Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dạy sử theo cách mới, thầy sợ học sinh không đỗ tốt nghiệp

“Nhiều năm nay chúng tôi áp dụng các phương pháp dạy rất sinh động, đa dạng với các khối lớp 10 và 11, các em rất hứng thú học tập. Thế nhưng đến lớp 12 thì phải dừng hẳn".

Sáng 18/12, Viện Nghiên cứu Giáo dục đã tổ chức hội thảo khoa học bàn về vấn đề đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho học sinh THPT tại TP HCM. Trong đó, Lịch sử được xem là môn học cần phải thay đổi cách dạy và học để học sinh không chỉ học kiến thức mà còn rèn luyện đạo đức, nhận thức.

Lịch sử đang được coi là môn phụ

Nêu ý kiến tại hội thảo, Ths. Hồ Thanh Tâm, giảng viên khoa Sử - ĐH Sư phạm TPH CM - khẳng định, mặc dù chưa có một văn bản nào nêu rằng Lịch sử là môn phụ và sách giáo khoa là “pháp chế” cao nhất, nhưng với tình hình hiện nay thì từ phụ huynh, học sinh đến giáo viên đều mặc nhiên xem điều này là như vậy.

Ths. Hồ Thanh Tâm - giảng viên khoa Sử - ĐH Sư phạm TPHCM - khẳng định, học sinh, phụ huynh nghĩ về môn Lịch sử như một môn phụ.
Ths. Hồ Thanh Tâm - giảng viên khoa Sử - ĐH Sư phạm TP HCM - khẳng định, học sinh, phụ huynh nghĩ về môn Lịch sử như một môn phụ.

Dẫn chứng về điều này, ông Tâm cho biết, số tiết dạy môn Lịch sử hiện nay ở các bậc học chỉ giới hạn trong phạm vi 1 đến 2 tiết/tuần. Từ vị trí “trung bình” ở cấp THCS, môn Sử rơi xuống thấp nhất ở THPT, kém xa các môn Toán, Ngữ văn hay Ngoại ngữ khi mà các em phải dồn sức cho các kì thi lớn.

Trong khi đó, ở các khối thi đại học phổ biến trước đây, môn Sử chỉ tồn tại trong khối C. Phần lớn các học sinh chỉ học Lịch sử để đối phó với các kỳ thi. Và mới đây, việc Bộ cho phép học sinh tự chọn môn thi tốt nghiệp theo phương án mới đã khiến sợi dây cương cuối cùng này đã bị rũ bỏ. Vậy, tức là các em chỉ học tập trung các môn bắt buộc và lựa chọn 1, 2 môn khác.

Một mặt, xã hội đang hướng đến giáo dục toàn diện cho các học sinh thì nay chính chúng ta cũng đang đưa cho các em lựa chọn chỉ học chuyên một hướng. Kết quả là việc dạy và học môn Lịch sử không đáp ứng được mục tiêu giáo dục đề ra, chứ chưa kể là lồng ghép các ý nghĩa ý thức dân tộc và công dân.

Dạy phương pháp mới, sợ trò không đỗ

Ths. Dương Thị Trúc Bạch - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - chia sẻ, không phải giáo viên không biết cách dạy mới mà là không dám áp dụng, bởi dạy và học kiểu mới nhưng khung đánh giá không thay đổi thì học sinh sẽ ra sao?

Ths. Trúc Bạch cho biết, trong những năm công tác tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, rất nhiều bộ môn, trong đó môn học Lịch sử đã được nhà trường áp dụng các phương pháp thảo luận, học trên các phương tiện máy móc, thậm chí ngay cả việc học tích hợp cũng đã được triển khai. Thế nhưng riêng khối 12 thì không dám.

Nhiều ý khiến khác cũng đồng tình và khẳng định không phải thầy cô không biết cách dạy mới mà là không dám dạy. 

Học sinh học có thể hứng thú đó, sáng tạo đó nhưng trong các kì thi chung, đề thi vẫn chưa thay đổi thì liệu cách dạy đó có giúp các em vượt được “vũ môn” chăng? 

Và liệu phụ huynh và ngay cả học sinh có chấp nhận việc học một đường, thi một nẻo như vậy? Không ít trường hợp thầy cô dạy phương pháp mới nhưng vẫn phát đề cương và dặn “các em về học theo đó để thi”.

Thầy Nguyễn Tiến Vinh - giáo viên môn Sử tại THPT Trần Đại Nghĩa - cho rằng, việc nội dung trong sách giáo khoa đang quá nặng nề, dài và hàn lâm, đặc biệt là khối lớp 12 cũng khiến cho người dạy vất vả. 

Các em học sinh lớp 12 với nhiều những áp lực thi cử, nay lại càng thêm nản trước khối lượng kiến thức mênh mông. Nhiều em có ý nghĩ bỏ mặc, học đối phó, đủ điểm qua.

Vì vậy, để thay đổi thái độ của người học thì phải xác định lại vị trí của môn Lịch sử. Trong sự thay đổi sắp đến, phải chú trọng giảm tải nội dung, có giáo trình hợp lý, khung giảng dạy và khung đánh giá phải đồng nhất. Từ đó, giáo viên mới dám áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, tạo cách tiếp cận mới cho học sinh.

GS Phan Huy Lê: 'Môn Lịch sử đang sa sút đến vô bổ'

GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, sách giáo khoa Lịch sử có nội dung chung chung “ta thắng, địch thua”, khiến học sinh chán là điều đương nhiên.

http://laodong.com.vn/giao-duc/day-su-theo-phuong-phap-moi-thay-so-hoc-sinh-khong-do-tot-nghiep-407762.bld

Theo Thùy Trang/Báo Lao động

Bạn có thể quan tâm