Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu hỏi lớn về an ninh cho EURO 2016 của nước Pháp

Khi EURO chỉ còn 7 tháng nữa, nước Pháp đang đối diện với sự hoài nghi về khả năng đảm bảo an toàn cho giải đấu.

Hôm 13/11 vừa qua, một vụ khủng bố kinh hoàng nhằm vào 7 địa điểm ở thủ đô Paris đã khiến hơn 120 người thiệt mạng. Tổng thống Pháp Francois Hollande thông báo tình trạng giới nghiêm và đóng cửa biên giới ngay trong đêm hôm ấy.

Lần đầu tiên kể từ năm 1940, nước Pháp phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đủ để thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc. Trong vòng 1 năm qua, nước Pháp phải chịu nhiều tổn thất từ khủng bố. Từ vụ xả súng ở tòa soạn báo biếm họa Charlie Hebdo đến hàng loạt vụ tấn công khác khiến nhiều người thiệt mạng.

Khủng bố suýt đánh bom thành công trận Pháp - Đức

Sự việc sẽ nghiêm trọng đến mức khó tưởng tượng nếu kẻ khủng bố vào bên trong sân vận động và kích nổ quả bom. Lực lượng an ninh đã làm việc hiệu quả để ngăn chặn thảm họa xảy ra.

Đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố RAID thuộc cảnh sát Pháp. ẢnhAawsat

Vụ xả súng và đánh bom khủng bố vào đúng “thứ sáu ngày 13” vừa qua là quá đỗi bất ngờ và kinh hoàng. Nhưng thêm lần nữa, dấu hỏi lớn đặt ra cho cơ quan an ninh của Pháp. Họ đã ở đâu và làm gì khi những tên khủng bố vác súng AK và bom đi giết người tại một loạt địa điểm?

Thậm chí khi lâm trận, năng lực chiến đấu của cảnh sát cũng có vấn đề. Trong 8 tên khủng bố thiệt mạng, chỉ có đúng 1 tên do cảnh sát Pháp tiêu diệt, số còn lại tự sát.

Sự bất lực này của an ninh Pháp có một phần nguyên nhân đến từ mối liên kết yếu. Đối với nhiệm vụ chống khủng bố, quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan tình báo và đơn vị chống khủng bố đóng vai trò quyết định. Nhưng sự hợp tác này ở Pháp không thực sự tốt.

Pháp có hai đơn vị chống khủng bố GIGN của Hiến binh và RAID thuộc Cảnh sát. Tuy nhiên, trong các vụ khủng bố đẫm máu vừa qua, hai đơn vị này chỉ xuất hiện tại hiện trường khi sự việc đã xảy ra.

Theo Guardian, giới chức Pháp đang bị chỉ trích nặng nề trước những dấu hiệu của khủng bố. Chỉ 1 ngày trước trận đấu giữa Pháp và Đức, ĐT Đức buộc phải sơ tán vì khách sạn bị đe dọa đánh bom.

Vài ngày trước đó, tay súng Amedy Coulibaly giết chết 4 người trong vụ khủng bố từng bị cảnh sát chặn lại. Nếu họ làm việc hiệu quả hơn, 4 người này hoặc thậm chí cả trăm người sẽ không phải chết oan uổng.

Trước một đội ngũ an ninh như thế, hàng trăm nghìn người yêu bóng đá có mặt ở Pháp năm sau biết đặt niềm tin vào đâu?

Sân Stade de France suýt xảy ra thảm họa. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua mâu thuẫn trong chính nội bộ nước Pháp. Nguyên nhân khiến khủng bố ở Pháp khó dự báo là bởi kẻ thù sống trong lòng nước Pháp.

Các cuộc tấn công khủng bố do người Pháp thực hiện, bằng các phương tiện tự sắm được tại chỗ. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu quốc tế Vương quốc Anh, từ năm 2012 đến nay, số công dân rời Pháp gia nhập IS là 1.200 người.

Lý do gì khiến những kẻ được hưởng chế độ phúc lợi xã hội của Pháp, sống dưới nền văn hóa Pháp lại bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan và quay sang tấn công chính cái nôi nuôi dưỡng mình? Rất khó lý giải.

Sự yếu kém của dự báo, cộng hưởng với mâu thuẫn nội bộ khiến công tác phòng chống khủng bố dần trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”. Chủ tịch LĐBĐ Pháp, ông Noel Le Graet rất lo lắng vì EURO 2016 sẽ tổ chức rải ra ở tận 9 thành phố.

Sự kiện thể thao vốn luôn là miếng mồi ngon để bọn khủng bố reo rắc sự chết chóc. 17 người bị thương trong vụ đánh bom trước trận bán kết lượt về Champions League 2001/2002 giữa Real và Barcelona, 50 người thiệt mạng ở Uganda khi xem chung kết World Cup 2010 qua TV, David Beckham và đồng đội trở thành mục tiêu của Bin Laden năm 2002… là những bài học đắt giá cho nước Pháp.

Xa hơn nữa, 11 VĐV thiệt mạng tại Thế vận hội Munich 1972 là lời cảnh tỉnh về hậu quả phải nhận với một lực lượng an ninh không đủ tốt. Hàng loạt dấu hỏi lớn và những bất lợi đang bủa vây lấy nước Pháp. Nhưng họ sẽ phải tìm mọi cách vượt qua để xứng đáng với tư cách là một trong những đầu tàu châu Âu.

EURO đã gần kề. Nước Pháp sẽ phải nỗ lực làm rất nhiều thứ để đảm bảo EURO trọn vẹn là ngày hội bóng đá châu Âu, là giải đấu hấp dẫn hơn cả World Cup.

10 vụ khủng bố đẫm máu trong lịch sử thể thao thế giới

Vụ tấn công bên ngoài sân vận động Stade de France (Paris), nơi diễn ra trận giao hữu Pháp - Đức, không phải lần đầu tiên những kẻ khủng bố gieo tội ác ở những sự kiện thể thao.

Anh Dũng

Bạn có thể quan tâm