Suy gan cấp tính là tình trạng suy giảm chức năng gan diễn ra nhanh trong vòng từ 48 giờ tới vài tuần. Ảnh: Kompasiana. |
Bác sĩ nội trú Nguyễn Đức Minh, khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết gan có chức năng chuyển hóa các chất độc hại để thải trừ ra khỏi cơ thể và tổng hợp những chất cần thiết.
Suy gan cấp tính là tình trạng suy giảm chức năng gan diễn ra nhanh trong vòng từ 48 giờ tới vài tuần. Bệnh nhân sẽ gặp những thay đổi cấp tính chức năng gan và ý thức họ.
Suy gan cấp có thể từ những nguyên nhân như viêm gan virus (gồm các virus viêm gan A, B, E…). Người Việt chủ yếu mắc viêm gan virus B.
Ngoài ra, bệnh nhân dùng các thuốc, chất gây độc cho gan cũng gây nên tình trạng này. Cụ thể, bệnh nhân gặp tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt khi dùng quá liều, kéo dài, như thuốc ngủ, thuốc giảm đau hạ sốt, kháng sinh (thuốc lao…), thuốc điều trị tâm thần, ung thư…
Thói quen dùng những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không được kê đơn chính thống hay lạm dụng chất kích thích trong thời gian dài (rượu, bia, ma túy…) cũng là lý do thường thấy của suy gan cấp. Một số nguyên nhân ít gặp hơn là mắc bệnh tự miễn, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh (Wilson), sốc kéo dài.
Người bị suy gan cấp sẽ có những biểu hiện đặc trưng sau:
- Hội chứng suy tế bào gan: Vàng da, mệt mỏi, chán ăn, sợ thức ăn dầu mỡ, đau bụng vùng gan, buồn nôn và nôn, hơi thở có mùi hôi khai, chảy máu khó cầm. Bệnh nhân có bệnh lý gan mạn tính từ trước có thể xuất hiện cổ trướng, nôn máu, đại tiện phân đen.
- Thay đổi ý thức các mức độ là biểu hiện chính của suy gan cấp: Các mức độ nặng dần 1-4 dưới đây. Thay đổi ý thức xuất hiện sau 2-8 tuần từ khi có biểu hiện vàng da.
Thay đổi ý thức các mức độ 1-4. |
- Các hội chứng toàn thân: Xuất hiện trong bệnh cảnh nặng như sốt, suy hô hấp, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, hạ đường máu, suy thận, hôn mê, co giật…
Để điều trị, bác sĩ Nguyễn Đức Minh cho hay người bệnh cần sử dụng thuốc giải độc gan, thụt tháo, chống phù não, kháng sinh, nuôi dưỡng, thuốc kháng virus (nếu là viêm gan virus).
Một số trường hợp bệnh nhân cần làm thủ thuật can thiệp như đặt sonde ăn, đặt nội khí quản bảo vệ đường thở nếu hôn mê. Lọc máu, lọc huyết tương để hấp phụ chất độc do gan không chuyển hóa, thải trừ được. Ghép gan là giải pháp cuối nếu không cải thiện bằng mọi biện pháp điều trị.
Bệnh nhân suy gan cấp thường có tiên lượng xấu. Nguy cơ không qua khỏi càng cao nếu mức độ hôn mê càng sâu và tổn thương nhiều cơ quan ngoài gan.
Không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y
Nghề bác sĩ vất vả về mặt thời gian, tổn hao nhiều năng lượng và cảm xúc. Thế nhưng, trên thế gian này, không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y. Chạy trời không khỏi đau là tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.