Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Trang Thúy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết tiêu chảy là tình trạng đi đại tiện ra nước, thường xảy ra từ 3 lần mỗi ngày trở lên. Đây là bệnh rất phổ biến, hầu hết thanh thiếu niên và người lớn đều từng trải qua ít nhất một lần.
Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể do virus vi khuẩn trong thực phẩm hoặc nước uống, ký sinh trùng, tác dụng phụ của một số loại thuốc hay rối loạn tiêu hóa do không dung nạp một số thức ăn. Ngoài ra, một số bệnh lý làm tổn thương hệ tiêu hóa cũng có thể khiến người bệnh bị tiêu chảy kéo dài.
Để cải thiện tình trạng tiêu chảy nhẹ tại nhà, người bệnh nên uống nhiều chất lỏng có chứa nước, muối và đường để bù nước và điện giải. Những lựa chọn tốt là nước pha loãng với nước trái cây, soda có hương vị hoặc nước súp.
"Dấu hiệu cho thấy cơ thể đã đủ nước là nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc gần như trong. Ngoài ra, người bệnh cũng nên ăn nhẹ với các món dễ tiêu như khoai tây, mì, cơm, cháo yến mạch, bánh quy, chuối chín, rau luộc hoặc súp loãng. Một chút thức ăn mặn cũng giúp bổ sung muối cần thiết", tiến sĩ Thúy nói.
![]() |
Tiêu chảy là tình trạng đi đại tiện ra nước, thường xảy ra từ 3 lần mỗi ngày trở lên. Ảnh: Freepik. |
Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh người dân cần đi khám ngay nếu tiêu chảy xảy ra hơn 6 lần trong 24 giờ, trong phân có máu, sốt cao trên 38,5 độ C và không hạ sau một ngày, đau bụng dữ dội, hoặc nếu người bệnh trên 70 tuổi.
Các dấu hiệu mất nước nghiêm trọng như tiêu chảy nhiều nước, khát liên tục, miệng khô, chuột rút cơ, chóng mặt, bồn chồn hoặc không đi tiểu trong hơn 5 giờ cũng là tình huống cần được điều trị y tế kịp thời.
Theo tiến sĩ Thúy, tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu, xét nghiệm phân để tìm nguyên nhân hoặc đánh giá mức độ mất nước. Một số người cần truyền dịch để bù nước. Việc điều trị tiêu chảy phụ thuộc vào nguyên nhân, nên không phải lúc nào cũng cần dùng kháng sinh.
Thuốc kháng sinh thường chỉ được kê khi có nhiễm trùng vi khuẩn kèm sốt và đi ngoài ra máu. Các loại thuốc làm dịu tiêu chảy như loperamide hoặc diphenoxylate-atropine chỉ nên dùng khi có chỉ định và tuyệt đối không dùng khi có sốt hay phân có máu, vì có thể gây hại.
Để phòng tránh tiêu chảy, mọi người cần rửa tay thường xuyên, nghỉ ngơi ở nhà khi chưa khỏi hẳn và đặc biệt chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực phẩm nên được nấu chín kỹ, rửa sạch rau củ quả, không uống sữa chưa tiệt trùng. Dao thớt cũng cần vệ sinh sau khi sơ chế thức ăn sống để tránh nhiễm khuẩn chéo.
Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.