Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Dấu hiệu nhiễm biến chủng nCoV khó nhận biết

Các triệu chứng khi nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 rất dễ bị nhầm với nhiều bệnh lý thông thường khác. Đặc biệt, dấu hiệu mất khứu giác, vị giác được xem là khó nhận ra.

Biến chủng B117 được xác định lần đầu tiên vào tháng 9/2020, tại thị trấn Kent, miền Đông nước Anh. Nó nhanh chóng lan ra gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Để tìm hiểu biến chủng virus mới có ảnh hưởng triệu chứng của bệnh nhân mắc Covid-19 hay không, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Sebastien Ourselin, Giám đốc Trường Kỹ thuật Y sinh - Khoa học Hình ảnh và tiến sĩ Claire Steves, Đại học King London, đã phân tích hơn 65 triệu báo cáo y tế về Covid-19.

Hơn 1,76 triệu người dùng đã báo cáo về triệu chứng của họ khi nhiễm SARS-CoV-2, bao gồm cả biến chủng virus mới, trong thời gian từ ngày 28/9 đến 27/12/2020. Đây là thời điểm biến chủng mới lan rộng trong cộng đồng, chủ yếu là London và miền Đông nước Anh.

Dau hieu nhiem bien chung nCoV moi anh 1

Các triệu chứng ở người nhiễm biến chủng virus mới so với chủng cũ không thay đổi về số lượng nhưng có sự khác biệt về tỷ lệ. Ảnh: Freepik.

Số triệu chứng ở người nhiễm biến chủng B117 không thay đổi

Các nhà nghiên cứu xem xét số lượng người mắc Covid-19 đã trải qua 14 triệu chứng chính. Họ cũng thống kê khả năng tái nhiễm Covid-19 trong vòng 90 ngày trở lên. Sau đó, họ so sánh thông tin này với tỷ lệ nhiễm biến chủng mới ở Scotland, xứ Wales và 7 vùng mà Dịch vụ Y tế Anh quản lý.

Kết quả cho thấy 249 trường hợp có khả năng tái nhiễm SARS-CoV-2, chiếm tỷ lệ 0,7%. Con số này tương ứng kết quả mà một số nghiên cứu trước đó về biến chủng virus mới đưa ra. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy khả năng miễn dịch qua tiêm vaccine vẫn có thể bảo vệ người dân khỏi biến chủng B117.

Về khả năng lây lan, kết quả cho thấy B117 dễ lây hơn 35% so với chủng cũ. Tuy nhiên, số triệu chứng của những người nhiễm biến chủng mới không có gì thay đổi. Các triệu chứng so với biến chủng cũ vẫn khá tương đồng nhưng khác nhau về tỷ lệ phổ biến.

Tuy nhiên, nhóm tác giả cũng cảnh báo ngoài 4 triệu chứng điển hình là ho, sốt, mất khứu giác, vị giác, các bệnh nhân nhiễm biến chủng B117 bị đau đầu, đau họng nhiều hơn.

Trong khi đó, dự án Real-time Assessment of Community Transmission (REACT) do các chuyên gia của Đại học Hoàng Gia London thực hiện trên một triệu bệnh nhân Covid-19 tại Anh đã xác định người mang biến chủng mới ít gặp phải tình trạng mất khứu giác hay vị giác. Tỷ lệ người bị ho dai dẳng tăng vọt. Kết quả này tương ứng với dữ liệu mà Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố vào cuối tháng 1.

Dau hieu nhiem bien chung nCoV moi anh 2

Đa phần bệnh nhân mắc Covid-19 biến chủng mới đều được khẳng định qua xét nghiệm giải trình tự gene. Ảnh: Penn Medicine.

Triệu chứng nhiễm biến chủng mới khó nhận biết nhất

Tài liệu về Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), Tổ chức Y tế Thế giới đều liệt kê 4 triệu chứng điển hình khi nhiễm SARS-CoV-2 đó là ho, sốt, mất khứu giác và mất vị giác. Ngoài những triệu chứng này, WHO cảnh báo thêm các dấu hiệu như ớn lạnh, đau người, mệt mỏi…

Tuy nhiên, các triệu chứng trên không phải lúc nào cũng dễ nhận biết. Bởi nhiều bệnh lý thông thường như viêm họng, cảm lạnh, cúm, sốt virus cũng gây những dấu hiệu tương tự.

Mất khứu giác, vị giác được xem là triệu chứng ít điển hình ở những người nhiễm biến chủng virus mới B117. Theo bác sĩ Hussain Adbeh, Giám đốc Medicine Direct, đây cũng là triệu chứng khó nhận biết nhất.

Mất khứu giác là triệu chứng phổ biến ở người bị cảm lạnh hoặc cúm do nghẹt mũi. Trong khi đó, bệnh nhân Covid-19 có thể mất khứu giác một phần hoặc toàn bộ, thậm chí không ngửi thấy mùi hôi. Hiện tượng này còn được gọi là phantosmia.

Bác sĩ Adbeh cho rằng bạn không nhất thiết phải bịt mũi để đánh giá mình có bị mất khứu giác, vị giác hay không. Trả lời Express Health, vị chuyên gia này cảnh báo các vấn đề về thần kinh cũng có thể là triệu chứng nhiễm biến chủng mới.

Những vấn đề về thần kinh là nguyên nhân khiến bệnh nhân có thể bị mất khứu giác hoặc vị giác. Người bệnh sẽ bị vô hiệu hóa các giác quan này tới 2 tuần. Họ sẽ không thể nếm, ngửi đúng mùi vị của mọi thứ xung quanh. Dù vậy, nó khá khó xác định, thường bị nhầm là triệu chứng đi kèm cảm cúm, nghẹt mũi.

Tháng 5/2020, chính phủ Anh đã thêm mất khứu giác, vị giác vào danh sách những triệu chứng điển hình ở người mắc Covid-19. Thông thường, nó không nghiêm trọng và bệnh nhân sẽ khỏi trong vài tuần hoặc vài tháng.

Tuy nhiên, ở nhiều người, nó tồn tại dai dẳng và gây ảnh hưởng chất lượng sống nghiêm trọng. Chẳng hạn, họ không thể nhận thấy mùi khí gas rò rỉ, mùi khét từ đám cháy…

Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 776 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, các bệnh nhân ở nước ta đã mắc nhiều biến chủng như B117 (Anh) và A.23.1 từ Rwanda. Bên cạnh đó, một chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam nhiễm biến chủng B1351 (Nam Phi).

Để phòng bệnh, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế.

Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới" sẽ cung cấp nghiên cứu mới của các nhà khoa học trên thế giới và thông tin từ chuyên gia, bác sĩ trong nước để giúp người dân có biện pháp phòng bệnh an toàn.

Phát hiện biến chủng SARS-CoV-2 chưa từng được biết đến tại Phần Lan

Biến chủng virus mới có tên Fin-769H, khiến một số nhà khoa học tại Phần Lan bối rối. Bởi tỷ lệ mắc Covid-19 ở nước này rất thấp, khó tạo cơ hội cho virus đột biến.

'Át chủ bài' khiến biến chủng nCoV lan nhanh gấp 8 lần

Đột biến D614G là vật liệu giúp các biến chủng virus mới từ Anh, Nam Phi và Brazil dễ lây nhiễm hơn vào tế bào của con người.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm