Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị trầm cảm

Chuyên gia nhận định trẻ có dấu hiệu trầm cảm nhưng không được phát hiện sớm có thể do phụ huynh chưa coi đây là bệnh.

Gần đây ba trẻ vị thành niên đã tự tử, trong đó hai em gieo mình từ tầng cao của chung cư. Dư luận cho rằng nguyên nhân của sự việc thương tâm này do trầm cảm - căn nguyên phổ biến nhất dẫn đến tự sát ở lứa tuổi vị thành niên.

Chưa nhận thức đúng về trầm cảm

Trao đổi với Zing, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho hay nhiều gia đình chưa nhận thức đúng về trầm cảm, không coi đây là một bệnh.

Một số trẻ giao tiếp bình thường với bạn bè, họ hàng nhưng khi về nhà lại cau có, khó chịu, gắt gỏng, mất tập trung. Cha mẹ chủ quan với những biểu hiện này dẫn đến tình trạng con mắc bệnh nhưng không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Bác sĩ này từng tiếp nhận một trường hợp trẻ bị trầm cảm nhưng 6 năm sau mới đi khám vì cha mẹ nghĩ con hoàn toàn bình thường. Trẻ thường suy nghĩ tiêu cực, muốn buông xuôi, thấy cuộc sống vô nghĩa, học hành giảm sút.

May mắn, trẻ tự hồi phục được. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trẻ xuất hiện thêm những dấu hiệu có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Thu chia sẻ nếu con hay cáu gắt, căng thẳng, mệt mỏi, chán nản, rối loạn giấc ngủ (ngủ quá nhiều hoặc quá ít), mất tập trung, xung đột với người thân, áp lực học tập, không hứng thú với sở thích cũ, cha mẹ cần đưa con đi khám tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần.

Cha me khong biet con tram cam anh 1

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương. Ảnh: Quốc Toàn.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quyết, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), trầm cảm là rối loạn cảm xúc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ các hoạt động tâm thần như cảm xúc, tư duy, vận động.

Trầm cảm thường được biểu hiện bằng giảm tập trung chú ý, giảm tính tự trọng, lòng tự tin, khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay hứng thú cũ, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi, giảm hoạt động kéo dài ít nhất 2 tuần.

Bệnh thường đi kèm thêm các biểu hiện như buồn chán, tự ti, cảm thấy không xứng đáng, bi quan, có hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát, suy nghĩ về cái chết, rối loạn giấc ngủ, ăn không ngon hoặc ăn nhiều.

Khoảng 2% trẻ mắc trầm cảm. Ở lứa tuổi vị thành niên tỷ lệ này dao động từ 5-8% phổ biến với trẻ sau tuổi dậy thì.

Một số yếu tố nguy cơ của trầm cảm gồm gia đình có người mắc rối loạn cảm xúc, có một đợt trầm cảm trước đó, thất bại trong học tập, xung đột trong gia đình, quan hệ bạn bè, rối loạn hành vi, rối loạn lo âu, bị bắt nạt, dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội.

Làm thế nào để phát hiện sớm?

Các biểu hiện trầm cảm ở trẻ vị thành niên khá đa dạng, không điển hình. Biểu hiện chung thường gặp gồm:

- Tâm trạng cáu kỉnh thất thường (gắt gỏng, thù địch, dễ nổi cáu bộc phát).

- Giảm hoặc mất hứng thú kéo dài với các hoạt động giải trí được yêu thích trước đây (ví dụ: bỏ các hoạt động thể thao, âm nhạc, vẽ).

- Không muốn ra ngoài, rút lui xã hội, không tham gia các hoạt động trên lớp hoặc không còn muốn đi chơi với bạn bè.

- Tránh né việc đi học.

- Suy giảm kết quả học tập, than phiền không tập trung, hay quên.

- Thay đổi giấc ngủ.

- Mệt mỏi, đau đầu, đau dạ dày.

- Xuất hiện các vấn đề về hành vi (cố chấp, trốn khỏi nhà, bắt nạt người khác).

- Có suy nghĩ tiêu cực, ý tưởng, hành vi tự tử.

- Cảm giác vô dụng (cảm thấy bị từ chối, không được yêu thương, tội lỗi quá mức).

- Lạm dụng rượu, các chất kích thích.

Cha me khong biet con tram cam anh 2

Cha mẹ cần đồng hành cùng con để vượt qua trầm cảm. Ảnh: iStockphoto.

Để điều trị trầm cảm hiệu quả, bác sĩ Quyết cho biết bệnh nhân sẽ được dùng thuốc, liệu pháp tâm lý, giáo dục (áp dụng với trẻ trầm cảm nhẹ). Tùy vào mức độ trầm cảm, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Thuốc được lựa chọn điều trị là thuốc chống trầm cảm. Một số trường hợp cần dùng thêm thuốc điều chỉnh khí sắc, an thần.

Cùng với đó, một số phương pháp trị liệu tâm lý sẽ được áp dụng như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp tương tác cá nhân (IPT), phỏng vấn tạo động lực, trị liệu nhóm.

Chuyên gia này nhấn mạnh muốn người trầm cảm hồi phục nhanh cần có sự hỗ trợ của nhà trường trong việc phát hiện sớm, giáo dục kiến thức, liên kết gia đình với bác sĩ khi khám, chẩn đoán, điều trị.

Với trẻ có hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát, gia đình cần loại bỏ những vật sắc nhọn hoặc dây thừng trong môi trường xung quanh, luôn có sự giám sát của cha mẹ, người chăm sóc.

Tiến sĩ Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, nhấn mạnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên về cơ bản giống với trầm cảm của người trưởng thành.

Trẻ vị thành niên trầm cảm khí sắc có thể bị kích thích (một thời điểm trong ngày bệnh nhân nổi cáu vô cớ). Ngoài ra, bệnh nhân có các triệu chứng sau:

- Thay đổi cảm giác ngon miệng hoặc khối lượng cơ thể (ăn ít hoặc ăn nhiều, sút cân hoặc tăng cân).

- Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều).

- Hoạt động tâm thần vận động chậm chạp hoặc kích động, giảm sút năng lượng.

- Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định.

- Ý nghĩ tái diễn về cái chết hoặc ý nghĩ, lên kế hoạch về hành vi tự sát.

Các triệu chứng trên xuất hiện nhiều trong ngày, ít nhất khoảng 2 tuần liên tiếp. Trẻ vị thành niên trầm cảm sẽ có kết quả học tập giảm sút, hầu như không có mối quan hệ bạn bè hoặc các thành viên khác trong gia đình, họ hàng.

Điểm khác biệt lớn nhất của trầm cảm ở người vị thành niên và người lớn là hay cáu gắt, học hành sút kém, thường xuyên nghĩ về cái chết. Từ ý nghĩ về cái chết (ví dụ "mình chết quách đi cho đỡ khổ"), bệnh nhân sẽ nhanh chóng lên kế hoạch thực hiện hành vi tự sát.

Hành vi tự sát của người vị thành niên thường có kế hoạch chi tiết (tự sát ở đâu, lúc nào, bằng cách nào). Vì vậy họ thường chuẩn bị cho tự sát (viết thư tuyệt mệnh, mua thuốc, các công cụ).

Điều trị trầm cảm ở trẻ vị thành niên cũng giống như trầm cảm của người lớn. Bệnh nhân cần được điều trị nội trú trong viện, khoa Tâm thần. Trẻ vị thành niên bị trầm cảm hay tự sát, nếu để ở nhà sẽ khó quản lý, đề phòng hành vi tự sát của người bệnh.

Bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, khuyến cáo khi làm việc với trẻ phụ huynh cần lắng nghe, không nên phát xét, tôn trọng khoảng riêng tư của con. Việc hiểu rõ nguyên nhân, các dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp cho cha mẹ tìm được cách giải quyết, ngăn ngừa tình huống xấu xảy ra.

Bóng ma trầm cảm trong gia đình

Khi cha mẹ vẫn còn định kiến hoặc không tin vào sự tồn tại của bệnh tâm lý, nhiều bạn trẻ cảm thấy không được tôn trọng và khó mở lòng về những vấn đề của bản thân.

Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm