Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Căn bệnh gây mù lòa không đau, không đỏ, không ngứa

Không đau đớn, không có biểu hiện rõ ràng, bệnh glaucoma âm thầm làm tổn thương dây thần kinh thị giác và có thể dẫn đến mù lòa.

Bệnh glaucoma có thể dẫn đến mù lòa nếu không điều trị kịp thời. Hiện nay, người bệnh có thể được phẫu thuật, uống thuốc để cải thiện tình trạng bệnh. Ảnh: Freepik.

Glaucoma (hay còn gọi là cườm nước) là bệnh lý về mắt gây tổn thương dây thần kinh thị giác. Khi dây thần kinh này bị hư hại, thị lực sẽ dần suy giảm và nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến mù lòa.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), glaucoma là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ hai thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể và là nguyên nhân phổ biến nhất gây mù lòa không hồi phục. Tính đến năm 2020, căn bệnh này đã ảnh hưởng tới gần 80 triệu người 40-80 tuổi.

Tổn thương do cườm thường diễn ra âm thầm, không gây đau đớn hay dấu hiệu rõ ràng ban đầu. Nhiều người chỉ phát hiện ra bệnh khi thị lực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vì sao bạn có thể mắc glaucoma?

Theo Viện Hàn lâm Nhãn khoa Mỹ (AAO), bên trong mắt luôn sản sinh một lượng dịch trong suốt gọi là dịch thể nước, giúp nuôi dưỡng các mô và duy trì hình dạng mắt. Bình thường, lượng dịch này sẽ được thoát ra ngoài qua một "góc thoát" giữa giác mạc và mống mắt, giúp duy trì áp lực mắt (nhãn áp) ở mức ổn định.

Tuy nhiên, nếu hệ thống thoát dịch hoạt động không hiệu quả hoặc bị tắc nghẽn, dịch bị ứ đọng, khiến nhãn áp tăng cao. Áp lực này dồn lên dây thần kinh thị giác, từng sợi thần kinh nhỏ dần sẽ bị phá hủy và người bệnh bắt đầu xuất hiện các điểm mù trong tầm nhìn. Khi phần lớn sợi thần kinh bị tổn thương, thị lực sẽ mất đi vĩnh viễn.

Các dạng glaucoma thường gặp

Thông thường, người bệnh phải đối mặt với 5 dạng cườm nước chính:

  • Glaucoma góc mở: Là dạng phổ biến nhất. Bệnh tiến triển âm thầm, không gây đau, không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Tầm nhìn bên (ngoại vi) bắt đầu giảm, nhưng người bệnh khó nhận ra cho đến khi bệnh đã khá nặng.
  • Glaucoma góc đóng (góc hẹp): Xảy ra khi mống mắt trượt về phía trước, làm bít tắc góc thoát dịch. Điều này khiến nhãn áp tăng nhanh, gây cơn đau dữ dội, buồn nôn, đỏ mắt, nhìn mờ, thấy quầng sáng quanh đèn. Đây là tình trạng khẩn cấp và cần được xử trí ngay để tránh mù lòa.
  • Glaucoma áp lực bình thường: Nhãn áp không cao nhưng dây thần kinh thị giác vẫn bị tổn thương, có thể do giảm tưới máu hoặc các yếu tố nhạy cảm khác.
  • Glaucoma sắc tố: Các hạt sắc tố bong ra từ mống mắt và tích tụ tại góc thoát dịch, cản trở quá trình dẫn lưu dịch. Người bệnh có thể thấy mờ mắt, nhìn quầng sáng, nhất là sau vận động mạnh.
  • Glaucoma ở trẻ em: Một số trẻ có thể mắc bệnh bẩm sinh hoặc trong những năm đầu đời. Triệu chứng bao gồm mắt mờ đục, chảy nước mắt dù không khóc, nhạy sáng, hay chớp mắt, kèm cận thị tiến triển nhanh.

Dấu hiệu nhận biết

Nhiều trường hợp glaucoma không biểu hiện bất thường trong thời gian đầu. Tuy nhiên, theo Mayo Clinic, bạn cần chú ý nếu xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Thị lực mờ dần, đặc biệt ở vùng nhìn bên
  • Nhìn thấy quầng sáng hoặc vòng màu quanh ánh đèn
  • Đau nhức mắt, đau đầu kéo dài
  • Mắt đỏ, cảm giác nặng hoặc căng trong mắt
  • Buồn nôn, nôn (trong cơn cấp)

Nếu các triệu chứng xuất hiện đột ngột, đặc biệt là đau mắt dữ dội kèm nhìn mờ, cần đến bệnh viện ngay vì đây có thể là dấu hiệu của cơn glaucoma cấp tính, cần được cấp cứu kịp thời để cứu thị lực.

Những ai dễ mắc glaucoma?

Nguy cơ mắc cườm nước tăng lên theo tuổi, đặc biệt ở những người từ 40 tuổi trở lên. Nếu trong gia đình từng có người bị cườm mắt, bạn cũng dễ bị ảnh hưởng do yếu tố di truyền. Ngoài ra, những người mắc các tật khúc xạ nặng như cận thị hoặc viễn thị, từng chấn thương mắt hay đã trải qua phẫu thuật mắt cũng thuộc nhóm nguy cơ.

glaucoma anh 1

Người làm dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid cũng có nguy cơ bị cườm mắt. Ảnh: Adobe Stock.

Việc sử dụng thuốc corticoid kéo dài, đặc biệt là dạng nhỏ mắt, có thể ảnh hưởng đến áp lực nội nhãn và góp phần làm tăng khả năng mắc bệnh. Glaucoma cũng dễ xuất hiện hơn ở những người có bệnh lý mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, đau nửa đầu.

Glaucoma có chữa khỏi không?

Tổn thương do cườm nước gây ra không thể hồi phục, nhưng nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể kiểm soát được và làm chậm quá trình mất thị lực. Các phương pháp điều trị gồm dùng thuốc nhỏ mắt, laser và phẫu thuật.

Dù việc điều trị có thể cải thiện được tình trạng bệnh, tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ngay từ đầu:

  • Khám mắt định kỳ theo độ tuổi hoặc khuyến cáo riêng nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao
  • Hiểu về tiền sử bệnh lý trong gia đình, đặc biệt nếu người thân từng bị cườm nước
  • Bảo vệ mắt khi chơi thể thao hoặc làm việc trong môi trường nguy hiểm
  • Tuân thủ thuốc nhỏ mắt nếu đã được chẩn đoán hoặc nghi ngờ bị cườm nước, ngay cả khi chưa có triệu chứng

Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.

7 loại ung thư nam giới thường mắc nhưng không biết

Nhiều loại ung thư ở nam giới không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, âm thầm phát triển và chỉ được phát hiện khi đã muộn, gây khó khăn cho việc điều trị.

6 lầm tưởng phổ biến về bệnh sốt xuất huyết

Việc tin vào những quan niệm sai lệch khi bị sốt xuất huyết có thể khiến người bệnh bỏ lỡ "thời điểm vàng" điều trị.

Phát hiện mới về cách 'giải độc' chất gây ung thư PFAS

Theo tổ chức nghiên cứu chất hóa học toàn cầu ChemSec 99% nhân loại, bao gồm cả thai nhi, đều có thể phát hiện PFAS trong máu.

Kỳ Duyên

Bạn có thể quan tâm