Cha tôi từng nhập viện cấp cứu vì cơn thiếu máu não thoáng qua. Liệu ông có khả năng bị đột quỵ tiếp trong tương lai không? Dấu hiệu nhận biết sớm là gì?
TS.BS Vũ Quỳnh Hương, khoa Khám bệnh Cán bộ cao cấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội)
Đột quỵ là tình trạng não bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, khiến não bị thiếu oxy. Trong vòng ít phút, nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Cơn thiếu máu não thoáng qua do động mạch não bị bít tắc tạm thời (thường dưới 10 phút), sau đó lưu thông lại. Những cơn thiếu máu não thoáng qua liên tục kéo đến được xem là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Các dấu hiệu sớm
Quy tắc FAST là cụm từ viết tắt được Hội Tim mạch Mỹ (AHA) cũng như nhiều tổ chức khác sử dụng, giúp bệnh nhân và người thân dễ dàng ghi nhớ về những triệu chứng của đột quỵ nhằm nhận biết sớm và cấp cứu kịp thời.
Khuôn mặt (Face): Miệng của người bị đột quỵ thường lệch sang một bên, nếp nhăn mũi - má mờ, mắt sụp. Một số người bị liệt cơ mặt, không thể cười hoặc cử động miệng bình thường.
Cánh tay (Arm): Người bị đột quỵ thường không thể nhấc cả hai tay lên do yếu, liệt cơ tay.
Lời nói (Speech): Người bị đột quỵ thường rối loạn ngôn ngữ, nói khó, nói lắp, nói đớ. Do đó, chúng ta có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu họ lặp lại một cụm từ đơn giản.
Thời điểm (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.
Sơ cứu
Người bị đột quỵ cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt. Thời gian vàng trong đột quỵ não là 4,5 giờ nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối (làm tan cục máu đông) hoặc trong 6-8 giờ lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não.
Những việc bạn không nên làm
- Không tụ tập đông người xung quanh bệnh nhân bị đột quỵ.
- Không tự ý xoa dầu nóng, cạo gió, dùng kim đâm đầu ngón tay.
- Không cho bệnh nhân uống bất kỳ loại thuốc nào.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.