Ngày 15/11, mạng xã hội xuất hiện 2 clip ghi lại cảnh nhóm ngư dân hành hạ người đàn ông khiến mắt người này sưng húp, miệng chảy máu. Hình ảnh của 2 clip cho thấy vụ việc xảy ra trên tàu cá ở ngoài biển.
Clip thứ nhất dài 2 phút 4 giây, ghi lại cảnh người đàn ông mặc áo thun xanh, môi sưng húp, bị 2 người đàn ông hành hạ dã man. Họ dùng kìm bấm vào môi, ngón tay.
Ở clip thứ 2, nạn nhân bị nam thanh niên dùng kìm bấm vào tai và một người lớn giọng nói: "Tao nói mày có sai không". Nạn nhân đáp “sai” và hứa “từ đây tới vô luôn, không có gì nữa hết”.
Ngày 17/11, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) yêu cầu công an địa phương báo cáo vụ thuyền viên của tàu cá bị hành hạ trên tàu. Bước đầu, cơ quan chức năng đã xác định được 3 nghi can và 2 nạn nhân cùng là thuyền viên trên tàu cá mang số hiệu BT 97993-TS.
Một trong 2 nạn nhân bị hành hạ trên tàu cá. |
Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, ông Trần Tấn Công, cho biết 3 nghi can hành hạ anh Bình và ông Trung trong 2 đoạn clip được công an xác định là Nguyễn Công Toàn, Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Văn Hùng.
Do bà Hà (chủ tàu cá mang số hiệu BT 97993-TS) không đưa phương tiện vào bờ, UBND huyện Trần Văn Thời chỉ đạo công an huyện phối hợp với Đồn Biên phòng Sông Đốc yêu cầu bà Hà điều phương tiện vào bờ để làm việc với các nghi can trên tàu cá.
“Khi làm rõ vụ việc nếu có dấu hiệu phạm tội, thì tiếp nhận tin báo và khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật”, ông Trần Tấn Công chia sẻ.
Trao đổi với Zing, luật sư Dương Lê Ước An cho rằng hành vi trên của Toàn, Tỵ và Hùng đã có dấu hiệu của “Tội cố ý gây thương tích” được quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó, luật sư An cho biết các dấu hiệu cụ thể của các nghi can là Nguyễn Công Toàn, Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Văn Hùng trong vụ việc nêu trên đã thực hiện các hành vi đánh đập, gây thương tích cho ông Trương Văn Trung và ông Lê Văn Bình.
Cụ thể, ngày 23/5, ông Trung bị 3 người trên dùng kìm bấm vào tai phải, bẻ gãy 4 cái răng, dập môi và gối chân phải. Ngày 24/5, ông Bình bị Toàn và Hùng đánh gây thương tích trên cơ thể tại vùng bả vai phải và gãy một cái răng. Trong quá trình đánh đập, ngoài đấm, đá gây ra thương tích trên cơ thể của ông Trung, ông Bình, thì Toàn, Tỵ và Hùng còn dùng kìm là hung khí nguy hiểm để thực hiện một loạt hành vi có tính chất côn đồ như bấm vào tai, bẻ răng.
“Các nghi can đã sử dụng vũ khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hiểm cho nhiều người. Hành vi của các nghi can có tính chất côn đồ. Hình phạt của hành vi cố ý gây thương tích theo quy định tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, sẽ bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tuy nhiên, cần có kết luận của cơ quan điều tra xem có thuộc các trường hợp tăng nặng theo quy định tại Khoản 2; Khoản 3 của điều luật hay không, mới có thể xác định hình phạt xử lý cụ thể”, luật sư An phân tích.
Về việc các nạn nhân không yêu cầu xử lý hình sự mà chỉ yêu cầu bồi thường tiền thuốc điều trị, luật sư An cho biết Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết".
Theo quy định trên tội Cố ý gây thương tích quy định tại Khoản 1 Điều 155 chỉ được khởi tố theo yêu cầu người bị hại, vì vậy khi nạn nhân không yêu cầu xử lý hình sự, thì 3 nghi can là Nguyễn Công Toàn, Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Văn Hùng trong vụ việc nêu trên sẽ không bị xử lý nữa.
Tuy nhiên, trong trường hợp kết luận điều tra xác định các hành vi của 3 nghi can trên rơi vào Khoản 2 Điều 155 Tội cố ý gây thương tích, thì các nghi can vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích, không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.