Khi mẹ hỏi "con dự định như thế nào?", tôi đã không hề do dự trả lời rằng mình không muốn cưới, không muốn có đứa bé này, không sẵn sàng. Ảnh: Aboluowang. |
Ngày tôi biết mình sẽ "làm mẹ" không phải là một tin vui ở tuổi 20. Nhiều hơn là cảm giác lo sợ, không dám đối diện với hiện thực.
Quyết định ở tuổi 20
Sau khi quằn quại đau bụng và sốt nhẹ vài ngày, tôi đến bệnh viện khám vì nghĩ mình bị viêm ruột thừa. Nhưng bác sĩ siêu âm lại hỏi về chu kỳ của tôi kèm theo câu "em đã có bạn trai chưa?", "em đã quan hệ tình dục chưa?". Kết quả chẩn đoán, tôi có thai khoảng 7 tuần tuổi, đã làm tổ trong tử cung - tức là tôi sắp làm mẹ.
Ngay lúc đó, cảm giác duy nhất của tôi không phải là vui mừng hay hạnh phúc, mà là lo sợ không biết nói thế nào với ba mẹ. Tôi nói với bạn trai của mình. Ngay lập tức, bạn trai xin phép mẹ cho sắp xếp đám cưới để lo cho tôi và đứa bé.
Nhưng ở tuổi 20 - còn đang ngồi trên ghế giảng đường, tôi không muốn từ bỏ những dự định phía trước. Tôi không đủ can đảm để đi một con đường làm mẹ, làm vợ vào thời điểm không có bằng cấp, không có năng lực, không có thu nhập.
Khi mẹ hỏi "con dự định như thế nào?", tôi đã không hề do dự trả lời rằng mình không muốn cưới, không muốn có đứa bé này, không sẵn sàng.
Số phận một sinh mệnh được quyết định chóng vánh như thế, bởi một người mẹ chưa cảm nhận được tình mẫu tử, mà chỉ tìm lí do trốn tránh trách nhiệm.
Tôi theo hẹn của bác sĩ sản khoa trong bệnh viện tới phòng khám riêng tại phố Cát Linh (Hà Nội) với nhu cầu đình chỉ thai. Ngay cả khi đi đến đó cùng mẹ - người rất tâm lý, rất cởi mở, chưa hề mắng tôi mà chỉ hỏi "con đã chắc chắn chưa?", tôi vẫn không hề lung lay về quyết định của mình. Lúc này, con tôi đã được 8 tuần tuổi.
Khác với lần siêu âm trước, khi bác sĩ áp máy siêu âm lên bụng tôi, loa vang lên từng tiếng thình thịch rõ ràng, chắc chắn. Tim tôi hẫng một nhịp, và tôi chảy nước mắt.
"Em bé có nhịp tim rồi đấy" - tiếng bác sĩ ù đi trong đầu, chỉ có cảm giác rất thân thiết và đau lòng làm tôi thấy hoảng sợ.
Nhưng, tôi vẫn tỏ ra bình thản thực hiện tất cả quy trình khám, tự thuyết phục bản thân rằng mình không thể đánh đổi tương lai, rằng bây giờ nếu sinh em bé ra cũng không thể lo được cho con theo cách tốt nhất. Lúc đó, tôi không hề nghĩ rằng, được sinh ra bình an đôi khi đã là điều tốt nhất để khởi đầu rồi.
Vì tuổi thai còn nhỏ nên bác sĩ cho tôi đình chỉ thai bằng phương pháp sử dụng thuốc tại nhà. Thay vì bắt buộc phải thực hiện ở cơ sở y tế như khuyến cáo, phòng khám tư kê cho bệnh nhân đơn thuốc gồm 2 loại, mang về nhà sử dụng theo hướng dẫn.
Cơ chế dùng thuốc phá thai này là gây bong nhau thai, sau đó kích thích tử cung co bóp để đẩy thai ra ngoài tử cung người mẹ. Quá trình này kéo dài 48 tiếng.
"Em bé có nhịp tim rồi đấy" - tiếng bác sĩ ù đi trong đầu, chỉ có cảm giác rất thân thiết và đau lòng làm tôi thấy hoảng sợ. Ảnh: Arabalears. |
Với tôi, 48 tiếng này không chỉ đau đớn mà còn tội lỗi, không chỉ hối hận mà còn ám ảnh. Đầu luôn vang lên tiếng nhịp tim em bé dõng dạc, khỏe mạnh ở phòng siêu âm.
Bụng đau đớn quặn từng cơn nhưng sự lo sợ lúc này đã biến thành đau lòng và hối hận. Nhưng khi đã thực hiện, không có cơ hội thứ hai nào cho tôi cả. Vì chính tôi đã trải qua rất nhiều đấu tranh tư tưởng mà vẫn vô trách nhiệm từ bỏ đứa con của mình.
Giá phải trả ở tuổi 25
Sau quãng thời gian đó, ngày nào tôi cũng nhớ đến quyết định độc ác của mình. Tôi vẫn còn ám ảnh khi nghĩ về đứa con đang oán giận tôi, nghĩ về sự vô trách nhiệm của mình.
Nhưng phải đến khi kết hôn và mang thai lần tiếp theo, tôi mới thấm thía thế nào là nhân quả. Tôi vẫn lấy chính người bạn trai đấy, chỉ muộn hơn 4 năm để kịp hoàn thành tấm bằng đại học và có một công việc ổn định.
Chúng tôi không khác quá nhiều so với thời điểm quyết định từ bỏ đứa con đầu tiên. Nhưng lần mang thai thứ hai này, dù cố mọi cách để bảo vệ con, tôi lại không có đủ may mắn, không có đủ sức khỏe để được sinh con ra an toàn. Con tôi chào đời vì đẻ non và vì còn quá non nớt nên không thể giữ được sự sống.
Một quyết định của tuổi trẻ có thể sẽ phải đánh đổi, phải trả giá bằng nhiều hơn một sinh mệnh. Cái giá không chỉ là sức khỏe sinh sản bị ảnh hưởng lâu dài, mà còn là những mất mát, những tội lỗi không thể sửa chữa sẽ đeo đuổi suốt cả hành trình về sau.
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.