Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đậu mùa khỉ đáng ngại thế nào WHO lại mở họp khẩn?

Trước sự lây lan khó kiểm soát của virus đậu mùa khỉ tại CHDC Congo thời gian gần đây, WHO đã phải mở cuộc họp khẩn để xác định tình trạng của dịch bệnh và cảnh báo người dân.

Tùy vào màu da và các tổn thương đang ở giai đoạn nào, những vết sưng và vảy sau đó sẽ có hình dạng khác nhau. Ảnh: Openaccessgovernment.

Ngày 7/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triệu tập cuộc họp khẩn các đại diện quốc tế để thảo luận việc lây lan dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Trong một tuyên bố, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ủy ban khẩn cấp của WHO sẽ họp trong thời gian sớm nhất để xác định đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ hiện nay ở Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo có phải là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế hay không.

Tình trạng đáng báo động

Đậu mùa khỉ là bệnh do virus gây ra, lây truyền qua tiếp xúc gần giữa người với người hoặc với động vật bị nhiễm bệnh. Bệnh này đã lưu hành ở Trung Phi (chủng I) và Tây Phi (chủng II) kể từ những năm 1970 và lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới vào năm 2022-2023.

Vào tháng 7/2022, tháng 11/2022 và tháng 2/2023, tuyên bố của WHO với đậu mùa khỉ có tên đầy đủ là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) - cảnh báo cao nhất của tổ chức này đối với các đợt bùng phát dịch bệnh.

Một căn bệnh được gọi là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng được quốc tế quan tâm, tức là đã chạm tới một mức độ nghiêm trọng cao nhất. Nó phải “là một sự kiện bất thường được xác định có thể gây ra nguy cơ y tế đến các quốc gia do sự lây lan toàn cầu, có khả năng phải yêu cầu phối hợp phản ứng từ quốc tế”.

Đến ngày 11/5/2023, WHO tuyên bố đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn ra tại CHDC Congo, và cho đến nay thực sự trở thành mối lo ngại.

Tại CHDC Congo, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã tăng trong hơn 2 năm qua. Tình hình trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây.

Từ đầu năm nay, quốc gia này đã ghi nhận gần 14.000 trường hợp và 450 ca không qua khỏi vì đậu mùa khỉ. Lần đầu tiên, nguyên nhân chính gây bùng dịch được xác định là quan hệ tình dục không có biện pháp phòng vệ thay vì lây qua động vật nhiễm bệnh như trước đây.

Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đối với các mẫu virus từ khu vực này gần đây đã phát hiện ra chủng đậu mùa khỉ mới, có chứa các đột biến giúp chúng lưu hành ở người.

Chủng virus mới đã được phát hiện ở một số thành phố dọc biên giới. Theo WHO, điều này tạo ra nguy cơ lây bệnh xuyên biên giới và toàn cầu.

BBC cho hay dù chưa có bằng chứng cụ thể, các nhà khoa học cũng bày tỏ lo ngại chủng mới sẽ lây lan dễ dàng hơn, gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn và nhiều ca nguy hiểm tính mạng hơn. Ngoài ra, việc nhiều người bệnh không có triệu chứng hoặc không biết mình mắc bệnh vô tình lây lan virus cho người bình thường cũng là một mối nguy khác khiến các nhà nghiên cứu lo lắng.

dau mua khi anh 1

Việc kiểm soát dịch đậu mùa khỉ tại Congo gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Africa News.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chưa có bằng chứng về tốc độ lây lan của chủng mới cũng như khả năng bảo vệ của các loại vaccine hiện có. Điều này sẽ cần thêm nhiều thử nghiệm trong thời gian tới.

Ngày 2/8, CDC châu Phi đã phê duyệt khẩn cấp 10,4 triệu USD để giúp các quốc gia trong khu vực tăng cường giám sát đậu mùa khỉ và tăng khả năng tiếp cận vaccine. Congo gần đây cũng đã phê duyệt 2 loại vaccine đậu mùa khỉ và nhưng chưa đưa vào sử dụng.

Cũng theo CDC châu Phi, châu lục này đã ghi nhận 37.583 trường hợp mắc bệnh và 1.451 ca không qua khỏi tại 15 quốc gia từ tháng 1/2022 đến cuối tháng 7 năm nay.

Mối nguy hiểm mới

Virus đậu mùa khỉ có 2 biến thể: Clade I và Clade II.

Chủng gây ra đợt bùng phát toàn cầu hồi 2022 là Clade II, thường được tìm thấy ở Tây Phi và ít gây mất mạng hơn nhiều so với Clade I.

Chủng virus này lần đầu tiên được ghi nhận tại London và lan ra 111 quốc gia ở châu Âu, Nam và Bắc Mỹ, châu Phi, Trung Đông, châu Á và châu Đại Dương. 99% người bệnh trong đợt dịch này ổn định sức khỏe do chủng này có tỷ lệ gây nguy hiểm thấp, bùng phát ở nhiều cường quốc có sẵn vaccine và thuốc kháng virus.

Khác với Clade II, Clade I nguy hiểm hơn nhiều với tỷ lệ nguy hiểm tính mạng lên tới 10%. Đây cũng là chủng được tìm thấy chủ yếu tại CHDC Congo và là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát ở thời điểm hiện tại.

Theo các nhà khoa học, đường lây bệnh chủ yếu của các đợt bùng phát gần đây là quan hệ tình dục. Theo dõi tại một số địa phương bùng dịch của CHDC Congo, các nhà nghiên cứu phát hiện các tỉnh này có nhiều gái mại dâm cũng như công nhân mỏ.

“Sự lây bệnh qua đường tình dục từ người sang người, đặc biệt là trong các nhóm có nguy cơ cao như gái mại dâm, tạo ra một thách thức mới trong việc kiểm soát chủng virus này”, ông Jean Bisimwa Nachega, Giáo sư Y khoa tại Đại học Pittsburgh (Mỹ), cho biết.

Ông cho hay gái mại dâm là nhóm dễ bị tổn thương, không chỉ chịu thiệt thòi về kinh tế, không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà còn có khả năng miễn dịch kém hơn so với phần còn lại của dân số trước các bệnh truyền nhiễm như HIV.

dau mua khi anh 2

Sự hiểu biết của người dân Congo về đậu mùa khỉ còn hạn chế là một trong những yếu tố khiến bệnh lan rộng tại quốc gia này. Ảnh: MSF.

Bên cạnh đó, chia sẻ với AP, các bác sĩ cho hay biến thể mới gây ra các triệu chứng khác biệt. Thông thường, các tổn thương đậu mùa khỉ xuất hiện trên mặt, cánh tay, ngực và chân ở người bị nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, trong trường hợp gần đây, các tổn thương được báo cáo chủ yếu xuất hiện bộ phận sinh dục. Điều này khiến việc theo dõi và chẩn đoán các trường hợp trở nên khó khăn hơn nhiều.

Chia sẻ với Euronews Health, ông Nicaise Ndembi, Cố vấn cấp cao của Tổng giám đốc CDC châu Phi, nhấn mạnh: "Nếu không được kiểm soát tốt, đợt bùng phát này có thể gây ra rủi ro cho phần còn lại của thế giới".

Vào năm 2022, các cơ quan y tế đã kiểm soát được đợt bùng phát toàn cầu thông qua vaccine, thuốc kháng virus và công tác truyền thông tốt.

Tuy nhiên, tại CHDC Congo, nhiều người vẫn còn mặc cảm khi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Thiếu phương pháp điều trị cũng như khả năng tiếp cận vaccine còn hạn chế cũng là yếu tố khiến việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn.

Tại sao tình dục lại thú vị

Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính", bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.

WHO triệu tập cuộc họp khẩn về sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 7/8, Tổng Giám đốc WHO cho biết cơ quan này đã quyết định triệu tập cuộc họp khẩn của các đại diện quốc tế để thảo luận việc lây lan dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm