Ngứa hoặc nổi mề đay là dấu hiệu cho thấy bạn bị nhiễm ký sinh trùng. Ảnh: Freepik. |
Người nhiễm ký sinh trùng có thể âm thầm hoặc có dấu hiệu cảnh báo, nhưng dễ trùng lặp với rất nhiều bệnh lý thường gặp. Ngoài ra, người nhiễm ký sinh trùng do đa dạng chủng loại nên cũng có những biểu hiện khác nhau.
Dưới đây là một số biểu hiện cảnh báo thường gặp ở người nhiễm ký sinh trùng, theo các bác sĩ Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM):
Ngứa hoặc nổi mề đay
Bệnh ký sinh trùng ở người sẽ gây ra một số vấn đề trên da như phát ban đỏ, chàm, dị ứng. Ngoài ra, các chất thải từ ký sinh trùng tích tụ trong da lâu ngày sẽ dẫn đến sưng tấy, tổn thương da, gây viêm nhiễm.
Sốt kéo dài
Nhiễm ký sinh trùng thường có dấu hiệu sốt kéo dài, có thể sốt cao kèm cơ thể rét run hoặc có thể sốt trong thời gian ngắn rồi cắt cơn. Đôi khi người bị nhiễm ký sinh trùng có sốt kèm theo đau bụng, tiêu chảy, chán ăn…
Bất thường ở hệ tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa hoặc có các biểu hiện tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng… là những dấu hiệu thường gặp ở người nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa, nhưng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đường ruột khác. Chất thải ký sinh trùng có thể gây táo bón, đầy hơi, buồn nôn... cho người nhiễm bệnh.
Sụt cân, suy dinh dưỡng
Nhiễm ký sinh trùng gây ảnh hưởng đến hoạt động đường ruột. Cơ thể người bệnh dễ gặp triệu chứng như táo bón, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy… Ngoài ra, một số loài ký sinh trùng hút máu và dinh dưỡng từ vật chủ, điều này sẽ khiến vật chủ bị sụt cân, thậm chí suy dinh dưỡng.
Ngứa vùng hậu môn
Ngứa hậu môn là đặc trưng của người nhiễm giun, đặc biệt là giun kim. Người nhiễm thường bị ngứa quanh hậu môn vào ban đêm, khi giun cái đẻ trứng.
Thiếu máu
Phần lớn ký sinh trùng sau khi ký sinh vào cơ thể người sẽ hút máu của vật chủ để duy trì sự sống, phát triển và sinh sôi. Do đó, người nhiễm ký sinh trùng nếu không được phát hiện có thể dẫn đến tình trạng bị thiếu máu.
Trên thực tế, khi ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người có thể gây ra phản ứng ban đầu như sốt, ngứa. Những biểu hiện nhẹ ban đầu, người mắc bệnh sẽ dễ dàng bị bỏ qua do nhầm lẫn với nhiều căn bệnh khác. Nhiều trường hợp nhiễm ký sinh trùng có biểu hiện âm thầm, chỉ được phát hiện khi vô tình đi khám sức khỏe định kỳ.
Tùy mỗi loại ký sinh trùng khác nhau, mà có các phương pháp xét nghiệm phù hợp như: xét nghiệm phân, máu, sinh học phân tử PCR, ngoài ra có thể sử dụng thêm những phương pháp hỗ trợ để xác định chuẩn xác như máy CT, MRI…
Vì vậy, mọi người khi có một trong các biểu hiện nghi ngờ, cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.