Tình bạn độc hại là khi bạn luôn cảm thấy kiệt sức và tội lỗi. |
Bạn cố gắng đối xử tốt với một người bạn, song luôn kiệt sức và cảm thấy tội lỗi. Theo nhà trị liệu tâm lý Karina Aybar-Jacobs, đó chính là dấu hiệu của một mối quan hệ không còn lành mạnh.
Tất nhiên, sẽ rất khó khăn để bạn chấm dứt một tình bạn từng sâu sắc. Tuy vậy, nếu nỗ lực níu kéo chỉ làm bạn thêm mệt mỏi, có lẽ bạn cần tìm ra lối thoát cho mình.
Today trao đổi cùng các chuyên gia tâm lý và đưa ra các dấu hiệu nhận biết một tình bạn độc hại.
Không tôn trọng giới hạn
Nhiều người sẽ gặp khó khi thẳng thắn nói với người khác về giới hạn của mình. Đó có thể là tần suất tụ tập, cách giao tiếp, vấn đề tài chính hoặc mức độ can thiệp vào cuộc sống riêng tư của nhau.
Tuy nhiên, sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi bạn đã nói ra giới hạn mà người bạn kia lại thường gạt bỏ hoặc mặc kệ.
"Ví dụ, bạn đã nói rằng mình không thể xuất hiện trong một cuộc hẹn, nhưng đối phương vẫn giận dỗi, cho rằng bạn không vì tập thể và làm họ mất vui. Những lời trách móc làm bạn thấy tội lỗi và đó chính là một tình huống tiêu cực", Aybar-Jacobs giải thích.
Đề cao lợi ích cá nhân
Một người bạn độc hại sẽ luôn muốn bạn ở bên, nhưng khi bạn cần lại hiếm khi đáp lại. Họ thường xuyên ghi nhớ những điều đã làm cho bạn và sử dụng chúng như bằng chứng chống lại bạn trong các cuộc cãi vã.
"Tôi đã làm điều này cho bạn, tại sao bạn không đền đáp tôi?" là câu nói cửa miệng của người này.
Ngoài ra, họ cũng thường ghen tị và có xu hướng chiếm hữu khi bạn giao du với những người bạn khác.
Thiếu trách nhiệm
Aybar-Jacobs nhấn mạnh rằng tính cách thiếu trách nhiệm chính là dấu hiệu điển hình của một tình bạn không tốt đẹp.
Một người bạn tồi sẽ không thừa nhận rằng hành vi của họ đã làm tổn thương bạn. Nếu có, lời xin lỗi của họ được đưa ra một cách miễn cưỡng. Thậm chí, họ tìm cách đổ lỗi cho bạn trong những mâu thuẫn, tìm mọi cách khiến bạn tin mình là người có lỗi.
Nghiêm trọng hóa vấn đề của mình
Mỗi người trong chúng ta đều trải qua những khó khăn khác nhau trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng một người bạn tồi có thể sử dụng sự bất lợi của chính mình như một phương tiện thao túng, khiến bạn dành thời gian, công sức và phải nhượng bộ cho họ.
Ví dụ, họ nói rằng mình phải đi xa hơn để đến chỗ hẹn nên bạn phải là người trả tiền cho bữa tối.
Khi nhận ra người bạn đang nghiêm trọng hóa vấn đề của bản thân và lợi dụng điều đó nhằm khiến đối phương cảm thấy tội lỗi, bạn cần thẳng thắn hỏi cách để giúp đỡ và đặt ra giới hạn cho lòng tốt của mình.
Coi thường giá trị của bạn
Những người bạn xấu thường gây ra áp lực buộc bạn phải nói hoặc hành động vì lợi ích của họ.
Họ yêu cầu bạn làm những điều trái với tính cách như uống rượu nhiều hơn mức bạn muốn, gán ghép bạn với một người khó ưa hoặc chia sẻ cho người khác về những điều bạn muốn giữ kín...
"Một người bạn tồi luôn coi thường giá trị của bạn", Aybar-Jacobs nói.
Phớt lờ nỗ lực của bạn
Một người bạn độc hại có thể từ chối sự giúp đỡ của bạn, nhưng vẫn khiến bạn cảm thấy có nghĩa vụ phải giúp đỡ.
Trong trường hợp này, Aybar-Jacobs khuyên bạn nên gợi ý người khác giúp đỡ họ.
"Ví dụ, khi người bạn gặp khó khăn về tình cảm, bạn có thể giới thiệu cho họ một chuyên gia tâm lý hoặc những người bạn khác. Điều này giúp bạn an lòng vì đã làm đủ vai trò của một người bạn, người kia cũng sẽ không có lý do gì để trách móc", Aybar-Jacobs bày tỏ.
Kết luận
Nếu một tình bạn luôn khiến bạn hoài nghi giá trị và hành động của chính mình, hoặc liên tục cảm thấy cạn kiệt..., bạn nên đánh giá lại và quyết liệt từ bỏ mối quan hệ đó.
Nếu muốn nỗ lực hàn gắn tình cảm, bạn cần trung thực với cảm xúc của bản thân và tránh buộc tội đối phương. Cả hai nên có một cuộc trò chuyện thẳng thắn dựa trên sự tôn trọng cảm xúc của cả hai bên.
Nếu sau khi trao đổi một cách rõ ràng, người đó vẫn tỏ ra dửng dưng hoặc và từ chối làm lành, bạn hoàn toàn có quyền quyết định ở lại hay rời khỏi mối quan hệ.