Nằm sâu trong hẻm 148 Nguyễn Văn Cừ, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng là căn nhà cấp 4 của cô Trần Thị Hoa. Năm nay 58 tuổi, với một nghị lực phi thường trên giường bệnh, cô đã dành cả tâm huyết nắn nót từng nét chữ, con số, dạy đánh vần từng tiếng a, b, c… cho những học trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn suốt 20 năm qua.
Tai nạn bất ngờ
Chúng tôi đến thăm cô Hoa vào một chiều cuối tuần. Nằm trên giường bệnh, cô vẫn thoăn thoắt đôi tay móc từng sợi len đan áo để kịp giao cho bạn hàng vào hôm sau. Gác lại công việc đan móc len, cô Hoa kể lại vụ tai nạn mà cô cho rằng sẽ ám ảnh mình đến suốt cuộc đời.
“Hôm đó, vào một buổi chiều cuối tuần tháng 6/1996, tôi nhớ như in có chừng 10 học sinh đến nhà chơi. Lúc này, ổi trong vườn đang chín rộ. Tôi cùng các em ra hái, tính ăn xong rồi sẽ chuẩn bị cho buổi sinh hoạt văn nghệ chào mừng ngày tựu trường năm mới. Nhưng không may, khi leo hái ổi, tôi trượt chân rơi xuống đất. Vụ tai nạn làm tôi gãy xương cột sống và liệt nửa người, nằm riết tới bây giờ”, cô Hoa buồn bã, kể.
Gần 20 năm qua, cô Hoa miệt mài dạy học trò trên giường bệnh. Ảnh: Người Lao Động. |
Trong căn nhà cấp 4, dưới ánh nắng gay gắt ở vùng đất cao nguyên hắt xuống mái tôn đầy oi bức, cô Hoa bồi hồi nhớ lại: “Là người con quê hương miền Trung, cũng chính vì cuộc sống khó khăn nên tôi đã theo gia đình rời Hà Tĩnh vào vùng đất Bảo Lộc xây dựng kinh tế mới từ những năm 1970 để mong có được cuộc sống ấm no hơn. Hồi đó, đất Lâm Đồng còn hoang vu, đồi núi trập trùng”.
Tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Đà Lạt (nay là Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt) ngành tiểu học, cô Hoa nhận nhiệm vụ truyền đạt kiến thức cho những học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Trường Tiểu học Lộc Nam - một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm Bảo Lộc hơn 20 cây số đường rừng.
Cô gắn bó với nơi đây gần 10 năm (1981-1991). Đến năm 1992, cô được luân chuyển về Trường Tiểu học Lộc Thanh, TP Bảo Lộc.
Về gần nhà, gần gia đình chưa được bao lâu, niềm vui chưa kịp vơi thì vào mùa hè 1996, tai nạn đáng tiếc ập đến với cô Hoa. Ngã từ trên cao xuống, cô bị gãy xương cột sống và liệt nửa thân người vĩnh viễn. Vậy là cô đành phải nuốt nước mắt rời xa trường lớp sau nhiều năm gắn bó.
“Hôm bác sĩ nói đôi chân không thể nào cứu chữa được, tôi buồn não ruột rồi khóc như chưa bao giờ được khóc. Với nhiều người, đó là quãng thời gian cay đắng, suy sụp hoàn toàn nhưng tôi lại tìm vận may trong sự không may mắn đó. Dù không đi lại được, không lên lớp được nhưng tôi vẫn có học trò”, cô Hoa tâm sự.
Cuộc sống muôn hình vạn trạng, mỗi người mỗi cảnh nhưng cô Hoa là một minh chứng cho nghị lực phi thường, vượt qua mặc cảm để vươn lên, bất chấp những điều không may mắn.
Ngoài giờ lên lớp, cô Hoa nhận đan móc len kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Người Lao Động. |
Bằng cả tấm lòng
Thời gian trôi qua thật mau, giờ đây, cô Hoa đã không còn mặc cảm và tự ti như trước nữa. Thế nhưng, khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu để viết về mình, cô liền ngại ngùng từ chối.
“Ngày qua ngày, tôi chủ yếu nằm liệt trên giường bệnh, cũng có khi ráng ngồi xe lăn di chuyển. Hoàn cảnh như vậy nên tôi chủ yếu kèm cặp con em những gia đình nghèo khó, dạy các cháu thiểu năng học từ lớp 1 đến lớp 8. Biết gì dạy đó, không có gì đặc biệt để nói đâu…”, cô phân trần.
Cô Hoa cho biết, chuyện bắt đầu từ việc ở xóm có một cô bé thiểu năng tên Nguyễn Bảo My, vì chưa có giấy khai sinh nên không được đến lớp. Sẵn niềm đam mê nghề nghiệp và tình cảm mến yêu học trò, cô không đành lòng nên đã nhận lời dạy My viết chữ, làm toán. Cũng từ nhân duyên đó mà lớp học đặc biệt “hai không” (không bảng đen, không phấn trắng) ngay trên giường bệnh của cô ra đời.
Ròng rã gần 20 năm nay, căn nhà nhỏ của cô Hoa đã trở thành mái trường của những học trò nghèo khó, thiểu năng. Mỗi em là một số phận đặc biệt, không may. Có em vì gia đình quá khó khăn, không đủ tiền trang trải nếu học ở các trường chính quy. Có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống với ông bà. Có nhiều em khiếm khuyết, gia đình không đủ điều kiện cho học các trường chuyên biệt…
Học trò của cô Hoa còn là những em khuyết tật, thiểu năng ở nhiều lứa tuổi khác nhau, học ở trường không tiếp thu được bài vở và không thể theo kịp bạn bè; là những học sinh bình thường đến nhờ kèm cặp thêm… Với em nào, cô Hoa cũng đón nhận bằng cả tấm lòng.
Các lớp học của cô Hoa hầu như miễn phí, không đặt nặng chuyện tiền bạc mà tùy lòng hảo tâm của phụ huynh. Mỗi tháng, các phụ huynh hỗ trợ cô khoảng 700.000 đồng, cộng với số tiền trợ cấp 480.000 đồng.
Thời gian rảnh rỗi, cô Hoa tranh thủ đan móc len, vừa kiếm thêm thu nhập, tránh nhàm chán vừa tìm niềm vui để quên đi nỗi buồn bệnh tật. “Quan trọng là tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi sống được như hôm nay là nhờ niềm vui, niềm động viên, an ủi rất ngây thơ của các học trò đấy” - cô bày tỏ.
Chưa thể nghỉ ngơi
Qua ngần ấy năm, cô Hoa vẫn nằm đó, trên chiếc giường bệnh cũ kỹ của mình. Thế hệ học trò đầu tiên của cô đã bắt đầu vào đại học. Nhiều người còn đạt danh hiệu học sinh giỏi trong các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Không ít người thành đạt, có công ăn việc làm ổn định.
Sức khỏe của cô Hoa ngày một yếu đi. “Nhiều lần tôi đã tính đến chuyện nghỉ ngơi nhưng bé Nguyễn Bảo My, cô học trò gắn bó với tôi gần 10 năm nay, nói như mếu: “Mẹ Hoa không dạy nữa thì con và những em nhỏ ở đây sẽ đi đâu?”. Vậy thì sao mà nghỉ được”, cô bộc bạch.
Cô Hoa cũng cảm thấy không an lòng nếu nghỉ dạy học, vì không thể bỏ dở việc đào luyện cho những học trò “cá biệt”. Chẳng hạn cậu bé Cao Khoa, 8 tuổi, sức học rất chậm. Để nhận biết được mặt chữ, làm vài bài toán đơn giản… với Khoa là chuyện hết sức khó khăn nhưng sau thời gian ngắn theo học cô Hoa, giờ cậu đã bắt đầu ghép được chữ, cộng trừ được 2 chữ số…
Như bà tiên trong chuyện cổ tích
Dưới “mái trường” của cô Trần Thị Hoa, 3 chị em Nguyễn Thị Thùy Trang từng theo học. Nhà Trang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ em đi bán vé số dạo khắp TP Bảo Lộc. Hiện nay, Trang đã là sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Ngoại thương TP HCM. Khi còn là học sinh Trường THPT Bảo Lộc, em đạt nhiều thành tích trong học tập, đoạt cả giải nhì cuộc thi tháng “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2014…
“Ba chị em của em và gia đình không bao giờ quên ơn cô giáo Hoa. Cô Hoa hiền lành như bà tiên trong câu chuyện cổ tích mà lúc nhỏ em thường nghe mẹ kể. Giờ đã trưởng thành, dẫu tụi em có đi đâu, làm gì đi nữa thì vẫn xem cô giáo Hoa như là người đặt viên gạch đầu tiên cho mình xây dựng ngôi nhà mơ ước” - Trang xúc động.
Ghi nhận thành tích và tấm lòng nhân ái của cô Trần Thị Hoa, năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao tặng cô bằng khen.