Tối 14/10, do mưa lớn, chị N.T.T. (28 tuổi, ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cùng 6 nhân viên siêu thị Điện máy Xanh dọn dẹp cửa hàng, gom đồ điện tử của siêu thị vào túi nylon rồi để lên cao. Sau đó, 9 người khách (không rõ danh tính) xin trú nhờ trong siêu thị và được chị T. đồng ý.
Khoảng 23h30, chị T. cùng nhân viên và 5 người khách trong nhóm lên tầng 2 để nghỉ, những người còn lại ở tầng dưới. Tới khoảng 1h30 ngày 15/10, chị xuống kiểm tra, thì thấy kính cường lực phía trước siêu thị vỡ hoàn toàn, những người trú phía dưới biến mất cùng các túi nylon chứa điện thoại. Theo trình báo, số điện thoại bị mất là khoảng 130 chiếc với tổng giá trị khoảng 1,2 tỷ đồng.
Trường hợp này, nếu bị xác định lấy trộm điện thoại, nhóm người này có thể bị xử lý về tội danh, tình tiết định khung và tăng nặng nào?
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội
Đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu tới lòng tin của người dân. Đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ những người phạm tội (nếu có) trong vụ việc này.
Trường hợp này, nếu cơ quan chức năng xác định 4 người khách kia đã thực hiện hành vi trộm cắp điện thoại, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015. Với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt lên tới 1,2 tỷ đồng, những người này có thể đối diện khung hình phạt 12-20 năm tù, căn cứ tình tiết định khung tại khoản 4 Điều này.
Bên cạnh trách nhiệm của 4 người khách đã biến mất, cần làm rõ cả vai trò của 5 người còn lại trong nhóm trong vụ việc này. Theo đó, cần xác định có sự bàn bạc, thỏa thuận từ trước về việc chia thành 2 nhóm của những người này, từ đó tạo điều kiện cho hành vi trộm cắp được thực hiện trót lọt hay không.
Trường hợp xác định có mối quan hệ, sự thống nhất về ý chí của những người này, cả 5 người ở trên tầng cũng có thể bị xử lý hình sự về tội Trộm cắp tài sản với vai trò đồng phạm của những người kia.
Ngoài ra, về tình tiết tăng nặng "Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội" theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, cần làm rõ các vấn đề sau:
Thứ nhất, phải có sự xuất hiện của hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh và người phạm tội phải nhận thức được có thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên thực tế.
Khoản 1, Điều 1 Luật phòng, chống thiên tai và đê điều sửa đổi năm 2020 quy định thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội. Thiên tai bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.
Tối 14/10, mưa lớn và trận lũ lịch sử do cơn bão Sơn Ca gây ra tại Đà Nẵng. Do đó, có thể xác định đây là thiên tai.
Thứ hai, có mối quan hệ nhân quả giữa hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh và hành vi phạm tội. Tức có thiên tai, dịch bệnh, thì mới có thể thực hiện hành vi hoặc hành vi được thực hiện là do sự xuất hiện của thiên tai, dịch bệnh.
Thứ ba, phải có sự lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp này có thể hiểu là người phạm tội đã dựa vào những điều kiện thuận lợi cho mình được tạo ra bởi hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh để phạm tội. Trong đó, người phạm tội nhận thức rõ hoặc biết được những thông tin nhất định về tình trạng thiên tai, dịch bệnh từ đó chủ động tính toán, liên hệ với các hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh nhằm khai thác hoàn cảnh đó có lợi cho mình để thực hiện hành vi phạm tội.
Nếu thỏa mãn các điều kiện ở trên, những người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản này có thể bị xem xét tình tiết tăng nặng "Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội" tại điểm i, khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự 2015.