung nhĩ cũng có thể gây nhồi máu não. Đau đầu tăng dần và thường không giảm khi dùng các thuốc giảm đau thông thường. Đau đầu đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của tai biến mạch máu não như xuất huyết não do tăng huyết áp, nhồi máu não do huyết khối gây tắc mạch (như trong trường hợp hẹp động mạch cảnh, rung nhĩ…)
Để chẩn đoán, ngoài thăm khám lâm sàng, người bệnh sẽ được làm siêu âm động mạch cảnh, siêu âm tim phát hiện các bệnh lý tim mạch và chụp cắt lớp vi tính sọ não.
Hồi hộp, trống ngực, ngất
Hồi hộp, đánh trống ngực mới xuất hiện có thể do các bệnh lý về nhịp tim. Các cơn nhịp nhanh, rung nhĩ làm cho rối loạn nhịp tim, người bệnh sẽ cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực. Ngoài ra, bạn cần loại trừ nguyên nhân nội khoa khác như cường giáp (bệnh ba-zơ-đô).
Choáng ngất là tình trạng người bệnh bị mất tri giác thoáng qua. Ở người già có thể do nhịp tim quá chậm (suy nút xoang, tắc nghẽn nhĩ thất), hẹp khít van động mạch chủ, tụt huyết áp hay nhồi máu cơ tim cấp.
Ngoài ra, các dấu hiệu khác ít gặp trong bệnh tim mạch như ho ra máu, đau bụng vùng gan (vùng hạ sườn phải) hay đau chân khi đi lại, sưng phù chân… có thể do các nguyên nhân liên quan tim mạch.
Với tình hình các bệnh tim mạch gia tăng như hiện nay, để phát hiện sớm và phòng ngừa các biến chứng, người dân cần nâng cao kiến thức về bệnh lý này. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường, người dân cần đến ngay các trung tâm y tế chuyên khoa để kịp thời chẩn đoán và điều trị.
Bạn cần khám sức khỏe định kỳ và toàn diện hàng năm. Các trung tâm y tế địa phương cũng cần có chương trình phổ biến kiến thức về sức khỏe, đặc biệt về sức khỏe tim mạch đến mọi người để có hiểu biết và chế độ sinh hoạt phù hợp nhất.
Bài viết do TS Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cung cấp thông tin.