Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu hiệu co giật do sốt ở trẻ nhỏ

Trẻ bị co giật do sốt thường gặp phải các triệu chứng điển hình như huơ tay chân, mất ý thức, sùi bọt mép, mắt trợn ngược.

Trẻ bị co giật do sốt thường không nguy hiểm và đều hồi phục hoàn toàn sau đó. Ảnh: Today.

Co giật có thể xảy ra khi trẻ bị sốt, nhất là ở bé từ 6 tháng đến 3 tuổi. Thời điểm này, cha mẹ sẽ thường sợ hãi và lo lắng khi thấy con mình lên cơn co giật, đặc biệt nếu đó là lần đầu tiên của trẻ.

Tuy nhiên, những cơn co giật này thường vô hại và hầu như tất cả trẻ em đều hồi phục hoàn toàn sau đó. Để phòng ngừa, bạn vẫn có thể cần đưa con đến bệnh viện để được thăm khám.

Dấu hiệu co giật do sốt

Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), một cơn co giật do sốt thường kéo dài dưới 5 phút. Con bạn sẽ:

- Bị cứng tay chân và bắt đầu co giật.

- Mất ý thức và có thể mất kiểm soát đại, tiểu tiện.

Trẻ cũng có thể uể oải, mệt mỏi, sùi bọt mép, mắt trợn ngược. Sau cơn co giật, trẻ có thể buồn ngủ khoảng một giờ. Theo Mayo Clinic, co giật do sốt được phân loại thành:

- Co giật do sốt đơn giản: Loại phổ biến nhất này kéo dài từ vài giây đến 15 phút. Co giật do sốt đơn giản không tái phát trong khoảng 24 giờ và không liên quan bộ phận nào của cơ thể.

- Co giật do sốt phức tạp: Loại này kéo dài hơn 15 phút, xảy ra nhiều lần trong vòng 24 giờ hoặc chỉ giới hạn ở một bên cơ thể của con bạn.

Co giật do sốt thường xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi bắt đầu sốt và có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ bị ốm.

Co giat do sot anh 1

Sốt gây co giật ở trẻ vẫn luôn là mối bận tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Ảnh: Firstcryparenting.

Nguyên nhân sốt cao gây co giật

Nguyên nhân của co giật do sốt vẫn chưa được biết, mặc dù chúng có liên quan sự khởi đầu của nhiệt độ cao (sốt). Các nhà khoa học cũng cho biết có thể có mối liên hệ di truyền với co giật do sốt, vì nguy cơ trẻ bị co giật sẽ tăng lên nếu một thành viên trong gia đình có tiền sử mắc bệnh này.

Trong hầu hết trường hợp, trẻ bị sốt cao là do bệnh nhiễm trùng. Các ví dụ phổ biến là thủy đậu, cúm, nhiễm trùng tai giữa hoặc viêm amidan. Trong những trường hợp rất hiếm, co giật do sốt có thể xảy ra sau khi trẻ được tiêm phòng.

Khoảng một trong 3 trẻ co giật do sốt sẽ bị tái phát trong lần nhiễm trùng tiếp theo. Điều này thường xảy ra trong vòng một năm kể từ lần đầu tiên. Tái phát có nhiều khả năng xảy ra bao gồm:

- Cơn co giật do sốt đầu tiên xảy ra trước khi trẻ được 18 tháng tuổi.

- Có tiền sử co giật hoặc động kinh trong gia đình.

- Trước khi lên cơn co giật đầu tiên, trẻ bị sốt kéo dài dưới một giờ hoặc nhiệt độ dưới 40 độ C.

- Trẻ trước đó từng bị co giật do sốt phức hợp (nhiều hơn một lần co giật trong thời gian bị bệnh).

- Trẻ đi nhà trẻ - điều này làm tăng cơ hội phát triển các bệnh nhiễm trùng thông thường ở trẻ em, chẳng hạn cúm hoặc thủy đậu.

Co giật do sốt có liên quan việc tăng nguy cơ động kinh. Nhiều bậc cha mẹ lo lắng nếu con của họ bị một hoặc nhiều cơn co giật do sốt, trẻ sẽ bị động kinh khi lớn lên.

Động kinh là tình trạng một người bị co giật lặp đi lặp lại mà không sốt. Mặc dù đúng là trẻ em mắc tiền sử co giật do sốt có nguy cơ bị bệnh động kinh cao hơn, cần nhấn mạnh rằng nguy cơ này vẫn còn nhỏ.

Dữ liệu từ các nghiên cứu ước tính trẻ em có tiền sử co giật do sốt đơn giản có 1/50 nguy cơ phát triển bệnh động kinh trong cuộc sống sau này. Trong khi đó, trẻ em có tiền sử co giật do sốt phức hợp có 1/20 nguy cơ mắc bệnh động kinh sau này. Những người không bị co giật do sốt có khoảng 1-2/100 khả năng mắc bệnh động kinh.

Làm gì khi trẻ bị co giật do sốt?

Nếu con bạn bị co giật do sốt, hãy đặt trẻ ở tư thế phục hồi (tư thế mà cơ thể nằm sấp 3/4 để sơ cứu bệnh nhân bất tỉnh nhưng còn thở). Cha mẹ cố gắng luôn ở bên con và ghi lại thời gian cơn động kinh kéo dài.

Đặc biệt, không cho bất cứ thứ gì vào miệng con bạn trong khi trẻ bị co giật - kể cả thuốc - vì có khả năng trẻ sẽ cắn vào lưỡi. Bạn nên đưa con đến bệnh viện gần nhất hoặc gọi cấp cứu nếu:

- Trẻ bị co giật lần đầu tiên.

- Cơn co giật kéo dài hơn 5 phút và không có dấu hiệu dừng lại, kèm triệu chứng nôn mửa, cứng cổ, buồn ngủ quá mức.

- Bạn nghi ngờ cơn động kinh là do một căn bệnh nghiêm trọng khác gây ra - ví dụ viêm màng não.

- Con bạn bị khó thở.

“Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất?”, “Làm thế nào để tôi ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh?”, “Làm thế nào để tôi vẫn giữ được minh mẫn khi già đi?”… Đó là mối quan tâm của nhiều người trong quá trình tìm phương thức để duy trì sức khỏe tốt nhất có thể.

Cuốn sách Ăn lành, tập đủ, nghĩ thông minh có thể giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất, giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.

Sốt rét ở trẻ nhỏ nguy hiểm như thế nào?

Trẻ mắc sốt rét có thể bị ớn lạnh, sốt cao, đổ mồ hôi, đau đầu, buồn nôn. Nếu bệnh ảnh hưởng não, trẻ có nguy cơ bị co giật hoặc bất tỉnh.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm