Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng loạt người trên toàn cầu tử vong vì nắng nóng khắc nghiệt

Một nghị sĩ tại Pháp nhận định: "Đây không còn là mùa hè. Nó như địa ngục và sẽ sớm đặt dấu chấm hết cho sự sống của con người, nếu chúng ta tiếp tục không hành động vì khí hậu".

Nắng nóng kỷ lục khiến Vương Quốc Anh và nhiều nước ở châu Âu phải ban bố tình trạng sức khỏe khẩn cấp. Các bản đồ thời tiết của châu Âu gần như đỏ rực, khi mức nhiệt được cho là “thiêu đốt” Tây Ban Nha và Italy, đồng thời gây ra cháy rừng ở Pháp. Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, Anh phải phát đi cảnh báo đỏ vì tình trạng nắng nóng.

Ước tính số người tử vong vì nắng nóng kỷ lục ở châu Âu đã vượt ngưỡng 1.000 ca. "Đây không còn là mùa hè. Nó như địa ngục và sẽ sớm đặt dấu chấm hết cho sự sống của con người, nếu chúng ta tiếp tục không hành động vì khí hậu", nữ nghị sĩ Melanie Vogel, thuộc Đảng Xanh (Pháp) bình luận trên Twitter ngày 16/7.

Châu Á cũng không thoát khỏi tình cảnh này khi từ cuối tháng 6, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc bước vào đợt nắng nóng chưa từng có. Trung Quốc dự báo đợt nắng nóng đã kéo dài 30 ngày đang ảnh hưởng đến hơn 900 triệu dân, nó sẽ còn tiếp tục trong vài tuần tới. Ấn Độ cũng phải sống chung với thời tiết khắc nghiệt suốt hai tháng nay.

Rủi ro ở mức độ nào?

Theo Reuters, nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta theo nhiều cách. Nó có thể gây tình trạng kiệt sức do nhiệt, với các triệu chứng là chóng mặt, đau đầu, run, khát nước. Tình trạng này có thể ảnh hưởng bất kỳ ai, thường không nghiêm trọng nếu người bệnh được hạ nhiệt trong vòng 30 phút.

Ở các trường hợp nghiêm trọng hơn, nạn nhân sẽ bị đột quỵ vì say nắng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tình trạng này xảy ra khi cơ thể không thể kiểm soát nhiệt độ. Thân nhiệt tăng nhanh, cơ chế bài tiết mồ hôi bị rối loạn, cơ thể không thể hạ nhiệt.

Khi bị đột quỵ vì say nắng, thân nhiệt người bệnh sẽ tăng lên trong vòng 10-15 phút. Nó có thể gây tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Đây là tai biến nặng nhất do nhiệt, tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do các nguyên nhân khác.

Các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ vì say nắng như: Thân nhiệt cao từ 40 độ C trở lên, bất ngờ xây xẩm mặt mày, lú lẫn, kích động, nói lắp, khó chịu, mê sảng, co giật, mê man sau khi đi từ ngoài trời nắng về; đổ mồ hôi, nôn, da ửng đỏ, thở gấp, đau tim, đau đầu…

nang nong ‘nhu dia nguc’ anh 1

Người dân đổ nước để làm mát trong đợt nắng nóng ở Karachi, Pakistan ngày 29/6/2015. Ảnh: Asim Afeez/Bloomberg.

Đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng đỉnh điểm nhất là mùa hè, nhiệt độ tăng cao, trời oi bức. Một nghiên cứu từ Đại học Haifa (Israel) cho thấy cứ mỗi một độ C tăng lên, nguy cơ đột quỵ tăng thêm 10% trong 6 ngày.

Đây là tình trạng y tế khẩn cấp có thể dẫn tới tổn thương cơ quan lâu dài và tử vong. Do đó, khi phát hiện người bị đột quỵ vì say nắng, chúng ta nên gọi cấp cứu khẩn, đưa nạn nhân tới khu vực có bóng râm, mát mẻ, cởi bớt quần áo để thoát nhiệt; làm mát cơ thể bằng nước lạnh, đắp khăn ướt lên da, ngâm quần áo trong nước mát…

Những ai có nguy cơ?

Nhóm người dễ bị tổn thương trước nắng nóng kỷ lục gồm trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người phải làm việc ngoài trời hoặc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, người vô gia cư...

Các trường hợp có bệnh nền về hô hấp, tim mạch như tiểu đường, huyết áp cao... cũng dễ có nguy cơ gặp vấn đề nghiêm trọng do nhiệt độ tăng cao.

Nhà dịch tễ học môi trường Shakoor Hajat, Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, Anh, cho biết: “Khi bạn thấy ngày nắng nóng như hiện nay, tỷ lệ tử vong ở tất cả nhóm bệnh nói trên có nguy cơ tăng đột biến".

Theo nghiên cứu được công bố năm 2021 trên tạp chí The Lancet, toàn cầu có <500.000 ca tử vong do nắng nóng mỗi năm. Các chuyên gia cho biết nhiều ca tử vong xảy ra sớm hơn vào mùa hè, khi cơ thể người dân chưa có cơ hội thích nghi.

Ngoài ra, khu vực địa lý cũng ảnh hưởng nhiều tới nguy cơ tổn thương, thiệt mạng vì nắng nóng. Mọi người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi họ đang sống ở nơi không quen với thời tiết khắc nhiệt, kể cả các vùng tại châu Âu. Dù vậy, nguy cơ cao nhất vẫn đặc biệt nghiêm trọng với nhóm phải lao động tay chân chủ yếu ở ngoài trời.

nang nong ‘nhu dia nguc’ anh 2

Hai người phụ nữ mặc kimono che ô, sử dụng quạt cầm tay để làm mát khi đi bộ tại quận Asakusa, Tokyo, Nhật Bản ngày 29/6. Đây là thời điểm giới chức Nhật Bản cảnh báo về đợt nắng nóng chưa từng có. Ảnh: Issei Kato/Reuters.

Những rủi ro khác

Tuần trước, Hiệp hội Khí tượng Thế giới cảnh báo ô nhiễm không khí cũng gia tăng trong các đợt nắng nóng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Một số nghiên cứu chỉ ra nhiệt độ cao có thể dẫn tới tình trạng sinh con nhẹ cân, sinh non ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Đặc biệt, Lawrence Wainwright, giảng viên môi trường tại Đại học Oxford, Anh, tiết lộ tỷ lệ tự tử và các vấn đề sức khỏe tâm thần thường tăng cao trong các đợt nắng nóng.

Các nhà khoa học cho biết hiện vẫn chưa có bằng chứng về bất kỳ tác động nào của nắng nóng với người mắc Covid-19, hay hậu Covid-19.

Bảo vệ bản thân thế nào?

Một số cơ quan y tế công cộng ở châu Âu đã đưa khuyến cáo về việc giữ mát cơ thể trong những ngày nắng nóng kỷ lục như tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, giữ đủ nước.

Say nắng, đột quỵ vì nhiệt là trường hợp y tế khẩn cấp và cần được cấp cứu ngay lập tức. Do đó, nếu thấy người bị say nắng, chúng ta nên đưa họ ngay tới bóng râm, cởi bỏ bớt quần áo để thoát nhiệt và gọi cấp cứu càng sớm càng tốt.

Chúng ta nên chú ý tới triệu chứng khi say nắng, kiệt sức hoặc đột quỵ vì nhiệt như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, ngất xỉu, thở gấp, khát nước, khô miệng, khô môi, giảm đi tiểu, nước tiểu vàng sẫm bất thường, trẻ thay đổi hành vi (buồn ngủ hoặc nóng nảy).

Nhóm cần quan tâm nhiều hơn là những người dễ bị tổn thương như người cao tuổi, sống một mình, trẻ nhỏ, người vô gia cư, làm công việc ngoài trời... Trong đợt nắng nóng ở châu Âu năm 2003 khiến hơn 20.000 người thiệt mạng, nhiều nạn nhân trong số đó là người lớn tuổi và sống một mình.

Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện tuyến nội dung “Bệnh truyền nhiễm mùa hè”, nhằm cập nhật thông tin và giúp các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức phòng chống bệnh truyền nhiễm ở trẻ trong thời điểm giao mùa.

Nutifood GrowPLUS+ Sữa non với công thức được phát triển bởi Viện nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển, xây dựng nền tảng FDI đề kháng khỏe, tiêu hóa tốt, giúp trẻ hấp thu tối ưu các dưỡng chất. Sản phẩm được bổ sung 100% sữa non 24 giờ tự nhiên từ Mỹ với hàm lượng kháng thể IgG 1000+, đã được chứng nhận lâm sàng giúp nhân đôi đề kháng, tạo nền tảng vững chắc cho bé cao lớn và thông minh hơn. Độc giả tìm hiểu thêm về sản phẩm tại đây hoặc liên hệ hotline (028)38255777.

Cô gái ở Anh tử vong sau khi bị muỗi đốt

Người khám nghiệm tử thi cho hay ông chưa nhìn thấy trường hợp nào như cái chết của Oriana Pepper.

Triệu chứng cảnh báo hoại tử xương hàm

Người bị hoại tử xương hàm, cơ mặt sẽ phải sống trong cảm giác đau đớn thường trực. Ở những trường hợp nghiêm trọng, họ có thể bị biến dạng khuôn mặt do mất xương hàm.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm