1. Viêm não Nhật Bản gây ra những di chứng gì cho trẻ trên 5 tuổi?
Viêm não Nhật Bản gây tổn thương các tế bào thần kinh trong não, để lại nhiều di chứng trong dài hạn. Thống kê cho thấy trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ chịu các di chứng rất cao (45,5%), suy giảm khả năng vận động (32,7%), chậm phát triển trí tuệ (21,8%) hoặc co giật (18,2%). |
2. Đâu là nguyên nhân lây truyền chính của viêm não Nhật Bản?
Nguyên nhân gây viêm não Nhật Bản chủ yếu do một loài virus thuộc nhóm flavivirus gây ra. Chúng được truyền từ động vật sang người thông qua vết muỗi culex đốt. Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là lợn và chim hoang dã. |
3. Viêm não Nhật Bản có thuốc đặc trị không?
Viêm não Nhật Bản không có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị chỉ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng, hỗ trợ bệnh nhân vượt qua tình trạng nhiễm trùng và vật lý trị liệu khi có di chứng nhưng chi phí rất tốn kém. |
4. Đâu là cách tối ưu để phòng ngừa viêm não Nhật Bản?
Các biện pháp phòng ngừa khỏi nguyên nhân lây bệnh từ muỗi hay tăng cường hệ miễn dịch không hẳn giúp phòng ngừa hoàn toàn trước bệnh viêm não Nhật Bản. Trẻ cần được tiêm phòng viêm não Nhật Bản ở những năm đầu đời và tiêm nhắc lại để củng cố hệ miễn dịch lâu dài. |
5. Trẻ trên 5 tuổi còn có thể tiêm vaccine ngừa viêm não Nhật Bản không?
Tùy loại vaccine mà lịch tiêm có thể khác nhau, nhưng các mũi cơ bản và nhắc lại đều quan trọng để có miễn dịch bền vững. Các loại vaccine phòng ngừa viêm não Nhật Bản hiện có mặt tại Việt Nam gồm 3 loại. Một là vaccine bất hoạt điều chế từ não chuột (sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ), bắt đầu tiêm khi trẻ từ 12 tháng tuổi, gồm 3 liều cơ bản và cần tiêm nhắc lại 3 năm/lần cho đến khi 15 tuổi. Hai là vaccine sống giảm độc lực tái tổ hợp (kênh dịch vụ), bắt đầu tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, 1 liều cơ bản và 1 liều nhắc sau 1 năm. Cuối cùng là vaccine bất hoạt điều chế từ tế bào vero (kênh dịch vụ), bắt đầu tiêm khi trẻ từ 12 tháng tuổi, gồm 2 liều cơ bản. |
6. Nếu bé nhỡ lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản (bao gồm tiêm các mũi cơ bản và tiêm nhắc), mẹ nên làm gì?
Lịch tiêm của các loại vaccine đã được nghiên cứu để tối ưu hóa khả năng tạo miễn dịch. Do đó, giai đoạn trễ lịch là lúc trẻ có nguy cơ mắc bệnh. Cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể tùy vào từng tình trạng sức khỏe của trẻ. |
7. Việc tiêm nhắc phòng ngừa viêm não Nhật Bản có thể được trì hoãn khi trẻ trên 5 tuổi không?
Dù số ca viêm não Nhật Bản đã giảm nhiều nhờ tiêm chủng, Việt Nam vẫn nằm trong vùng lưu hành dịch bệnh. Bệnh viêm não Nhật Bản để lại nhiều di chứng nguy hiểm. Trì hoãn tiêm nhắc khiến trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh bởi các tác nhân bên ngoài như môi trường sinh hoạt, tiếp xúc cộng đồng… Vì vậy, trẻ cần được tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của bác sĩ. |
Nội dung nằm trong chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng, được phối hợp thực hiện bởi Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Công ty Sanofi Việt Nam.
Bình luận