Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẽ giao quyền cho Sở GD&ĐT chọn cụm thi THPT quốc gia

Số lượng và địa điểm các cụm thi THPT quốc gia 2016 dự kiến vẫn như cũ. Bộ GD&ĐT sẽ giao quyền cho các Sở GD&ĐT chọn cụm thi cho thí sinh.

Hội nghị trực tuyến về rút kinh nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2015 và tổ chức kỳ thi năm 2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 16/12 tại 6 điểm cầu (Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP HCM).

Đại diện một số Sở GD&ĐT đã đóng góp nhiều ý kiến về thời gian tổ chức, đề thi, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan...

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.

Nên tổ chức thi sớm hơn

Tại hội nghị, nhiều người đề xuất Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016 sớm hơn vì liên quan lịch thi vào lớp 10 của một số địa phương. Riêng đại diện của TP HCM nêu quan điểm thi vào đầu hoặc giữa tháng 8, vì như năm 2015, giáo viên THPT bị rút ngắn thời gian nghỉ hè.

Nói về số môn thi, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho rằng, trước đây quy định 4 môn thi tốt nghiệp THPT (trong đó Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ bắt buộc, một môn tự chọn) để các em không học lệch. "Nhưng thi 4 môn chắc gì học sinh đã không học lệch nên tôi đề nghị chỉ thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (hoặc môn thay thế) để xét tốt nghiệp", người này nói.

Ông cũng cho rằng, việc tính điểm học lớp 12 vào xét tốt nghiệp sẽ không sợ các em học lệch nữa. Như vậy, cụm thi địa phương xét tốt nghiệp sẽ rất gọn nhẹ. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT nên quy định chấm thi theo thang điểm 20, vì năm 2015 thang điểm 10 khó xét vào đại học.

Trước đề xuất của Sở GD&ĐT Bắc Ninh thi tốt nghiệp 3 môn trong 2 ngày là xong, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, vấn đề này không mới, nhưng tính tự chọn môn thi của học sinh bị hạn chế.

Phổ điểm đẹp nhưng khó tuyển sinh

Về đề thi, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc sở GD&ĐT Thanh Hóa đề xuất, cần có sự phân hóa rõ hơn. “Năm 2015, phổ điểm rất đẹp nhưng lại khó cho thí sinh và các trường đại học trong tuyển sinh”, bà Hằng nói thêm và đề nghị đề thi Ngoại ngữ nên bỏ phần tự luận.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, đề thi “2 trong 1” nên phân loại rõ hai đối tượng dự thi. Nếu cứ chấm chung cả hai phần như vừa qua thì những em học lực trung bình bị thiệt, vì không thể làm được 40% kiến thức nâng cao.

“Tôi cũng đề nghị đề mở thế nào cũng phải bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng để đảm bảo việc dạy gì thi đó, vì quyền lợi của học sinh”, bà Giang phát biểu.

Tăng cường phân quyền cho các Sở

Nhiều ý kiến tại hội nghị đồng ý việc tổ chức hai cụm thi như năm 2015. Tuy nhiên, bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc sở GD&ĐT Cần Thơ đề nghị thêm, Bộ GD&ĐT tổ chức cụm thi địa phương phù hợp đặc thù địa bàn đồng bằng Sông Cửu Long (ngoài 6 cụm thi như năm ngoái, cần tăng thêm 1 cụm tại Kiên Giang).

Mặt khác, bà Thắm cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT thống nhất vấn đề địa bàn giáp danh các cụm thi để thí sinh di chuyển thuận tiện. “Xin phép Bộ cho các địa bàn giáp danh đảm bảo một cụm có từ hai tỉnh trở lên”, nữ Giám đốc Sở nêu ý kiến.

Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, việc tổ chức thi liên tỉnh nên xác định lại địa điểm, có thể linh hoạt từ 2 tỉnh trở lên và đặt tại trung tâm của hai tỉnh. Như vậy, cơ sở vật chất cũng tốt hơn và thuận lợi cho học sinh. Các địa phương nhỏ, 2-3 tỉnh về một nơi sẽ phải kéo dài điểm thi đến tận các huyện, sẽ rất khó khăn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho rằng, ở địa phương thuận lợi nên để 1 cụm thi do các trường đại học chủ trì; chỉ tổ chức 2 cụm thi tại nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện cho thí sinh đi lại.

Đề cập cơ chế phối hợp, ông Nguyễn Thanh Hiệp – Phó giám đốc Sở Long An ý kiến, hiện quy chế thi có phần kết hợp của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng với thi tốt nghiệp THPT trước đó nên có khó khăn trong thực hiện. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT nên tăng cường phân quyền cho các Sở trong quá trình tổ chức kỳ thi.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện phương án tổ chức một kỳ thi THPT 2016 trong thời gian tới.

Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2016 diễn ra 3 ngày, thay vì 4 ngày như năm 2015. Trong đó, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Vật lý, mỗi môn thi một buổi. Mỗi cặp môn  Sinh - Lịch sử và Hóa học – Địa lý thi trong một buổi và bắt đầu cùng giờ. Thí sinh được chọn một trong mỗi cặp môn Sinh học hoặc Lịch sử, Hóa học hoặc Địa lý.

Bộ GD&ĐT đánh giá, theo lịch thi này, ngày thi thứ ba tổ chức cặp môn cùng giờ nên sẽ ảnh hưởng một số lượng thí sinh có nguyện vọng thi cả hai môn thi.

Tổ chức thi THPT quốc gia phải lắng nghe ý kiến nhân dân

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, Bộ GD&ĐT phải hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, để có đánh giá tổng thể những mặt tích cực và hạn chế gắn với biện pháp khắc phục.

Phan Lê

Bạn có thể quan tâm