Cô Antonia Cheng, giáo viên tiếng Anh nổi tiếng của hệ thống gia sư lớn nhất Hồng Kông Modern Education, nhận xét: “Đứng về góc độ tiếp thị, mọi công ty đều muốn sản phẩm của mình được gói trong bao bì đẹp nhất. Nghề gia sư cũng vậy. Tôi nghĩ đơn giản đó là nguyên tắc kinh doanh”.
Ảnh quảng cáo trên trang web của hệ thống gia sư Modern Education . (Ảnh TNT) |
Nhiều ngôi sao gia sư nổi tiếng có video âm nhạc riêng, mở những trang Facebook dành cho người hâm mộ. Theo nguồn tin địa phương, không hiếm gia sư có thu nhập hằng năm lên đến 10 triệu HKD (27,2 tỉ đồng).
Ngoài học thêm với gia sư dạy kèm, học sinh Hồng Kông cũng có thể đến các khóa học thêm đại trà với chi phí thấp.
Dù có những lo ngại về chất lượng nhưng giá trị dịch vụ dạy thêm ở bậc trung học Hồng Kông lên đến gần 2 tỉ HKD, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Synovate hồi năm 2011.
Modern Education xếp đầu bảng với doanh thu lên đến 32 triệu HKD trong năm tài chính 2012, với 600.000 học sinh theo học trong số tất cả 14 môn học được giảng dạy.
Theo TS Mark Bray, Giám đốc Trung tâm Giáo dục So sánh tại ĐH Hồng Kông, có đến khoảng 3/4 học sinh năm cuối bậc trung học học thêm. Ông Bray nhận định: “Điều xảy ra tại Hồng Kông được ví như những chiếc bánh hamburger. Chúng ta có nền công nghiệp sản xuất ra những phẩm rẻ tiền”.
Nghị sĩ Ip Kin yuen cho rằng các trung tâm dạy thêm lợi dụng sự căng thẳng của phụ huynh và học sinh trước nền giáo dục nặng về thi cử. Ông nói: “Các chiến dịch tiếp thị và khuyến mãi của những trung tâm dạy thêm giống như cuộc chiến tâm lý. Họ thành công nhờ đánh vào tâm trạng âu lo của học sinh và phụ huynh. Tôi tin rằng phần lớn học sinh không cần phải học thêm”.
Tuy nhiên, nhiều người nhìn nhận thực tế rằng sự cạnh tranh quá gay gắt trong tuyển sinh đại học thúc đẩy hiện tượng học thêm. Hệ thống các trường đại học công ở Hồng Kông chỉ có chỗ cho khoảng 18% học sinh tốt nghiệp phổ thông.