Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu hiệu nhiễm ấu trùng sán lợn

Tôi rất mê ăn lòng lợn, tiết canh, hầu như tuần nào cũng ăn 1-2 lần. Tôi nghe nói ăn nhiều phủ tạng động vật không tốt cho sức khỏe và dễ mắc sán dây lợn.

-Tôi rất mê ăn lòng lợn, tiết canh, hầu như tuần nào cũng ăn 1-2 lần. Tôi nghe nói ăn nhiều phủ tạng động vật không tốt cho sức khỏe và dễ mắc sán dây lợn. Vậy dấu hiệu của bệnh là gì?

Vũ Văn Tú (Thái Nguyên)

- Sán dây lợn là một loại sán dây lớn, có thể dài từ 1-8m, gồm đầu sán và các đốt sán nối tiếp nhau, sống ký sinh trong ruột non của người và có thể tồn tại suốt cuộc đời của người. Người mắc bệnh sán dây lợn thường chỉ do một con sán. Ở mỗi đốt sán có cả bộ phận sinh dục đực và cái, sự thụ tinh được thực hiện bằng cách giao hợp chéo giữa hai đốt. Trứng sán sau khi được thụ tinh di chuyển theo ống dẫn trứng vào tử cung (tử cung chỉ là một bao túi) và nằm trong đốt sán. Các đốt sán cuối là những đốt già, chứa đầy trứng sán (30.000-50.000), các đốt sán già này tự bò ra ngoài hậu môn hoặc theo phân ra ngoài. Trứng sán theo thức ăn hoặc nước uống nấu chưa chín vào dạ dày của người. 

Dưới tác dụng của dịch vị tại dạ dày, trứng sán được thoát ra ngoài đốt sán và nở ra ấu trùng, ấu trùng sán lợn chui qua niêm mạc dạ dày vào mạch máu và mạch bạch huyết, sau đó cư trú ở tất cả mọi cơ quan trong cơ thể như não, cơ vân, tổ chức dưới da, mắt, tim, gan... 

Nếu kén sán có ở não sẽ gây bệnh kén sán não. Mức độ tổn thương nặng hay nhẹ là tùy thuộc số lượng kén sán có trong não, các biểu hiện thường gặp là nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, cơn co giật (động kinh), liệt nửa người hoặc tê bì rối loạn cảm giác, khó ngủ hoặc mất ngủ, mờ mắt... Những người hay khoái khẩu bởi tiết canh và lòng lợn thì hãy cảnh giác nếu thấy các dấu hiệu nêu trên.

BS. Khúc Thị Nhẹn

http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/dau-hieu-nhiem-au-trung-san-lon-20141121161940244.htm

Theo Sức Khỏe và Đời Sống

Bạn có thể quan tâm