Đẩy nhanh quá trình tuyển dụng
Quá trình tuyển dụng trung bình diễn ra trong khoảng 3-8 tuần tùy công ty. Đây quả là thời gian dài với những người đang sốt ruột được đi làm. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể rút ngắn nó chỉ bằng vài mẹo nhỏ.
(Ảnh minh họa: Barrylayne) |
1. Cung cấp thông tin chi tiết và đầy đủ
- Hãy cung cấp tất cả những thông tin được yêu cầu.
- Nhanh nhạy trong quá trình phỏng vấn, tìm hiểu những câu hỏi khó và chuẩn bị trước.
- Có 3-5 người giới thiệu chuyên nghiệp luôn sẵn sàng để chứng thực nền tảng và kinh nghiệm của bạn.
- Bất cứ khi nào có thể, hãy thông báo cho sếp, đồng nghiệp hay cấp dưới hiện tại về khả năng làm việc cho công ty mới của bạn.
2. Nhớ rằng thái độ của bạn nói lên tất cả
- Luôn luôn thể hiện thái độ lạc quan, tràn đầy năng lượng trong mỗi cuộc phỏng vấn. Hãy nhận thức rằng chỉ biểu hiện một chút tiêu cực hay chán nản sẽ khiến nhà tuyển dụng có ấn tượng không tốt về bạn. Và tất nhiên, không công ty nào muốn tuyển một nhân viên thiếu sức sống và bi quan.
- Ngay cả khi kết thúc cuộc phỏng vấn, bạn cũng nên thể hiện rõ sự lạc quan và nhiệt tình. Đồng thời mạnh dạn hỏi nhà tuyển dụng về những bước tiếp theo: "Tôi rất hứng thú được học hỏi thêm về cơ hội tuyệt vời này. Vậy, tiếp theo tôi sẽ phải làm những gì?".
3. Nghiên cứu kĩ về công ty và chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn
Đây là bước quan trọng nhất trong quá trình xin việc vì việc thành công hay thất bại phụ thuộc vào sự chuẩn bị của bạn. Do đó, hãy chuẩn bị thật kĩ lưỡng và nhớ một số điều sau:
- Nắm rõ những thông tin và số liệu của công ty. Không có gì ấn tượng hơn với nhà tuyển dụng là chứng tỏ mình biết về công việc, sản phẩm, mục tiêu, con người, tầm nhìn, nhiệm vụ, mục tiêu… bên trong tổ chức.
- Phân biệt kĩ năng trả lời phỏng vấn và khả năng hoàn thành công việc là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau và bạn cần có cả hai để nhận được lời đề nghị công việc.
- Tập luyện thật nhuần nhuyễn phản ứng của bạn trước những câu hỏi và tình huống thường gặp trong cuộc phỏng vấn.
- Xem xét toàn diện website công ty và tìm đọc những bài báo viết về thành công, thất bại hay về nhà lãnh đạo của công ty.
- Viết ra các thắc mắc bạn muốn hỏi nhà tuyển dụng.
4. Tiếp tục một "cú bồi" sau cuộc phỏng vấn
- Hãy chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy bạn thực sự quan tâm tới công việc cũng như công ty. Ngay khi có thể, hãy gửi một bức thư tay hoặc email cá nhân để cám ơn những người đã phỏng vấn bạn.
- Tránh viết thư hoặc email một cách hời hợt, qua loa. Hãy dùng những từ ngữ đơn giản, súc tích để nói lên sự biết ơn chân thành của bạn.
- Cố gắng “cá nhân hoá” bản thân trong cả thư cám ơn, giúp bạn khác biệt và nổi bật hơn các ứng khác.
Theo Dân Trí