Các tỉnh, thành phố ở cả 3 miền đang bước vào thời điểm giao mùa với những đợt nắng nóng gay gắt đan xen mưa giông bất chợt. Nhiệt độ, độ ẩm thay đổi liên tục khiến nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao, nhất là ở nhóm trẻ em, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, lúc này, những cách làm sai từ phụ huynh có thể khiến diễn biến bệnh của con nặng hơn, gây khó khăn trong điều trị.
Nhận biết đúng để xử trí phù hợp
Vị chuyên gia nhấn mạnh vai trò của việc nhận biết đúng bệnh, phát hiện sớm các triệu chứng có thể giúp chính cha mẹ cũng như bác sĩ điều trị tốt nhất cho trẻ. Các dấu hiệu bệnh thường gặp nhất ở giai đoạn này gồm:
Ngạt tắc mũi
“Bình thường, trẻ thở bằng mũi một cách chậm rãi, đều đặn, không có tiếng kêu và miệng ngậm lại. Nếu chúng ta bịt bớt một bên mũi, trẻ vẫn tiếp tục thở một cách dễ dàng”, PGS Đào cho hay.
Mặt khác, trường hợp mũi bị tắc, trẻ sẽ thở khó khăn và có tiếng kêu. Bịt một bên mũi, trẻ sẽ bị ngạt.
Do đó, muốn biết mũi có bị ngạt không, ta có thể bịt một bên mũi và đặt lưng bàn tay vào sát lỗ mũi bên kia để cảm giác được luồng gió đi qua. Chúng ta có thể kiểm tra như vậy với từng lỗ mũi.
Ngoài ra, PGS Đào cho hay khi bị ngạt tắc mũi, trẻ phải thở bằng miệng nên họng sẽ khô, rát. Chất nhầy của mũi chảy xuống họng làm cho trẻ vướng họng, dẫn đến ho và bị trớ.
Phụ huynh có thể phát hiện trẻ mắc bệnh tai mũi họng từ sớm qua nhiều dấu hiệu như ngạt mũi, chảy mũi, đau tai... Ảnh minh họa: kelly_sikkema. |
“Lúc này, tiếng nói sẽ không được rõ các phụ âm M, N (M đọc thành B và N đọc thành Đ), trẻ nói giọng đặc biệt gọi là giọng mũi tắc”, vị chuyên gia nói.
Ngạt tắc mũi cũng hay gây ra tắc vòi tai nên trẻ có thể bị khó nghe và ù tai, gọi trẻ lúc nghe được lúc không, học sa sút.
Tiếng thở của trẻ khi mắc bệnh cũng trở nên nặng hơn, ban đêm ngáy to, thỉnh thoảng có những cơn ngạt thở và ho rũ do co thắt thanh quản.
“Nguyên nhân của sự co thắt này là phản xạ bị kích thích bởi nước bọt tràn vào thanh quản. Hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ bị viêm VA và viêm thanh quản”, PGS Đào giải thích.
Ở trẻ sơ sinh, ngạt tắc mũi còn làm trẻ bú khó khăn, bú không được dài hơi như trước. Nguyên nhân là khi bú, trẻ không thở được bằng miệng nên sau một lúc sẽ phải dừng, há miệng thở để lấy thêm oxy rồi bú tiếp, chính điều này làm cho trẻ dễ bị sặc hơn.
Trong khi đó, với một số trẻ lớn, chúng ta có thể chủ động hỏi để phát hiện được thêm triệu chứng mất ngửi khi ngạt tắc mũi.
Cuối cùng, những trẻ bị tắc mũi đều bị thiếu không khí. Do đó, trẻ sẽ không được linh hoạt. Ban đêm hay có những cơn ác mộng làm cho trẻ khóc thét. Trẻ lớn lúc này thường bị nhức đầu và không tập trung tư tưởng khi học tập.
Chảy mũi
Trên thực tế, PGS Đào nhận định việc phát hiện dấu hiệu chảy mũi đôi khi cũng rất khó đối với cha mẹ.
“Nếu con chảy mũi thò lò ra cửa mũi trước, bố mẹ rất dễ phát hiện, nên trong trường hợp này ít khi trẻ bị các biến chứng của viêm mũi. Ngược lại, thông thường, họ sẽ không phát hiện được khi nước mũi chảy ra phía sau rồi rơi xuống họng. Những trường hợp này xảy ra khi hốc mũi bị phù nề nhiều, cản trở chảy ra trước hoặc khi bị viêm hệ thống xoang sau. Lúc này trẻ có cảm giác vướng họng hay phải ho, khạc đờm hoặc buồn nôn, nôn”, vị chuyên gia cảnh báo.
Biểu hiện về ngửi
PGS Đào nhận định rối loạn ngửi ở trẻ nhỏ cũng rất khó phát hiện do trẻ không hợp tác. Cách phát hiện chủ yếu là ông bà, bố mẹ thường thấy trẻ kém ăn dần.
Nguyên nhân là trẻ không ngửi thấy vị thơm từ thức ăn kích thích trung tâm thèm ăn, đồng thời giảm xuất tiết nước bọt - một chất giúp quá trình tiêu hoá thức ăn thuận lợi.
Với những trẻ này, vị chuyên gia nhấn mạnh gia đình nên đưa con đi khám mũi họng để xác định bệnh.
Thay đổi tiếng khóc, tiếng nói
PGS Phạm Thị Bích Đào nêu một số biểu hiện trong tiếng nói, khóc có thể giúp phụ huynh phân biệt tình trạng của bé:
- Tiếng nói, tiếng khóc của trẻ đục như bị bịt mồm thường là viêm amidan.
- Tiếng nói, tiếng khóc trẻ thường ồ ề như tiếng ễnh ương trong bệnh lý của viêm thanh quản.
- Trẻ có tiếng rít như mèo hen trong mềm sụn thanh thiệt bẩm sinh do thiếu calci.
Một số biểu hiện bệnh về tai
Đau tai: Trẻ biết nói sẽ tự kêu đau sâu trong tai, được mô tả đau theo tiếng mạch đập, đau lan xuống hàm dưới hoặc lên thái dương. Trong khi đó, trẻ chưa biết nói thường hay dụi tai bên đau hoặc khóc thét khi gối vào vai người đang bế vì đau.
Chảy mủ tai: Thường xuất hiện kèm theo những đợt viêm mũi họng cấp. Biểu hiện này thường là mủ của viêm tai giữa cấp giai đoạn đã vỡ mủ và không phải ráy tai.
Nghe kém: Làm trẻ khó tập trung trong khi học, nhiều khi gọi từ phía sau trẻ không nghe thấy. Trẻ bị nói ngọng khó sửa vì không nghe được một số âm trầm trong viêm tai giữa, thậm chí điếc, câm do không nghe được, phụ huynh thấy trẻ không nói được như các trẻ cùng lứa tuổi.
PGS Đào lưu ý: “Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay ở các cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để phát hiện và điều trị kịp thời”.
Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định
Để tránh tình trạng kháng thuốc cũng như nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ, PGS Phạm Thị Bích Đào nhấn mạnh việc dùng kháng sinh phải có chỉ định của bác sĩ.
“Dùng kháng sinh đúng chỉ định còn phòng tránh cho trẻ như những tổn thương gan thận có thể xảy ra”, vị chuyên gia nói thêm.
Thực tế, trẻ trên 6 tháng thường bị các bệnh lý về tai mũi họng do hết lượng miễn dịch của mẹ truyền cho khi sinh.
Chỉ dùng kháng sinh cho trẻ khi thực sự cần thiết. Ảnh minh họa: christine_sandu. |
Theo PGS Đào, tới 80% những bệnh lý trẻ mắc phải là do virus. Do đó, thông thường, chúng ta chỉ cần dùng các thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt, giảm ho, long đờm, chống ngạt tắc mũi… để cơ thể trẻ có khả năng tự sản sinh kháng thể chống lại các bệnh lý này.
Tuy nhiên, nếu điều trị không đúng, như việc dùng thuốc giảm ho loại ức chế trung tâm hô hấp sẽ làm mất khả năng bảo vệ phổi của trẻ qua phản xạ ho tống dịch ra ngoài, dẫn đến các biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi…
Bởi vậy, PGS Đào nhận định cha mẹ và nhân viên y tế cần theo dõi cẩn thận trẻ trong quá trình diễn biến bệnh. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng của bội nhiễm vi khuẩn như nước mũi vàng xanh, hơi thở hôi… phải dùng kháng sinh kịp thời.
Hậu quả những trẻ lạm dụng kháng sinh phải đánh đổi là cơ thể mất chức năng đề kháng, phụ thuộc vào thuốc mỗi khi bị bệnh nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, sức đề kháng thuốc của vi khuẩn trong cơ thể trẻ ngày càng tăng, đến khi không còn đáp ứng với bất kỳ nhóm kháng sinh nào. Đây là những trường hợp nan giải cho các bác sĩ điều trị.
Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh liên tục còn làm tổn thương một số cơ quan còn non của trẻ như gan, thận, tụy… Hậu quả này thường sau một thời gian mới xuất hiện nên không được chú ý.
Từ đây, PGS Đào khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ đi khám ngay khi trẻ bị bệnh để có được lời khuyên chính xác. Mặt khác, cần tuyệt đối tin tưởng và làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Một số phương pháp cũng giúp cha mẹ có thể chủ động phòng bệnh tai mũi họng cho con trong thời gian này bao gồm:
- Đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra đường. Môi trường Việt Nam hiện bị ô nhiễm nặng nề do bụi xây dựng, xăng, hoá chất...
- Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người vì dễ bị lây nhiễm khi cơ thể trẻ chưa đủ sức đề kháng.
- Giữ ấm vùng cổ, ngực và bụng cho trẻ khi trời lạnh.
- Tránh để trẻ ở những nơi có gió lùa.
Để hạn chế biến chứng của viêm mũi họng, gia đình cần:
- Điều trị sớm khi trẻ xuất hiện các triệu chứng của mũi họng.
- Điều trị tốt các ổ viêm nhiễm ở mũi họng, răng miệng.
- Điều trị đúng và triệt để các bệnh viêm đường hô hấp, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
- Nâng cao thể trạng, tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc mũi họng.
- Biết cách nhỏ mũi cho trẻ, hướng dẫn đúng cho trẻ cách xì mũi để không đẩy mủ và vi trùng lên tai giữa hoặc vào xoang.