Bàn tay chi chít vết ban đậu mùa khỉ của một người bệnh. Ảnh: Freepik. |
Một tháng trước, trong bối cảnh dịch đậu mùa khỉ bùng phát và lây lan mạnh ở nhiều quốc gia châu Phi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Theo thống kê mới nhất, tính đến đầu tháng 8, toàn cầu đã ghi nhận hơn 103.048 trường hợp mắc bệnh trong đợt bùng phát này, khiến WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng - mức báo động cao nhất theo luật y tế quốc tế.
Biến chủng mới vươn ra ngoài châu Phi
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi và chính phủ các nước, tính từ đầu năm đến ngày 8/9, đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở 15 quốc gia gồm Burundi, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Congo, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ghana, Liberia, Nigeria, Rwanda, Nam Phi, Uganda, Kenya, Mozambique và gần đây nhất là Morocco.
Tổng số bệnh nhân được ghi nhận là 5.759 người, trong đó 32 người không qua khỏi. Tuy nhiên, theo ước tính của WHO, con số này có thể lên tới hơn 25.000 ca, bao gồm cả những trường hợp không được xét nghiệm.
Trong đó, Cộng hòa Dân chủ Congo là quốc gia có đợt bùng phát nghiêm trọng nhất, chiếm hơn 90% tổng ca mắc mới tại châu Phi với 5.160 trường hợp mắc và 25 ca không qua khỏi.
60% người mắc đậu mùa khỉ ở Cộng hòa Dân chủ Congo là trẻ em. Ảnh: Economist. |
Bên ngoài châu Phi, chỉ một ngày sau khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Thụy Điển phát hiện trường hợp mắc bệnh bởi nhánh IB - một chủng đậu mùa khỉ gây biến chứng nặng. Người này đã nhiễm bệnh trong thời gian lưu trú tại một quốc gia châu Phi và được cách ly ở Thụy Điển.
Giới chức y tế Thái Lan cũng cho biết quốc gia này đang tìm cách xác định chủng virus đậu mùa khỉ ở một khách du lịch nhập cảnh từ châu Phi. Bệnh nhân là người châu Âu 66 tuổi, trên đường từ châu Phi đến Thái Lan, có quá cảnh tại một quốc gia Trung Đông khác. Hiện ông vẫn vẫn chưa có các triệu chứng nghiêm trọng.
Tại Philippines, các nhà chức trách cho biết họ tìm thấy chủng II nhẹ hơn ở nam bệnh nhân 33 tuổi, không có tiền sử du lịch. Đây là trường hợp mắc đậu mùa khỉ thứ 10 được xác nhận tại quốc gia này kể từ năm 2022.
Tại Pakistan, bệnh nhân đầu tiên trong năm nay được xác nhận đã nhiễm chủng đậu mùa khỉ nhánh II. Cơ quan chức năng cũng đang truy vết để tìm và theo dõi những người có tiếp xúc với người bệnh này.
Vaccine là phương án được WHO và nhiều quốc gia xem xét sử dụng để phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: SIPA. |
Nhanh chóng ngăn chặn đợt bùng phát
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO, bày tỏ lo ngại trước sự lây lan nhanh chóng của biến chủng đậu mùa khỉ mới.
"Thế giới cần nhanh chóng phối hợp để ngăn chặn các đợt bùng phát này", ông cho hay.
WHO đang làm việc với nhiều quốc gia trên toàn thế giới để đưa ra các biện pháp tiếp cận vaccine nhanh chóng, chi phí ban đầu có thể rơi vào 15 triệu USD.
Ngày 13/9 vừa qua, WHO đã sơ duyệt vaccine đậu mùa khỉ của hãng dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic có tên MVA-BN.
Người đứng đầu WHO cho rằng việc vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ được sơ duyệt là một bước đi quan trọng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này trong tương lai.
"Đợt tiền thẩm định đầu tiên đối với vaccine phòng đậu mùa khỉ là một bước quan trọng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này, trong bối cảnh các quốc gia châu Phi liên tục ghi nhận đợt bùng phát", tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một tuyên bố.
Động thái của WHO sẽ mở đường cho các nước đang phát triển tiếp cận được vaccine phòng đậu mùa khỉ, trong bối cảnh nhiều quốc gia không có công nghệ và nguồn lực để kiểm tra nghiêm ngặt mức độ an toàn cũng như hiệu quả của vaccine.
Đại diện Bavarian Nordic cho hay vaccine MVA-BN có khả năng phòng bệnh đậu mùa khỉ, đậu mùa và các bệnh truyền nhiễm liên quan đến virus orthopoxvirus, dành cho người từ 18 tuổi trở lên.
Theo khuyến cáo của WHO, trong trường hợp dịch bệnh bùng phát nguy cấp, vaccine được phê duyệt có thể sử dụng đối với trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên cũng như phụ nữ mang thai và những người bị suy giảm miễn dịch.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, tại quốc gia này, hơn 1 triệu liều vaccine đã được sử dụng.
Đầu tuần trước, Mỹ cũng tài trợ 50.000 liều vaccine cho Cộng hòa Dân chủ Congo. Theo ông Cris Kacita Osako, điều phối viên Ủy ban ứng phó bệnh đậu mùa khỉ của Cộng hòa Dân chủ Congo, người lớn tại 3 tỉnh có dịch bệnh nặng nề nhất, sẽ được tiêm vaccine đầu tiên, bắt đầu từ ngày 2/10.
Trước đó, WHO cho biết Cộng hòa Dân chủ Congo cần tới 3 triệu liều vaccine để chấm dứt dịch đậu mùa khỉ. Liên minh châu Âu đã cam kết sẽ quyên góp thêm hơn 500.000 liều nữa, nhưng thời gian giao hàng vẫn chưa rõ ràng.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình (Nhà xuất bản Công Thương liên kết công ty Cổ phần Sách Thái Hà Books) tham dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm. Giải thưởng dự kiến trao vào đầu tháng 10.