Tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ. Đây là tình trạng tác động đến cách cơ thể sử dụng đường, hoặc glucose, để tạo ra năng lượng. Khi không được điều trị, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Điều quan trọng là cha mẹ phải nhận thức được các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường ở trẻ để tìm kiếm sự trợ giúp y tế khi cần thiết. Chẩn đoán và điều trị sớm là điều quan trọng trong việc quản lý bệnh tiểu đường và ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.
Nguyên nhân gây tiểu đường ở trẻ
Theo Johns Hopkins Medicine, có hai loại bệnh tiểu đường, type I và II. Bệnh tiểu đường loại I, còn được gọi là bệnh tiểu đường vị thành niên, là dạng bệnh tiểu đường phổ biến nhất ở trẻ em vì nó là tình trạng di truyền.
Đây là chứng rối loạn tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào trong tuyến tụy, làm ngừng sản xuất insulin tự nhiên. Insulin rất quan trọng vì nó giúp đường (còn được gọi là glucose) trong máu đi vào các tế bào của cơ thể, nơi nó được sử dụng để tạo năng lượng.
Bệnh tiểu đường có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ nếu không được điều trị kịp thời. Ảnh: Areapediatrics. |
Đường có thể tích tụ trong máu khi không có insulin dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh tiểu đường type I phổ biến hơn ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên. Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type I chưa rõ ràng, nhưng di truyền và các yếu tố môi trường có thể đóng vai trò nhất định nào đó.
Bệnh tiểu đường loại II, phổ biến hơn ở người lớn, cũng có thể xảy ra ở trẻ em. Dù không phổ biến với trẻ em, bệnh tiểu đường type II gia tăng ở trẻ bị béo phì. Theo CDC, ở trẻ béo phì, cơ thể không sử dụng tốt insulin và không thể giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường.
Bên cạnh thừa cân, các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tiểu đường type II bao gồm lười vận động, tiền sử gia đình, tiền tiểu đường được chẩn đoán,... Trái ngược với type I, bệnh tiểu đường loại II chủ yếu liên quan lối sống và phát triển theo thời gian.
Các triệu chứng phổ biến
Nhiều dấu hiệu của bệnh tiểu đường type I và type II ở trẻ em giống nhau. Khác biệt chính liên quan đến sự xuất hiện của các triệu chứng. Theo CDC, bệnh tiểu đường type I có thể phát triển nhanh chóng (trong vài tuần hoặc vài tháng) và dễ diễn biến nặng.
Tiến sĩ Larry Deeb, Cựu chủ tịch Hiệp hội Tiểu đường Mỹ đồng Giám đốc Trung tâm Tiểu đường của Tallahassee Memorial HealthCare, ở Florida, cho biết trong khi đó, bệnh tiểu đường type II có xu hướng phát triển chậm theo thời gian và nhiều trẻ em không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Nó chỉ được chẩn đoán khi trẻ đi khám bệnh khác không liên quan.
Thay đổi thói quen ăn uống: Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, trẻ mắc tiểu đường có xu hướng uống nhiều nước hơn bình thường. Tình trạng sức khỏe có thể khiến trẻ cảm thấy rất khát hoặc đói - bất kể ăn bao nhiêu.
Thay đổi trọng lượng: Theo Mayo Clinic, thay đổi cân nặng thường xảy ra trước khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường - đặc biệt là giảm cân đáng kể ở bệnh tiểu đường type I hoặc tăng cân chậm và quá mức ở type II.
Đột ngột mệt mỏi và kiệt quệ: Quá mệt mỏi và thay đổi mức năng lượng là dấu hiệu phổ biến của bệnh tiểu đường, đặc biệt nếu trẻ cảm thấy chậm chạp và uể oải hơn bình thường.
"Về các triệu chứng của tiểu đường, chúng thực sự có thể giống với người lớn, vì vậy, cha mẹ có thể nhận thấy trẻ lờ đờ hơn một chút và mệt mỏi, sụt giảm mức năng lượng hàng ngày", tiến sĩ Maya Feller, Trợ giảng giáo sư dinh dưỡng tại Đại học New York (Mỹ), nói.
Mệt mỏi, kiệt quệ, sụt giảm năng lượng có thể là dấu hiệu phổ biến cảnh báo bệnh tiểu đường ở trẻ. Ảnh: Echo24. |
Vấn đề về dạ dày: Theo CDC, trẻ mắc bệnh tiểu đường cũng có thể bị buồn nôn, nôn mửa hoặc đau dạ dày. Các triệu chứng tiêu hóa này có xu hướng phổ biến hơn với bệnh tiểu đường type I.
Tầm nhìn mờ: Lượng đường trong máu cao có thể khiến thủy tinh thể mắt sưng lên, dẫn đến mờ mắt. Kết quả là trẻ có thể bị mất thăng bằng và không thể tập trung rõ ràng.
Tê hoặc ngứa ran: Lượng đường trong máu cao có thể gây ra bệnh thần kinh tiểu đường, là dạng tổn thương thần kinh. Nó có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả cảm giác "kim châm" ở bàn tay hoặc bàn chân.
Vết loét lâu lành: Nếu trẻ bị đau, vết thương hoặc nhiễm trùng lâu hơn bình thường, đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường type II. Nguyên nhân có thể là lượng đường trong máu cao, bệnh thần kinh tiểu đường và giảm tuần hoàn.
Da sạm: Trẻ bị tiểu đường có thể xuất hiện những vết thâm ở các vùng nếp gấp da như nách, cổ,... Triệu chứng này, được gọi là acanthosis nigricans, không nhất thiết giống vết bầm, và khi sờ vào có cảm giác mịn. Triệu chứng này chủ yếu xảy ra với tiểu đường type II.
Hơi thở có mùi hoa quả: Trẻ em bị tiểu đường có thể phát triển tình trạng hơi thở có mùi hoa quả giống kẹo cao su loại trái cây. Triệu chứng này có thể đe dọa tính mạng trẻ và là dấu hiệu của nhiễm toan ceton do tiểu đường. Nó thường chỉ xuất hiện ở bệnh tiểu đường type I.