Ngộ độc thực phẩm là loại bệnh hay gặp trong mùa hè, có thể khiến nhiều người cùng mắc trong một gia đình, bữa tiệc do ăn chung các loại thức ăn bị ô nhiễm. Ngộ độc thực phẩm có thể do thực phẩm bị nhiễm hóa chất, vi sinh vật gây bệnh, làm ôi thiu.
Thời tiết nắng nóng ẩm cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh sinh trưởng, phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều bất kỳ thời điểm nào khác trong năm.
Tại sao ngộ độc thực phẩm phổ biến vào mùa hè?
Theo Eat This, Meredith Carothers, chuyên gia an toàn thực phẩm tại Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cho biết tỷ lệ ngộ độc do thực phẩm thường tăng vào mùa hè liên quan thời tiết nóng. Vi khuẩn phát triển mạnh trong môi trường có nhiệt độ 5-60 độ C, được gọi là “vùng nguy hiểm”, với khả năng tăng gấp đôi số lượng chỉ sau 20 phút.
"Vi khuẩn trong thực phẩm phát triển nhanh nhất ở nhiệt độ từ 32 đến 43 độ C. Ở nhiệt độ cao hơn, thực phẩm sẽ tạo ra các chất dinh dưỡng và độ ẩm cần thiết để mầm bệnh như virus, vi khuẩn và các vi sinh vật khác gây bệnh sinh sôi, nảy nở", đại diện USDA cho biết.
Bảo quản sai cách có thể khiến thực phẩm bị hư hỏng, ôi thiu, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng. Ảnh: Stuff. |
Vi khuẩn hiện diện khắp môi trường trong đất, không khí, nước và trong cơ thể chúng ta. Những vi sinh vật này phát triển nhanh hơn trong những tháng mùa hè do khí hậu nóng ẩm.
Thực phẩm sẽ vẫn an toàn để ăn nếu ở dưới ánh nắng mặt trời trong 2 giờ, miễn là nhiệt độ dưới 32 độ C. Tuy nhiên, ở nhiệt độ đó hoặc cao hơn, khả năng vi khuẩn phát triển sẽ tăng lên. Do đó, thời gian giảm xuống còn một giờ.
Đây là lý do ngộ độc thực phẩm có thể trở nên phổ biến hơn vào mùa hè - với nhiệt độ cao hơn, đặc biệt khi đi dã ngoại, nấu ăn ngoài trời.
Dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm
Hơn 250 bệnh liên quan đến vi khuẩn cụ thể khác nhau có thể gây ngộ độc thực phẩm. Một số loại phổ biến hơn là Salmonella, E. coli, Botulism và Listeria. Những bệnh này gây ra một loạt các triệu chứng khác nhau, bao gồm nhìn đôi, tiêu chảy nặng, nôn mửa và sốt.
Theo Today, triệu chứng ban đầu của ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trong vài phút đến vài tuần và thường biểu hiện giống cúm như buồn nôn, đau bụng và đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy hoặc sốt. Do vậy, nhiều người không nhận ra bệnh là do vi khuẩn có hại hoặc các mầm bệnh khác trong thực phẩm gây ra.
Trong nhiều trường hợp, những người bị ngộ độc thực phẩm sẽ chỉ xuất hiện các triệu chứng rất nhẹ, như tiêu chảy mất nước nhẹ, nôn mửa và sốt, có thể được điều trị tại nhà. Nhưng nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm vẫn gặp nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và những người có cơ địa suy giảm hệ miễn dịch.
Dù nhẹ được điều trị tại nhà, người bị ngộ độc vẫn cần phải thông báo cho bác sĩ về các triệu chứng của mình nếu tình trạng không cải thiện nhanh.
Ngoài ra, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ nếu bắt đầu có các triệu chứng xấu đi như tiêu chảy nặng hoặc nôn mửa trong hơn một ngày. Cần gọi cấp cứu ngay lập tức nếu gặp các biến chứng bao gồm mất nước nghiêm trọng, khó thở hoặc tiêu chảy ra máu.
Đau bụng, nôn mửa là triệu chứng phổ biến khi bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Cienradios. |
Mẹo để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm rất phổ biến nhưng cũng dễ phòng tránh. Thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm thích hợp sẽ giúp đảm bảo bạn và người thân không bị ốm do nấu nướng hoặc đi dã ngoại trong mùa hè này.
- Mang thức ăn về nhà nhanh chóng: Ngay khi mua đồ ở chợ, siêu thị về, bạn cần bảo quản chúng trong tủ lạnh càng nhanh càng tốt, tránh để đồ ăn quá lâu ngoài trời, nhiệt độ cao hoặc trong ôtô nóng.
Đặc biệt, bạn cần kiểm tra xem tủ lạnh luôn được đặt ở mức dưới 5 độ C để giữ cho thực phẩm đủ lạnh cho đến khi bạn cần nấu chín.
Điều quan trọng nữa là bạn không nên cất đầy đồ vào tủ lạnh. Không khí không thể lưu thông bình thường nếu tủ lạnh của bạn quá đầy và điều này có thể có nghĩa là thức ăn của bạn sẽ bị nóng và hỏng nhanh.
- Rửa tay: Chuẩn bị thức ăn bằng tay chưa rửa là một trong những nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm. Bạn cần rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh, thay tã cho trẻ em và tiếp xúc với vật nuôi.
Bạn cũng nên rửa tay ngay sau khi xử lý thịt sống. Đặc biệt, bạn nên tránh tiếp xúc với thức ăn nếu bị đau bụng, tiêu chảy hoặc nôn mửa, có vết cắt hoặc vết loét hở trên tay.
- Tránh lây nhiễm chéo: Không để thịt sống tiếp xúc với thức ăn sẵn, đồng thời cần sử dụng thớt riêng để thái đồ chín và đồ sống. Khi vận chuyển các mặt hàng thực phẩm, bạn cần đảm bảo thịt sống được đóng gói chắc chắn, nếu không, hãy để trong hộp riêng biệt.
- Làm nóng và làm lạnh đúng cách: Nếu thực phẩm cần bảo quản nóng hoặc lạnh, bạn không bao giờ được để chúng ở ngoài. Thức ăn thừa cần được cho vào tủ lạnh ngay lập tức. Nếu một món ăn đã được để ngoài trời, đừng mạo hiểm ăn chúng, hãy bỏ đi.
- Nấu kỹ thức ăn: Điều quan trọng là phải chuẩn bị kỹ lưỡng thịt hoặc hải sản trước khi nấu. Bạn cũng nên đảm bảo rằng chúng được nấu chín đúng cách, để thịt, cá và hải sản sống cách xa thức ăn khác đang được phục vụ.
Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện tuyến nội dung “Bệnh truyền nhiễm mùa hè”, nhằm cập nhật thông tin và giúp các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức phòng chống bệnh truyền nhiễm ở trẻ trong thời điểm giao mùa.
Nutifood GrowPLUS+ Sữa non với công thức được phát triển bởi Viện nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển, xây dựng nền tảng FDI đề kháng khỏe, tiêu hóa tốt, giúp trẻ hấp thu tối ưu các dưỡng chất. Sản phẩm được bổ sung 100% sữa non 24 giờ tự nhiên từ Mỹ với hàm lượng kháng thể IgG 1000+, đã được chứng nhận lâm sàng giúp nhân đôi đề kháng, tạo nền tảng vững chắc cho bé cao lớn và thông minh hơn. Độc giả tìm hiểu thêm về sản phẩm tại đây hoặc liên hệ hotline (028)38255777.