Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dạy con trẻ sự bao dung

Khi con trẻ trong nhà không hòa hiếu được với nhau, chúng sẽ không bao dung với người khác.

Truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên là khởi nguyên của một nền triết Việt cổ. Khi giải thích thế giới quan về nguồn gốc người Việt nguyên khai, truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên cũng đồng thời nêu bật mối quan hệ, định hướng mối quan hệ giữa người với người - nhân sinh quan - như một thể thống nhất trong tổng hòa các mối quan hệ phức tạp.

Giá trị lòng "bác ái", sự "tương trợ lẫn nhau" trong những câu ca dao "Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng" là một huấn thị của các bậc tiền nhân trong việc dạy dỗ con cái, giáo dục đức dục cho các thế hệ.

Nhưng trước đó chính là sự "hòa hiếu", là "tinh thần hòa hiếu" và vì vậy nó không thuộc "trái tim" mà thuộc cái đầu, là lý trí, tức "luật buộc". Nói cách khác, hạt giống Con Rồng Cháu Tiên đã nảy sinh "cây mầm" hòa hiếu trên đất Việt, cây mầm hòa hiếu ấy đã sinh trưởng trong những hoàn cảnh đặc biệt để mang lại cho đời những trái ngọt.

Nói một cách dân dã hơn, ông bà ta đã dùng thành ngữ "khôn nhà dại chợ" để dạy dỗ rằng: Có giỏi thì đi ra ngoài đường mà hơn thua với người ngoài, anh chị em trong nhà hà cớ gì kiếm chuyện gây gổ nhau!

day tre su bao dung anh 1
Dạy con trẻ sự bao dung. Ảnh: Người Lao Động.

Người viết bài này có hai đứa con - một trai, một gái. Anh thì khôn ngoan, lanh lợi nhưng ít khi nói nhiều trong nhà, nhất là tranh cãi với em. Nó được dạy từ nhỏ rằng "làm anh khó lắm", phải biết nhường nhịn em cho gia đình êm ấm và nhường em là yêu thương.

Dĩ nhiên, em gái sai là anh la rầy, thay cha mẹ dạy dỗ như một bổn phận. Đứa em gái cũng được dạy như vậy, rằng làm em không được hỗn hào với anh và nhất là phải biết nhường anh, song tính tình long chong hơn, hay nói, hay chuyện.

Lên bàn ăn, đồ ăn ngon dù được phân chia phần ai nấy ăn nhưng cô em cứ thi thoảng hỏi vặn cha mẹ: Anh lớn hơn con nên phải ăn nhiều hơn, đó là lẽ công bằng mà cha mẹ đã dạy. Vậy sao anh hai làm anh mà cứ phải nhường lại con? Vậy ai nhường ai? Ai ăn nhiều hơn ai?

Trong những trường hợp như vậy, chúng luôn nhận được câu trả lời rằng: Đó là cách cha mẹ dạy cho các con phải biết nhường nhịn lẫn nhau và anh em chúng con tự biết cần phải làm gì trong những lúc như vậy, đó là sự chia sẻ và giữ hòa hiếu. Nếu các con không hòa hiếu được với nhau, sẽ không hòa hiếu được với người khác!

Không khó để dẫn chứng rất nhiều câu chuyện liên quan đến ông bà, cha mẹ dạy dỗ con cháu về tình thương, sự nhẫn nhục, nhường nhịn nhau giữa các thành viên trong gia đình, vợ chồng, con cái, anh chị em, cô dì, chú bác…

Nếu cho rằng tính hiếu hòa "định dạng" nên mối quan hệ tương thân tương ái giữa người Việt với nhau thì ngược lại, cũng chính tình yêu thương kết nối, ràng buộc tính hiếu hòa.

Chẳng phải tự nhiên mà tổ tiên dạy: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" (trước trách mình, sau trách người). Đứng trước một lỗi lầm, thiếu sót nào xảy ra với mình hay giữa mình với tha nhân, ông cha luôn dạy phải biết tự suy, tự tìm ra cội nguồn lỗi lầm xuất phát từ đâu? Trách nhiệm của ta tới đâu trong sự sai lỗi đó? Cốt lõi của những lời dạy đó, chính là sự hòa hiếu, trong hòa có hiếu, trong hiếu có hòa, trong hòa hiếu có nhẫn, có khoan (dung) và có độ (lượng), hòa hiếu là nhân tâm, hòa hiếu cũng là lý trí, nó dẫn đến sự thành công hơn là thất bại.

Có thể nói, tinh thần hòa hiếu của người Việt là một điểm son về văn hóa. Văn hóa tạo nên tính cách con người Việt Nam. Nó nảy mầm, bén rễ và cắm sâu trong lòng dân tộc, trải qua đời nọ đến đời kia, đã trở thành một thuộc tính của dân tộc, của từng cá thể trong cộng đồng, trong gia đình qua sự dạy dỗ, đào luyện liên tục và kế thừa.

Họ ít nói với nhau bằng những lời độc địa, cay nghiệt. Hòa hiếu hình thành và lớn lên trong mỗi gia đình, nó cũng lớn lên và trưởng thành trong cộng đồng, trong quan hệ tình làng nghĩa xóm. Nó làm nên một xã hội hòa hiếu, một dân tộc thân thiện, bao dung…

Bài học dạy con nhìn từ hành trình lịch sử của U23 Việt Nam

Cách con chơi quan trọng hơn kết quả. Cách con sống quan trọng hơn những tài sản thu vén được. Cứ chơi đẹp, sống tốt thì thắng thua được mất thế nào cũng có người nể trọng.


https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/day-con-tre-su-bao-dung-2018020811250631.htm

Theo Xuân Thái / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm