Tỷ lệ người bệnh chuyển sang suy thận giai đoạn cuối chiếm 0,1% dân số. Ảnh: Việt Linh. |
Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Số ca mắc mới gia tăng khi mỗi năm có thêm 8.000 người bệnh thận mạn tính. Tỷ lệ người bệnh chuyển sang suy thận giai đoạn cuối chiếm 0,1% dân số.
Suy thận là gì?
Suy thận là tình trạng thận không còn hoạt động hiệu quả nữa. Bình thường, thận thực hiện một công việc quan trọng trong cơ thể bằng cách loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa.
Bệnh suy thận gây tử vong nếu không được điều trị thích hợp. Suy thận đôi khi chỉ là tạm thời và phát triển nhanh (cấp tính) nhưng có khi là tình trạng mạn tính (lâu dài) và ngày càng xấu hơn.
Dựa vào cơ chế bệnh sinh, suy thận được chia như sau: Suy thận cấp và mạn tính. Suy thận cấp gồm có: trước thận, tại thận và sau thận. Bệnh thận mạn được chia thành 5 giai đoạn: 1, 2, 3 (a và b), 4, 5; riêng giai đoạn 5 còn gọi là suy thận mạn tính.
Nguyên nhân gây suy thận
Bệnh có thể là hệ quả của một số vấn đề về sức khỏe và xác định được nguyên nhân rất hữu ích trong việc giúp nhận diện loại suy thận. Nguyên nhân gây bệnh có thể đến từ một số yếu tố sau đây:
Giảm lưu lượng máu đến thận
Lượng máu đến thận bị mất đột ngột có thể sẽ dẫn đến suy thận. Tình trạng này thường từ các nguyên nhân như: bệnh tim, sẹo gan hoặc suy gan, bị bỏng nặng, phản ứng dị ứng, nhiễm trùng nặng chẳng hạn như nhiễm trùng huyết… Việc dùng thuốc cao huyết áp và thuốc chống viêm cũng có thể hạn chế lượng máu đến thận.
Vấn đề đào thải nước tiểu
Khi cơ thể không đào thải được nước tiểu, các chất độc sẽ tích tụ và gây quá tải cho thận. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm một số bệnh ung thư ở đại tràng, bàng quang, tuyến tiền liệt (ở nam giới), cổ tử cung (nữ giới)…
Các tình trạng khác có thể gây cản trở việc tiểu tiện và lâu dần dẫn đến suy thận như: sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt, cục máu đông trong đường tiết niệu, tổn thương dây thần kinh kiểm soát bàng quang.
Các nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến bệnh suy thận bao gồm:
- Xuất hiện cục máu đông ở trong hoặc quanh thận
- Nhiễm trùng
- Nhiễm độc kim loại nặng
- Viêm mạch máu
- Bệnh lupus
- Viêm cầu thận
- Hội chứng tan máu tăng urê máu
- Đa u tủy xương
- Xơ cứng bì
- Xuất huyết khiến giảm tiểu cầu huyết khối
- Các loại thuốc điều trị ung thư và một số bệnh tự miễn
- Thuốc nhuộm được sử dụng trong chẩn đoán hình ảnh
- Một số loại thuốc kháng sinh
- Bệnh tiểu đường không kiểm soát
- Thận bị lão hóa do tuổi tác
Suy thận không chỉ là gánh nặng cho sức khỏe, tinh thần mà còn khiến cho kinh tế nhiều gia đình kiệt quệ. Ảnh: Kidney. |
Dấu hiệu suy thận
Thông thường, bệnh nhân suy thận sẽ có một vài triệu chứng của bệnh, nhưng đôi khi không có triệu chứng nào. Một số biểu hiện của tình trạng này có thể xảy ra bao gồm:
- Giảm lượng nước tiểu
- Phù mắt cá chân, bàn chân
- Khó thở không rõ nguyên nhân
- Đau hoặc cảm thấy nặng ngực
- Buồn ngủ quá mức, mệt mỏi, uể oải
- Kém ăn, buồn nôn dai dẳng, nôn
- Sụt cân
- Ngứa ngáy
- Co rút cơ (đặc biệt là ở chân)
- Co giật
- Hôn mê
- Thiếu máu (ít xuất hiện)
Một số dấu hiệu sớm của bệnh suy thận
Các triệu chứng của bệnh thận giai đoạn đầu khó phát hiện. Tuy nhiên, bệnh thận mạn tính vẫn có thể gây tổn thương cho dù người bệnh cảm thấy khỏe mạnh và các triệu chứng xuất hiện có thể khác nhau ở mỗi người.
Người bệnh nên sớm đi khám thận ngay khi có dấu hiệu tiểu ít, sưn phù tay chân, khó thở… Người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, bệnh tim mạch, tăng phốt phát máu, tăng kali máu, tích tụ nước trong cơ thể. Chất lượng cuộc sống, công việc, tinh thần người bệnh cũng chịu nhiều tác động.
Biến chứng suy thận
Dù lọc máu có thể giúp giảm bớt áp lực cho thận, giúp thận khỏe hơn, nhưng việc này cũng không thể thay thế hoàn toàn chức năng của thận. Vì thế, người bị bệnh vẫn có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là dẫn đến tử vong.
Một số biến chứng phổ biến nhất của tình trạng suy thận bao gồm: thiếu máu, bệnh về xương và tăng phốt phát trong máu, bệnh tim, tăng kali máu, tích tụ nước trong cơ thể, sức khỏe tinh thần..
Điều trị suy thận
Suy thận mạn không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Khi đã được chẩn đoán là suy thận mạn, bạn không thể điều trị khỏi được. Tuy nhiên, chúng ta có thể áp dụng một số phương pháp điều trị nhằm làm chậm quá trình tiến triển dẫn đến suy thận giai đoạn cuối phải điều trị thay thế.
Bệnh nhân suy thận phải chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh: BVCC. |
Với tiến bộ trong y học hiện nay, người bệnh suy thận nếu được thăm khám và theo dõi định kỳ có thể làm chậm tiến triển của bệnh. Đối với những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có thể áp dụng các phương pháp thay thế lọc máu, lọc màng bụng hay ghép thận… giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Ngoài ra, việc tiên lượng cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể trạng của bệnh nhân và các bệnh lý kèm theo, việc tuân thủ điều trị…
Một số phương pháp điều trị suy thận bao gồm:
- Chế độ ăn: nhạt, giảm đạm (mức độ tùy giai đoạn bệnh thận mạn)
- Bổ sung đạm dành cho người suy thận (tùy giai đoạn)
- Dùng thuốc làm chậm tiến triển bệnh thận mạn.
- Đối với những người bệnh phải dùng thuốc do có các bệnh lý mạn tính khác cần điều chỉnh một số thuốc ít ảnh hưởng xấu đến chức năng thận.
- Bệnh thận mạn giai đoạn cuối: Điều trị thay thế lọc máu, lọc màng bụng, ghép thận kèm điều trị một số triệu chứng do biến chứng mạn tính của bệnh thận mạn.
Phòng ngừa suy thận
Không có cách nào để phòng ngừa hoàn toàn bệnh suy thận, mọi người chỉ có thể áp dụng các phương pháp duy trì lối sống lành mạnh để giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách:
- Uống đủ nước
- Nếu có các bệnh lý nền, bệnh lý đồng mắc thì cần kiểm soát tốt: huyết áp, đường huyết…
- Thường xuyên tập thể dục
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường chất xơ, rau xanh, hoa quả… vào chế độ ăn hàng ngày. Đồng thời, hạn chế các đồ ăn chứa nhiều chất béo, đồ ăn chế biến sẵn, đồ nhiều muối
- Kiểm soát lượng protein và kali nạp vào cơ thể
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ, không chủ quan với những bất thường của cơ thể
- Tránh xa căng thẳng, stress trong cuộc sống, cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Nếu có bất thường về sức khỏe người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên môn đưa ra phương án điều trị.
Sách hay về sức khỏe con người
Để giúp bạn đọc dễ hiểu về hệ miễn dịch, Giáo sư ngành miễn dịch học tại ĐH Manchester (Anh) Daniel M. Davis lấy ví dụ về phản ứng của cơ thể với vết cắt hay nhiễm trùng. Khi đó, bên dưới da đã “diễn ra điều kỳ diệu”, các tế bào di chuyển đến để chống lại mầm bệnh, cũng như sửa chữa tổn thương và đối phó với các mảnh mô bị hư tổn. Những diễn tiến âm thầm này rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể.