Đậu mùa khỉ được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B, có thể gây tử vong. Ảnh: CNBC. |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa ký văn bản Quyết định bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Ngoài đậu mùa khỉ, danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B còn có nhiều bệnh do virus gây ra, có khả năng lây truyền nhanh và gây tử vong.
Bệnh truyền nhiễm nhóm B nguy hiểm như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 bao gồm vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm.
Tại nước ta, các bệnh truyền nhiễm được phân làm 3 nhóm.
Trong đó, nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh bao gồm các bệnh bại liệt, cúm gia cầm A(H5N1), bệnh đậu mùa, bệnh Covid-19, bệnh sốt vàng…
Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Danh sách các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B gồm:
- Bệnh do virus Adeno
- Bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)
- Bệnh bạch hầu
- Bệnh cúm
- Bệnh dại
- Bệnh ho gà
- Bệnh lao phổi
- Bệnh do liên cầu lợn ở người
- Bệnh lỵ A-míp (Amibe)
- Bệnh lỵ trực trùng
- Bệnh quai bị
- Bệnh sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue
- Bnh sốt rét
- Bệnh sốt phát ban
- Bệnh sởi
- Bệnh tay - chân - miệng
- Bệnh than
- Bệnh thủy đậu
- Bệnh thương hàn
- Bệnh uốn ván
- Bệnh Rubeon
- Bệnh viêm gan virus
- Bệnh viêm màng não do não mô cầu
- Bệnh viêm não virus
- Bệnh xoắn khuẩn vàng da
- Bệnh tiêu chảy do virus Rota
- Bệnh do virus Zika
Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh (giang mai, lậu, bệnh sốt mò, sán lá gan, sốt xuất huyết do virus Hanta…).
Bạch hầu, ho gà, sởi, rubella, than, viêm màng não do mô cầu, chân tay miệng, thủy đậu, quai bị và đậu mùa khỉ là các bệnh truyền nhiễm phải cách ly. Ảnh: Freepik. |
Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm B có phải cách ly không?
Tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định về cách ly y tế gồm: Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.
Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.
Do đó, không phải mọi trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhóm B đều phải cách ly y tế. Chỉ khi mắc, bị nghi ngờ mắc, mang mầm bệnh dịch, tiếp xúc với tác nhân gây bệnh của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế mới phải cách ly y tế.
Ngày 17/7/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư 17/2019/TT-BYT về việc hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Theo đó, phải tổ chức cách ly y tế đối với 09 loại bệnh truyền nhiễm nhóm B sau: bạch hầu, ho gà, sởi, rubella, than, viêm màng não do mô cầu, chân tay miệng, thủy đậu, quai bị.
Việc giám sát bệnh, dịch truyền nhiễm sẽ được thực hiện đối với các đối tượng: Người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; ổ chứa, trung gian truyền bệnh và các yếu tố nguy cơ.
Riêng với đậu mùa khỉ - bệnh mới xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đưa ra 6 khuyến cáo để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh:
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.
Dịch Đậu mùa khỉ
WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong 2 năm.
Hàn Quốc xác nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ
Đến nay, tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại Hàn Quốc 16 trường hợp, đa số không có lịch sử du lịch nước ngoài.
Người nhiễm HIV có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc đậu mùa khỉ
Nghiên cứu cho biết nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ, người nhiễm HIV sẽ hình thành các vết loét lớn khắp cơ thể và có nguy cơ tử vong lên đến 15%.
Bệnh lây qua đường tình dục bùng phát mạnh trên toàn cầu
Mặc cho tương tác xã hội bị giảm đi nhiều trong 3 năm đại dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn gia tăng trên toàn thế giới.
WHO cảnh báo đậu mùa khỉ vẫn là căn bệnh gây nguy hiểm trên toàn cầu
Theo The Siasat Daily, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát mạnh mẽ của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).