Theo Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện dạy học tích hợp theo 3 định hướng tích hợp nội môn (các mảng kiến thức khác nhau trong cùng một môn học), tích hợp liên môn (kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau) và tích hợp xuyên môn (tích hợp một số chủ đề quan trọng vào nội dung chương trình nhiều môn học).
Học sao với một môn ba thầy?
Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Jean Piaget Hà Nội, cho rằng tích hợp đối với tiểu học tương đối đơn giản vì các giáo viên được đào tạo để dạy liên môn. Tuy nhiên, bậc THCS và THPT không dễ dàng. "Rất nhiều đồng nghiệp của tôi quan tâm việc xây dựng các môn học tích hợp như thế nào" - bà Yến nói.
Một giờ học ở phòng máy của học sinh TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động. |
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT, cho biết ở bậc THCS, chương trình môn khoa học tự nhiên được thiết kế thành 4 mạch chủ đề chung: Chất và sự biến đổi của chất; vật sống; năng lượng; sự biến đổi, trái đất và bầu trời.
Mỗi chủ đề vận dụng kiến thức của một ngành khoa học, tạo điều kiện cho giáo viên vốn được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm có thể thực hiện chương trình.
Bên cạnh đó, chương trình còn có một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như biến đổi khí hậu, giáo dục sức khỏe, giáo dục STEM, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...
Chương trình môn lịch sử và địa lý gồm 2 phân môn lịch sử, địa lý. Nội dung của mỗi phân môn vừa bảo đảm tính độc lập tương đối vừa góp phần hỗ trợ nhau. Cụ thể, môn lịch sử và địa lý sẽ có hai mạch riêng nhưng ở các lớp 7, 8, 9 có chủ đề chung 6-10 tiết.
Theo ông Thành, chương trình tích hợp cũng tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như các cuộc đại phát kiến địa lý, đô thị - lịch sử và hiện tại, văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông.
Ông Thành cho rằng với phương thức và mức độ tích hợp của chương trình các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý ở cấp THCS, các tổ chuyên môn sẽ phân công giáo viên dạy mạch chủ đề phù hợp với chuyên môn của mình trên cơ sở bảo đảm sự phối hợp giữa các giáo viên trong việc dạy học và đánh giá kết quả học sinh.
Giáo viên các môn độc lập hiện nay sẽ vẫn dạy các phần độc lập, còn chủ đề chung do nhóm/tổ giáo viên cùng thiết kế. Chủ đề nghiêng về môn nào thì do giáo viên môn đó dạy, các giáo viên khác hỗ trợ.
Xa lạ với giáo viên
Thế nhưng, không phải đơn giản để có thể triển khai dạy học tích hợp trong nhà trường, khi giáo viên vẫn còn hoàn toàn xa lạ với phương pháp và cách bố trí, tổ chức dạy học. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, thừa nhận đây là những nội dung cần chú trọng đặc biệt khi tập huấn đối với các giáo viên.
Theo yêu cầu mà ông Vũ Xuân Thành đưa ra, ở mỗi bài học, giáo viên phải biết tổ chức tốt các hoạt động học cho học sinh thông qua việc giao nhiệm vụ cho học sinh; đồng thời phải theo dõi, hướng dẫn học sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tổ chức cho học sinh báo cáo, thảo luận; nhận xét, đánh giá, tổng kết kiến thức, kỹ năng để học sinh ghi nhận và sử dụng.
Trong quá trình dạy học tích cực, vị trí tương tác giữa giáo viên - học sinh - sách giáo khoa/tài liệu tạo thành hình tam giác, trong đó giáo viên hướng dẫn học sinh tương tác với sách giáo khoa/tài liệu.
Ở chương trình mới, thay vì giao bài tập từ kiến thức đã học, giáo viên cần giao bài tập cho học sinh ở bài sắp học và sẽ hướng dẫn học sinh cách giải quyết để có câu trả lời.
Với những yêu cầu này, theo ông Nguyễn Xuân Thành, mục tiêu tập huấn giáo viên tới đây sẽ phải điều chỉnh để tương quan giữa thầy - trò - sách/tài liệu. Tuy nhiên, trên thực tế, đó là điều không hề dễ dàng với các giáo viên, vốn đã quen nếp dạy kiểu đọc - chép xưa nay.
Bồi dưỡng cho giáo viên đơn môn
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết để triển khai chương trình mới, các trường sư phạm đã có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo giáo viên dạy học các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý và chương trình bồi dưỡng giáo viên đơn môn để dạy các môn học này.