Khác với phương pháp dạy con truyền thống, gentle parenting (tạm dịch: Dạy con nhẹ nhàng) khuyến khích cha mẹ hiểu rõ cảm xúc của con, đồng thời áp dụng các quy định, nguyên tắc. Phương pháp này sẽ mang lại kết quả dạy con tốt hơn.
Bà Irina Gorelik, nhà tâm lý học trẻ em tại Williamsburg Therapy Group, cho biết gentle parenting tập trung nhiều vào việc tôn trọng con cái, cá tính riêng của con, ví dụ thể hiện sự đồng cảm và kết nối. Tuy nhiên, thể hiện sự tôn trọng không có nghĩa là cha mẹ sẽ bỏ qua tính kỷ luật.
Thay vì dạy con bằng hình phạt, đòn roi, cha mẹ dạy con bằng phương pháp gentle parenting có thể dẫn dắt con bằng sự thấu hiểu.
Phương pháp này giúp trẻ tăng sự tự tin và khả năng điều chỉnh cảm xúc, đồng thời làm giảm cảm giác "cạnh tranh quyền lực" giữa cha mẹ và con cái, từ đó cải thiện các mối quan hệ và sự kết nối.
Bà Gorelik nói rằng khi áp dụng các quy tắc với trẻ, cha mẹ cần nghĩ đến những cảm xúc của con và đặt ra giới hạn, ranh giới rõ ràng. Dưới đây là 3 ví dụ về phương pháp dạy con nhẹ nhàng để cha mẹ áp dụng trong thực tế.
Trẻ đòi mua đồ chơi
Đôi khi, trẻ sẽ đòi mua những món đồ chơi chúng bắt gặp ở cửa hàng tạp hóa. Trước khi dẫn con đến cửa hàng tạp hóa hay siêu thị, bạn hãy nói rõ với trẻ mục đích của chuyến đi theo cách sau:
"Bây giờ chúng ta sẽ đến cửa hàng và có thể chúng ta sẽ thấy những món đồ yêu thích và muốn mua. Nhưng trước tiên, chúng ta sẽ mua một số món đồ để chuẩn bị cho bữa tối. Mẹ có thể giúp con chọn một món đồ ăn nhẹ yêu thích để con mang đến trường".
Khi đến cửa hàng, nếu trẻ đòi mua đồ chơi, cha mẹ hãy nói rõ với con rằng hôm nay bạn sẽ không đáp ứng yêu cầu đó.
"Mẹ biết con rất muốn có đồ chơi mới, món đồ này trông có vẻ vui và chắc hẳn có lý do nên con mới muốn mua. Nhưng hôm nay chúng ta sẽ không mua đâu nhé. Mẹ biết điều này sẽ khiến con buồn...", bà Gorelik nêu một số gợi ý khi nói chuyện với trẻ.
Cha mẹ nên đặt giới hạn nếu trẻ không chịu rời điện thoại, máy tính bảng. Ảnh: UNICEF Innocenti. |
Trẻ không chịu rời điện thoại, máy tính bảng
Bạn và con có việc cần ra ngoài, nhưng trẻ không chịu tắt máy để rời khỏi nhà. Khi đó, bạn hãy nói với con rằng: "Mẹ biết con muốn ở nhà chơi điện thoại, mẹ hiểu con cảm thấy không vui khi phải ra ngoài. Đôi khi, mẹ cũng muốn ở nhà, nhưng hôm nay chúng ta phải đi thôi. Con có muốn tự chọn đồ để mang theo không hoặc mẹ sẽ giúp con lấy giày nhé?"
Nếu trẻ vẫn phớt lờ yêu cầu của bạn, bạn hãy đặt ra giới hạn rõ ràng hơn: "Thời gian chơi điện thoại đã hết. Mẹ biết là con rất khó khăn khi phải dừng chơi điện thoại. Mẹ có thể tắt điện thoại giúp con hoặc con hãy tự tắt đi".
Nếu trẻ tiếp tục từ chối yêu cầu của bạn, bạn hãy trực tiếp tắt điện thoại của con.
Trẻ tranh giành đồ chơi
Giả sử con bạn đánh nhau với anh chị em vì một món đồ chơi, bạn hãy giúp con "hạ hỏa" bằng cách nhẹ nhàng nói với con: "Mẹ biết con đang tức giận và muốn món đồ chơi đó, nhưng mẹ sẽ không để con tranh giành với mọi người".
Bạn hãy tách lũ trẻ ra và để các con tự điều chỉnh cảm xúc của mình. Sau đó, bạn có thể nói chuyện với con về những điều các con được phép làm khi cảm thấy bực bội.
Cách tiếp cận này giúp trẻ thấy được bạn thấu hiểu con. Đồng thời, phương pháp dạy con nhẹ nhàng sẽ dạy các em biết cách đối phó với cảm xúc của bản thân.