Con nổi loạn trên Facebook, bố mẹ choáng
Trở về từ cuộc họp phụ huynh cuối năm của cô con gái học lớp 7, chị Mai Vân Hương (Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Vừa về đến nhà, chị tịch thu điện thoại, máy tính, cấm con gái từ nay không được “bén mảng” lên mạng xã hội. Vẫn chưa hả giận, chị vừa đánh vừa mắng. Con gái vừa cúi đầu chịu trận vừa thanh minh rằng tại bạn bè khiêu khích trước.
Thúy vốn là đứa con gái học giỏi, ngoan ngoãn, luôn vâng lời bố mẹ. Từ trước đến nay chị vẫn rất tự hào về con. Từ năm lên cấp 2, Thúy được bố mẹ cho dùng điện thoại di động, máy tính nối mạng lắp ở phòng riêng để phục vụ cho việc học tập. Chị cũng biết con dùng mạng xã hội nhưng không quan tâm mấy vì cho rằng đó là mốt thời công nghệ của bọn trẻ. Cho đến buổi họp phu huynh cuối năm học vừa qua. Ngoài việc thông báo chuyện học hành cuối năm của các con, cô giáo chủ nhiệm đặc biệt đề cập đến một vụ ẩu đả nghiêm trọng khởi nguồn từ một cuộc chiến trên mạng xã hội.
Nguyên nhân xuất phát từ một chia sẻ không mấy thiện cảm về bức ảnh của một bạn gái lớp Thúy. Một vài thành viên vào bình luận bênh vực chủ nhân bức ảnh đã kéo theo các thành viên khác công kích lại. Cứ thế cuộc chiến vô tình lan rộng ra mấy lớp và một cuộc ẩu đả ngoài đời thực đã được “phát động”.
Khi nghe cô giáo thông báo hành vi của các con, chị Hương và nhiều bậc phụ huynh khác đều choáng váng. Họ không tin, những đứa con vốn rất ngoan, học giỏi ấy lại có thể nổi loạn, thậm chí bị xếp vào thành phần “bất hảo” trên mạng xã hội.
Để con sống tốt trên thế giới ảo
Ảnh minh họa. |
Anh Trần Văn Quyến (công nhân may) kể về cậu con trai đang học lớp 10: "Bọn trẻ bây giờ quái lắm. Khi biết mình có mạng xã hội, nó cài chế độ chặn bố mẹ và người thân quen biết. Vì thế, mình có muốn vào để kiểm tra con chơi gì trên đó cũng rất khó. Một lần nghe cậu bạn mách, con là đại ca của một nhóm bất hảo trên mạng, mình hết hồn. Về hỏi lại, con chối ngay, mình nhờ cậu bạn đó in lại bằng chứng thì nó đã xóa. Cậu bạn còn nói, nó tạo mấy tài khoản trên mạng, cái thì đích danh, cái trong vai một người khác. Trẻ con biến hóa như thế thì làm sao kiểm soát nổi".
Về vấn đề này, chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng: "Việc bố mẹ cấm con cái dùng mạng xã hội là không thể. Vì thế, để dạy con sống chuẩn trong thế giới ảo bố mẹ phải trang bị cho mình kỹ năng về vấn đề này. Nhiều bậc bố mẹ lấy lý do khó kiểm soát con vì không biết máy tính, công nghệ là không được. Nếu vợ không biết thì chồng phải biết, nếu trình độ bố mẹ hạn chế thì nhờ anh em, người thân khác. Quản lý trực tiếp không được thì tìm cách gián tiếp".
Ngoài ra, điều quan trọng nhất để định hướng cho con sống tốt trong đời thực lẫn đời ảo là sự gần gũi, lắng nghe, quan tâm con cái hàng ngày của bố mẹ. Hãy trò chuyện với con trong nhiều vai lúc là bố mẹ, lúc bạn của con. Một khi bố mẹ tạo cho con sự tin cậy, sẵn sàng nghe nó chia sẻ mọi thứ thì sẽ không có chuyện bất mãn, dồn nén để rồi phải mượn thế giới ảo để giải tỏa, nổi loạn.
Lý giải vì sao con cái học giỏi, nghe lời bố mẹ trong đời thực lại bất trị trên mạng xã hội, các chuyên gia tâm lý lý giải nguyên nhân chính từ sự dạy dỗ con nghiêm khắc cực đoan của một bộ phận bố mẹ. Đứa trẻ bị bố mẹ quản lý áp đặt hàng ngày là phải học giỏi. Việc quan tâm lớn nhất của họ đối với đứa con là điểm số hàng ngày. Họ phạt nặng khi con không hoàn thành bài tập, bị điểm kém nhưng lại không tìm hiểu vì sao con lại rơi vào tình trạng đó. Thậm chí khi nghe con nói ra lý do họ cũng cho rằng “lý do trẻ con” không đáng quan tâm.
Do đó sự chia sẻ để hiểu tâm tư của con cứ tiếp tục bị bỏ qua khiến trẻ phải tìm đến giải tỏa ở mạng xã hội. Bên cạnh đó, đặc điểm lớn nhất của mạng xã hội là tâm lý bầy đàn nên trẻ sẽ khó thoát khỏi ảnh hưởng xấu khi lọt vào một đám đông bất hảo trên mạng.