Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dạy học bằng những vở kịch

Thầy Võ Bửu Chánh vừa giỏi chuyên môn, vừa tận tụy với học sinh.

Người thầy vừa có tâm, vừa có tầm

Bằng tình yêu thương của mình, thầy đã dẫn dắt không biết bao nhiêu thế hệ học sinh trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa). Đó là thầy giáo Võ Ngọc Bửu Chánh, nguyên hiệu phó nhà trường.

Mỗi năm chỉ dạy một vài lớp nhưng thầy Võ Ngọc Bửu Chánh nhận được rất nhiều tình cảm từ các cô cậu học trò của mình. Gần gũi và giản dị là ấn tượng mà biết bao thế hệ học sinh cảm nhận về thầy.

Thầy bắt đầu về trường dạy từ năm 1980 và về hưu cách đây hai năm. Cả đời gắn bó với nghề giáo, thầy luôn trăn trở vì các thế hệ học sinh. Thầy tâm sự rằng với học trò giỏi lẫn yếu mình đều luôn có những nỗi trăn trở riêng. Đối với học trò giỏi, thầy mong muốn làm thế nào để phát huy được hết năng lực của trò, để trò ngày càng giỏi hơn. Đối với học trò học lực còn yếu, thầy lại trăn trở tìm cách để các em tiến bộ mỗi ngày và quan trọng hơn hết là phải tạo cho các em động lực cố gắng.

Hình ảnh thầy Chánh chở học trò về.
Hình ảnh thầy Chánh chở học trò về.

Trường hợp của Dương Văn An khóa 2008-2010 trường THPT Châu Thành là một ví dụ. “Trò này học rất giỏi, nhưng vẫn đến xin được học thêm lớp của thầy, gần như dạng toán nào em ấy cũng có thể làm tốt, vì vậy thầy luôn suy nghĩ làm sao để em ấy được giỏi hơn nữa, chứ không phải dậm chân tại chỗ với thành tích hiện tại”.

Đối với học trò yếu lại lười học, thầy lại có những cách thức khác nhau để động viên. Một mặt, thầy đến nhà, thông qua gia đình để làm công tác tư tưởng, vận động các em đến trường. “Quan trọng nhất là phải để các em thấy được sự quan tâm của thầy cô đối với các em, để các em không có cảm giác mình đang đi một mình”, thầy cho biết.

Thầy lắng nghe tâm sự của học trò để biết được nỗi băn khoăn, lo lắng của các em từ đó có phương án giúp đỡ phù hợp. Chính vì sự gần gũi của thầy mà không ít các học trò tự tìm đến thầy để trải lòng, tâm sự.

Có những dịp tết, thầy đến thăm gia đình từng học sinh, để qua đó hiểu các em hơn. Thầy nói, có những em ở sâu trong hẻm, nhà lụp xụp, cách trường hơn 20 km, nhưng vẫn đều đặn đến trường. Mỗi lần đến thăm nhà học trò là thêm một lần thầy trăn trở làm thế nào để học trò có thể thoát nghèo học tốt.

Tuy nhiên, thầy còn nói thêm, làm một người thầy có tâm thôi chưa đủ, mà còn phải có tầm, tức là phải vững vàng về chuyên môn thì mới khiến học sinh nể phục. Chính vì vậy mà hơn 30 năm đi dạy, kinh nghiệm đã dày dặn nhưng thầy vẫn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu. “Cuộc đời là gắn liền với kiến thức, học trò lại ngày càng giỏi nên mình lại càng phải trau dồi để có thể dạy các em tốt hơn”, thầy nói.

Nhận xét về thầy, cô Nguyễn Thị Bích Hòa - phó hiệu trưởng THPT Châu Thành cho biết: “Xét về chuyên môn, thầy Chánh là một người thầy giỏi, không chỉ đối với môn Toán thầy đang dạy mà thầy còn giỏi cả Lý và Tin học. Các giáo viên mới vào trường thường được vào dự giờ các tiết học của thầy để học hỏi kinh nghiệm. Mỗi tiết học của thầy đều được đầu tư kỹ lưỡng, tỉ mỉ”.

Cô Hòa kể thêm, thầy từng nói với cô một câu mà cô nhớ mãi, “Đã chọn nghề sư phạm thì đừng nghĩ đến vật chất, còn nếu chỉ nghĩ đến vật chất thì không nên chọn nghề sư phạm.”

Chưa một lần nhắc tiền học phí

Hình ảnh thầy Chánh giản dị với mái tóc bạc đi xe đạp đến trường trở nên quá đỗi quen thuộc với học sinh trường THPT Châu Thành. “Có hôm thấy mình đi bộ thầy còn chở mình về nữa”, một cựu học sinh kể lại.

Thầy Chánh tận tụy trong mỗi giờ học.
Thầy Chánh tận tụy trong mỗi giờ học.

Nhắc đến thầy, ai cũng nhắc đến cái tâm trước hết. Học trò đi học thêm, thầy dạy không giấu giếm, trên lớp hay trong lớp học thêm thầy vẫn nhiệt tình như thế. Đặc biệt, trong suốt cuộc đời đi dạy của mình, thầy không một lần đòi tiền học phí của học trò, tất cả đều để các em tự nguyện.

Cô học trò từng học thầy nhớ mãi câu chuyện: “Có những tháng nhà mình gặp khó khăn, mình nợ học phí cả mấy tháng liền, nhưng thầy không hề nhắc, vẫn để cho mình được đến học với các bạn. Mình không thể quên được thầy - một người thầy tận tâm và hết lòng vì học sinh”.

Thầy nói: “Trong lớp có rất nhiều em khó khăn, vậy mà các em vẫn đến lớp, các em đã ham học như vậy thì mình nên khuyến khích. Nhắc tiền học phí sẽ làm các em mặc cảm với hoàn cảnh của mình.” Đến nay, mặc dù đã về hưu gần 2 năm nhưng khi ra ngoài, nhiều học trò gặp thầy vẫn đến chào hỏi, kể cả những bạn chưa bao giờ được thầy dạy. Không chỉ là một người thầy truyền đạt cho học trò kiến thức toán học, thầy còn thường xuyên sát cánh học trò trong các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ. “Văn nghệ cũng là một cách để mình tiếp cận với học trò, qua đó nắm bắt được tâm lý cũng như nguyện vọng của các em.”, thầy chia sẻ.

Không dừng lại ở giáo dục chuyên môn, thầy còn luôn hướng học trò đến những hoạt động ngoại khóa đậm chất lịch sử, văn hóa nước nhà. Trường THPT Châu Thành từng đạt giải nhất cuộc thi “Tự hào sử sách”, trong đó chính tay thầy viết kịch bản, tự làm đạo cụ, phục trang cho học trò đi thi.

Không ít lần thầy tự hóa vai vào các vở kịch, vì vậy thầy còn được học trò gọi vui là “thầy Chánh Ngọc hoàng”. Khi đến viết bài này, thầy có cho tôi xem một tin nhắn của học trò cũ gửi cho thầy với những lời nhắn thật thân thương: “Con chúc thầy luôn vui vẻ và mạnh khỏe. Thầy còn nhớ con không? Con là “Thiên Lôi đời đầu” của thầy, khóa 1990-1992 đây”.

Mặc dù đã về hưu nhưng thầy vẫn luôn tận tụy vì sự nghiệp giáo dục. Thầy vẫn đang tiếp tục trau dồi cho mình kiến thức ngoại ngữ như tiếng Nhật, tiếng Nga,... và nghiên cứu lịch sử địa phương cũng như lịch sử nước nhà. Mỗi buổi sáng thầy vẫn đều đặn đạp xe đến trường để xem có giúp gì được cho hoạt động, phong trào của trường hay không. Gần đây, thầy nhận lời mời của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành để ôn thi cho học sinh lớp 12 trong kỳ thi quốc gia sắp tới.

Thầy cho biết: “Năm nay đổi mới cách thức thi cử, vì vậy thầy lại phải tiếp tục nghiên cứu để ôn cho các em thật tốt.”

Có một lần tổ Văn ra đề kiểm tra cho học sinh: “Hãy viết về người thầy người cô mà em yêu quý nhất”. Số lượng bài viết về thầy là vô cùng nhiều, chính vì vậy tổ Văn đã tổng hợp lại, gửi tặng thầy để bày tỏ sự yêu quý của thầy cô và học sinh với thầy.

Hôm chia tay thầy, mọi người đều rơi nước mắt. Hơn 37 năm trong nghề, thầy đã tiếp sức không biết bao thế hệ, xoay chuyển vận mệnh nghèo khó của mình trở thành người thành đạt, hữu ích cho xã hội.

http://www.muctim.com.vn/content/-/view/Truong-lop/Day-hoc-bang-nhung-vo-kich;jsessionid=39F75F35C1C675567ABD79CA8EA3A211.node1?article=91449#.VKJWfF4gys

Theo Ngọc Tuyết/Báo Mực Tím

Bạn có thể quan tâm