Daniella Malave đã có được tấm bằng cử nhân đại học nhờ tiền tài trợ từ công ty Chipotle. Ảnh: AP/Seth Wenig. |
Khi Daniella Malave bắt đầu làm việc cho Chipotle vào năm 17 tuổi, lợi ích chính mà cô tìm kiếm là đồ ăn miễn phí. Hóa ra, cô còn được tài trợ cả tiền học đại học.
Khi làm việc toàn thời gian cho Chipotle, Malave hoàn thành 2 năm đại học với khoản trợ cấp hàng năm là 5.250 USD. Sau đó, cô đăng ký chương trình đại học trực tuyến miễn phí của công ty. Nhờ thế, Malave lấy bằng cử nhân quản trị kinh doanh của Đại học Wilmington vào năm 2020.
Malave, 24 tuổi, hiện là nhà phân tích tuyển dụng cho Chipotle ở New Jersey, Mỹ, chia sẻ: “Tôi không phải trả tiền cho việc học của mình. Mỗi khi tôi nói điều này, tôi luôn đặt câu hỏi liệu điều này có thật không?”, Fortune dẫn lời.
Hàng triệu người lao động được hưởng lợi
Chipotle là một trong số hơn 10 công ty đưa ra các chương trình đại học miễn phí tới 100% cho nhân viên tuyến đầu trong thập kỷ qua. Chỉ tính riêng từ năm 2021, Walmart, Amazon, Target, Macy’s, Citi và Lowe’s cung cấp đại học miễn phí cho hơn 3 triệu người lao động ở Mỹ.
Các công ty xem chương trình này là một cách tuyển dụng và giữ chân người lao động trong thị trường vốn đã chật hẹp hoặc đào tạo họ cho những vị trí quản lý. Với nhân viên làm việc theo giờ, các chương trình này loại bỏ rào cản tài chính cho họ trong việc lấy bằng cấp.
Hàng nghìn người đang được hưởng lợi từ chương trình này. Starbucks điều hành chương trình đại học trực tuyến thông qua Đại học Bang Arizona. Công ty này cho biết 22.000 công nhân đang đăng ký chương trình của họ. Guild Education, công ty quản lý các chương trình cho Walmart, Hilton, Disney và một số doanh nghiệp khác, đang cung cấp khóa học trực tuyến tại hơn 140 trường học. Họ đã làm việc với 130.000 sinh viên trong năm qua.
Khó đánh giá hiệu quả
Nhưng một số nhà phê bình đặt câu hỏi liệu các chương trình này có giải quyết những vấn đề sâu xa hơn, chẳng hạn trả lương quá thấp khiến người lao động không đủ khả năng học đại học hoặc giờ học thất thường đến mức quá khó để đi học trực tiếp.
Stephanie Hall, thành viên cấp cao tại tổ chức The Century Foundation, cho biết: “Tôi nghĩ các chương trình này được cung cấp để giải quyết vấn đề trả tiền cho người lao động nhiều hơn, mang lại cho mọi người sự chắc chắn hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống của họ".
Bà Hall cũng nhận định việc thiếu dữ liệu gây khó khăn cho việc đánh giá hiệu quả của các chương trình này. Ví dụ, Chipotle, Walmart, Amazon và Starbucks không chia sẻ tỷ lệ tốt nghiệp. Nguyên nhân là con số này khó tính toán, sinh viên thường nghỉ một học kỳ hoặc mất hơn 4 năm để có bằng.
Rachel Carlson, Giám đốc điều hành của Guild Education, đơn vị cũng không tiết lộ tỷ lệ tốt nghiệp, cho biết dữ liệu khả quan hơn mà chúng ta có thể xem xét là liệu các bằng cấp này có giúp nhân viên được thăng chức hay tăng lương không.
Nhiều người khác đặt câu hỏi về chất lượng của các chương trình trực tuyến và liệu bằng cấp của sinh viên có bị buôn bán trên thị trường hay giúp họ theo đuổi các nghề nghiệp khác. Điều này rất đặc biệt vì nhiều công ty hạn chế nội dung mà nhân viên có thể học. Ví dụ, Discover chỉ tài trợ 100% cho 18 bằng cử nhân tại 8 trường đại học thông qua Guild.
Theo bà Katharine Meyer, thành viên chương trình nghiên cứu quản trị của Trung tâm Brown về Chính sách Giáo dục thuộc Viện Brookings, hầu hết chương trình tài trợ như thế này đều hy vọng nhân viên sẽ ở lại với công ty.
Về phần mình, Amazon thu hút các chương trình đại học với cơ hội bên ngoài công ty như Điều dưỡng. Nhưng Walmart đã giảm số lượng chương trình học miễn phí từ 100 xuống 60 bởi họ muốn tập trung vào các kỹ năng phù hợp với nghề nghiệp tại công ty.
Daniella Malave làm việc online tại một quán cà phê ở Sea Girt, New Jersey, Mỹ, ngày 29/9. Khi làm việc toàn thời gian cho Chipotle, Malave đã hoàn thành 2 năm đại học nhờ tiền trợ cấp 5.250 USD/năm từ công ty. Cô đã lấy bằng cử nhân quản lý kinh doanh của Đại học Wilmington vào năm 2020. Ảnh: AP/Seth Wenig. |
Thay đổi cuộc đời
Lorraine Stomski, Phó chủ tịch cấp cao về học tập và lãnh đạo của Walmart, cho biết hơn 89.000 người lao động đã tham gia chương trình đại học của Walmart và hơn 15.000 người đã tốt nghiệp.
Tanner Humphreys là một trong số đó. Anh bắt đầu làm việc tại Walmart vào năm 2016, xoay xở với công việc hàng giờ khi cố gắng sắp xếp lịch học trực tiếp tại Đại học bang Idaho. Nhưng theo chương trình học trực tuyến của công ty vào năm 2018, Humphreys đã chuyển các tín chỉ đã học sang Đại học Southern New Hampshire và tốt nghiệp vào tháng 2 với bằng cử nhân khoa học máy tính. Ở tuổi 27, anh đang làm việc tại trụ sở chính của Walmart, là nhân viên nhóm an ninh mạng.
“Tôi đang làm công ăn lương, sống với cả đám bạn để trả tiền thuê nhà và các khoản khác. Sự thay đổi từ lương theo giờ sang làm công ăn lương thực sự là một thay đổi trong cuộc sống”, anh nói.
Các công ty trả tiền cho nhân viên học đại học hoặc cao học không phải mới. Nhưng trong nhiều thập kỷ, lợi ích chủ yếu là cho những người làm công ăn lương. Trong nhiều trường hợp, người lao động phải trả trước hàng nghìn USD cho học phí và sau đó được công ty của họ hoàn trả.
Chương trình của Starbucks, ra mắt vào năm 2014, ban đầu theo mô hình như vậy. Nhưng đến năm 2021, công ty trả trước tiền học cho nhân viên. Giờ đây, 85% cửa hàng của Starbucks có ít nhất một nhân viên tham gia chương trình. Vào tháng 12, họ sẽ đón chào sinh viên thứ 10.000 tốt nghiệp.
Carlson cho biết các công ty nhận thấy mỗi một USD đầu tư vào giáo dục, họ thu được lợi nhuận 2-3 USD. Vì nó tiết kiệm chi phí tuyển dụng và duy trì. Walmart cho biết những người tham gia chương trình này nghỉ việc với tỷ lệ thấp hơn 4 lần so với những người khác. Khả năng được thăng chức của họ cũng cao gấp 2 lần.
“Nếu tôi biết mình sẽ phải trả 7.000 USD để thu ngân nghỉ việc từ ngày mai, tôi thà chi tiêu cho những nhân viên ngày hôm nay 3.000-5.000 USD cho cô ấy học đại học", ông Carlson nói.
Các công ty cho biết những chương trình này cũng mang lại cơ hội cho người thiểu số. Macy's bắt đầu chương trình với Guild vào đầu năm 2021. Họ cho biết 50% số phụ nữ đăng ký tham gia là người da màu.
Một số công ty, như Chipotle và JPMorgan Chase, cung cấp các chương trình trực tuyến thông qua Guild, cũng như hỗ trợ sinh viên có thể học trực tiếp tại những cơ sở địa phương. Các chương trình đại học của Amazon lại theo mô hình kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại địa phương.
Bà Hall mong muốn thấy nhiều công ty hơn cung cấp những cách học linh hoạt. Bởi học trực tuyến không phải lúc nào cũng phù hợp cho mọi người.
Nhiều công ty tài trợ tiền học cho nhân viên như một cách để đào tạo và giữ người. Ảnh: Freepik. |
Zachary Hecker, 26 tuổi, nhân viên Starbucks ở New Braunfels, Texas, bắt đầu học lấy bằng cử nhân Kỹ thuật điện vào mùa hè năm 2021 qua chương trình miễn phí của công ty.
Hecker đánh giá cao việc được miễn học phí, nhưng anh vẫn muốn được tham gia các lớp trực tiếp hoặc nhiều lựa chọn hơn ở ngoài bang Arizona. Các lớp học của anh rất khó khăn, không phải lúc nào cũng gặp được giáo sư và nhận sự giúp đỡ.
Nhưng Carlson cho biết các lớp học trực tuyến là lý tưởng cho nhiều người khác. Ví dụ, một phụ nữ 33 tuổi có con. Họ có thể học bất cứ khi nào, chẳng hạn sau khi lũ trẻ đi ngủ.
Cơ hội kiếm được bằng cấp miễn phí có thể thay đổi cuộc đời. Năm 16 tuổi, Angela Batista là người vô gia cư khi cô bắt đầu làm việc cho một cửa hàng Starbucks ở New York.
“Đại học chưa bao giờ là điều tôi dám mơ đến", Batista hiện 38 tuổi, nói. Tháng 12, cô sẽ tốt nghiệp Đại học bang Arizona với bằng Lãnh đạo tổ chức do Starbucks chi trả. Và con trai của cô, người cũng làm việc tại Starbucks, đang bắt đầu việc học để có được tấm bằng cho chính mình.