Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch tay chân miệng

Những bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ trong mùa hè

Trong mùa hè, trẻ thường có thời gian để tham gia các hoạt động vui chơi, dã ngoại… Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội khiến các bệnh ở trẻ dễ xuất hiện hơn.

Sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, cúm, Covid-19… là hàng loạt các dịch bệnh chúng ta đang phải đối mặt trong mùa hè năm nay. “Dịch chồng dịch” là một trong những cụm từ được cảnh báo nhiều nhất thời gian qua. Trong đó, trẻ em là nhóm đối tượng nhạy cảm và có nguy cơ mắc bệnh lớn.

Tuy nhiên, đây chưa phải tất cả. Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trẻ còn có nguy cơ mắc thêm các bệnh lý liên quan đường hô hấp khác do thời tiết nóng, sử dụng điều hòa hoặc chênh lệch nhiệt độ giữa phòng có và không có điều hòa.

“Những bệnh lý này cũng có thể xảy ra trong mùa đông, khi thời tiết lạnh, nhiệt độ thay đổi giữa nơi kín gió và ngoài trời. Đây cũng là những tình huống tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ lớn tương tự mùa hè”, vị chuyên gia cho hay.

Nhận biết các biểu hiện

Dị ứng

Theo PGS Bích Đào, bên cạnh dị ứng thực phẩm, dị ứng với phấn hoa hay còn gọi là sốt mùa cũng tác động rất lớn tới sức khỏe của trẻ vào các mùa xuân, hè, thu.

Biểu hiện chủ yếu của dị ứng ở trẻ là chảy nước mũi, đỏ và chảy nước mắt.

tre em mac benh ho hap trong mua he anh 1

Thời tiết mùa hè cùng sự chênh lệch nhiệt độ làm tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh về đường hô hấp. Ảnh minh họa: guillaume_de_germain.

“Trong trường hợp này, phụ huynh cần tránh cho trẻ ra ngoài vào ngày có gió để phòng bệnh. Những nơi có nhiều loại hoa chứa phấn sẽ làm tăng khả năng dị ứng ở trẻ, đồng thời là yếu tố thuận lợi gây viêm mũi, hen hoặc viêm kết mạc dị ứng”, vị chuyên gia khuyến cáo.

Viêm thanh quản

Viêm thanh quản là một loại bệnh của thanh quản do vi khuẩn hoặc kích thích dị ứng gây hẹp đường thở, dẫn đến khó thở, thở rít. Độ tuổi hay gặp tình trạng bệnh lý này chủ yếu từ 6 tháng đến 6 tuổi. Một số tác nhân gây bệnh có thể kể đến là virus, sự chênh lệch nhiệt độ khi sử dụng điều hòa, đi bơi ở bể bơi hoặc ngoài biển.

Biểu hiện của trẻ khi mắc viêm thanh quản là khàn tiếng hoặc thay đổi âm sắc tiếng, kèm theo đau họng và ho khan. Các biểu hiện này thường xuất hiện về đêm. Một số trẻ có thêm biểu hiện thở rít hoặc nhịp thở nhanh, nông.

PGS Đào cho rằng cách phòng tránh viêm thanh quản là không đến những nơi có không khí khô và nhiều khói bụi. Đồng thời, phụ huynh nên chú ý bù nước đủ cho trẻ khi ở môi trường nắng nóng, rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với những người đang có các biểu hiện của bệnh.

Viêm phế quản

Đây là tình trạng viêm nhiễm của phế quản thường tác động đến những trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi. Bệnh thường bắt đầu bằng các dấu hiệu tương tự cảm lạnh, xuất hiện sau khi đi bơi ở bể bơi có pha chlorine, tiếp xúc nhiều với khói thuốc, bụi hoặc phấn hoa.

Triệu chứng thường gặp nhất của viêm phế quản là ho khan, ngạt mũi, đau ngực, khó thở và thở rít.

Để phòng tránh viêm phế quản cho trẻ, PGS Đào khuyến cáo gia đình không nên đưa trẻ đến môi trường có khói thuốc hoặc bất cứ loại chất kích thích tới đường hô hấp. Ngoài ra, trẻ cần được bù đủ nước và điện giải khi ở trong môi trường nóng. Cần tránh để trẻ bơi ở những bể bơi không kiểm soát tốt về hoá chất khử khuẩn trong nước.

Hen

Hen là bệnh viêm nhiễm tại phổi do dị ứng. Bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp bị hen là trẻ ở độ tuổi nhỏ.

PGS Đào thông tin: “Chúng ta có thể phân loại gồm hen di truyền, hen mắc phải (gây ra bởi bụi, phấn hoa, nấm mốc...), hen không dị ứng hoặc di truyền chịu tác động của khói thuốc, virus, ô nhiễm…”.

Triệu chứng ở các loại hen là giống nhau gồm khó thở, ho, thở rít, co kéo cơ liên sườn.

Để ngăn chặn các biểu hiện của hen, vị chuyên gia cho rằng nên tránh hoặc hạn chế để trẻ tiếp xúc với nguồn dị nguyên trong môi trường sống.

Ngoài ra, để đánh giá mức độ của các bệnh lý đường hô hấp ở trẻ buộc phải thông qua các chỉ số như độ bão hoà oxy trong máu, nhịp tim... dưới sự theo dõi của bác sĩ tai mũi họng hoặc bác sĩ nhi. Do đó, khi có các biểu hiện bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ tới khám để được tư vấn hướng xử trí phù hợp.

Tăng sức đề kháng là giải pháp tối ưu

Theo PGS Phạm Thị Bích Đào, sức đề kháng là khả năng phòng vệ của cơ thể, giúp chúng ta chống lại các tác nhân có hại xâm nhập vào bên trong.

“Sức đề kháng trong cơ thể được tạo ra từ hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của con người gồm 2 loại là miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được. Trong đó, miễn dịch tự nhiên là dòng đáp ứng miễn dịch đầu tiên của cơ thể, liên quan đến di truyền. Miễn dịch thu được do con người tạo ra, giúp cơ thể sinh ra chất chống lại tác nhân gây bệnh”, vị chuyên gia giải thích.

tre em mac benh ho hap trong mua he anh 2

Bổ sung đầy đủ nước, dinh dưỡng là một trong những phương pháp tăng sức đề kháng cho trẻ. Ảnh minh họa: johnny_mcclung.

Trong các trường hợp đã được tiêm phòng vaccine, khi tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng... xâm nhập vào bên trong, cơ thể sẽ sản sinh ra chất chống lại nó. Nguyên lý này khiến sức đề kháng cũng như hệ miễn dịch có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa các tác nhân xâm nhập vào cơ thể.

Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, PGS Đào khuyến cáo cha mẹ nên thực hiện một số phương pháp sau:

  • Cho trẻ bú mẹ nếu có thể: Sữa mẹ là nguồn cung cấp chất đề kháng tốt nhất cho trẻ.
  • Uống đủ nước mỗi ngày: Với các bé từ 6 đến 12 tháng tuổi, cha mẹ có thể bổ sung 200-300 ml nước mỗi ngày. Với trẻ từ một tuổi trở lên, các bé có thể bắt đầu bổ sung nước vào cơ thể theo nhu cầu của bản thân.
  • Bổ sung thực phẩm giàu chất dinh dưỡng: Phụ huynh có thể cho bé ăn các loại rau xanh đậm, thịt bò, thịt nạc, hải sản, các loại đậu, sữa chua… trong bữa ăn hàng ngày.
  • Bổ sung vitamin C: Bố mẹ có thể tăng sức đề kháng cho con bằng cách bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C vào khẩu ăn hàng ngày như trái cây họ cam, quýt, bưởi, rau cải thìa, rau mầm, bắp cải…
  • Cho bé ngủ đủ giấc: Duy trì cho bé thói quen ngủ từ sớm và đủ 7-8 tiếng mỗi ngày. Việc làm này giúp cơ thể của bé khỏe mạnh, tinh thần thoải mái.
  • Hướng dẫn bé tập thể dục đều đặn mỗi ngày.

Căn bệnh có thể gây viêm nhiễm da trẻ trong mùa hè

Tỷ lệ trẻ mắc sẩn ngứa vào mùa hè cao hơn so với những thời điểm khác trong năm. Bệnh có thể gây tổn thương ngứa dai dẳng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giấc ngủ của bé.

Dịch tay chân miệng

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm