Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề án ngoại ngữ quốc gia: 'Nguy cơ thất bại được báo trước'

Theo ông Nguyễn Tuấn Hải - nhà sáng lập Eton Grammar School - ngay từ khi mới xuất hiện, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã cho thấy nhiều hạn chế với mục tiêu xa rời thực tế.

Không phải đến bây giờ hồi chuông cảnh tỉnh và cả chỉ trích đối với Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 mới được nêu ra. Ngay từ khi mới xuất hiện, đề án này đã cho thấy rất nhiều hạn chế. Câu hỏi đặt ra là vì sao nó vẫn được tiến hành cho tới hiện nay.

Tôi xin không đề cập thực trạng trình độ Anh ngữ của học sinh Việt Nam nữa vì ai cũng hiểu nó tệ như thế nào. Trong bài báo này, tôi muốn phân tích từ góc độ chuyên môn và chính sách giáo dục quốc gia.

Khía cạnh đầu tiên của một đề án là mục tiêu. Chúng ta cần xác định tiếng Anh có vai trò như thế nào trong hệ thống giáo dục quốc gia?

> Chủ đề: Đề án ngoại ngữ quốc gia 9.400 tỷ không đạt mục tiêu

Có 2 vấn đề trong nội dung này: Tiếng Anh như môn học thực sự quan trọng. Tiếng Anh là công cụ để học tập các môn học khác (medium of instruction). Đây chính là cách tiếp cận của việc biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam.

Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã không được tiếp cận theo đúng cách và phương hướng như vậy. Việc nó thất bại là tất nhiên và không phải bị chệch hướng. Đề án đã bị sai hướng đi ngay từ ban đầu.

Thế nào là việc dạy tiếng Anh như một môn quan trọng? Tiếng Anh cần được dạy như một ngôn ngữ (tiếng Việt) trong trường phổ thông, chứ không phải chỉ tập trung ngữ pháp "chết bất động" trên trang giấy với vô số bài tập và kiểm tra.

De an ngoai ngu quoc gia anh 1
Ông Nguyễn Tuấn Hải cho rằng Đề án ngoại ngữ quốc gia bao năm nay vẫn chỉ tập trung đào tạo tiếng Anh "chết": Không có kỹ năng thực hành, chỉ thi viết về từ vựng, ngữ pháp và đọc hiểu; những thứ đơn thuần là giải bài tập. Nguy cơ thất bại của đề án là được dự báo trước. Đồ họa: Phượng Nguyễn.  

 

Chúng ta càng không thể lấy những bài do người Việt viết bằng tiếng Anh (về các nội dung liên quan Việt Nam) đưa vào sách giáo khoa làm tài liệu giảng dạy Anh ngữ cho học sinh. Thực tế hiện nay, thầy cô dạy tiếng Anh bằng tiếng Việt.

Với cách làm này, học sinh không bao giờ được tiếp cận cái gọi là tư duy ngôn ngữ gốc, hay nói đơn giản là cách diễn đạt của người bản ngữ qua cách nghĩ và nền văn hóa của họ.

Các quốc gia châu Âu đã làm rất tốt việc này. Tại châu Á, Singapore, Thái Lan và Phillipines cũng làm rất tốt. Họ nói và sử dụng tiếng Anh tự nhiên. Ở cấp độ thấp hơn một chút, Indonesia và Malaysia cũng làm khá tốt nhờ đi đúng hướng ngay từ đầu.

Còn góc độ tiếng Anh là công cụ để học tập các môn học khác thì sao?

Đây là vấn đề mới hoàn toàn mà tôi thấy phải thực sự mạnh dạn đưa ra vào lúc này trước khi nó lỡ nhịp thời đại. Ngành giáo dục nên cho học sinh phổ thông học một số môn sau bằng tiếng Anh ngay từ nhỏ bằng các nguồn sách của phương Tây viết cho học sinh của chính các nước bản ngữ và các nước nói tiếng Anh.

Đó là Khoa học thường thức (Science), các em có thể học cho tới hết lớp 6 và phân nhánh riêng thành Lý, Hóa, Sinh sau đó; Stem; Xã hội học nói chung (Social Studies) cho tới hết lớp 6 và phân nhánh riêng thành Địa lý, Lịch sử hoặc liên môn.

Đây là bước đi khó và táo bạo nhưng nếu dám làm và làm được, việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam sẽ sớm thành hiện thực sau khoảng 15 - 20 năm nữa.

Khía cạnh chuyên môn thứ hai tôi muốn phân tích là từ góc độ con người thực hiện. Giả sử định hướng ban đầu chưa chuẩn, người thực hiện biết cách xử lý và khắc phục sai sót thì đôi khi vấn đề sẽ không quá tệ.

Ông Nguyễn Tuấn Hải là người sáng lập trường Eton Grammar School.

Ông từng học tại Đại học Princeton, Mỹ và có 20 năm gắn bó với hoạt động giáo dục, đặc biệt là lĩnh vực tư vấn du học.

Tôi muốn nói tới đội ngũ giáo viên tiếng Anh với trình độ còn thấp - một điều không thể chối cãi và cũng không cần bàn cãi gì thêm.

Khi không thể và chưa thể chuẩn bị được đội ngũ giáo viên người Việt giỏi tiếng Anh, chúng ta đừng tiêu tiền của dân vào những đề án mà nguy cơ thất bại có thể được báo trước.

Để làm một cuộc cải cách lớn trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh cho học sinh phổ thông, tôi ước tính 2 con số: Cần khoảng 50.000 giáo viên mới giỏi tiếng Anh thật sự, trẻ và có phát âm tốt. Đội ngũ này được chuẩn bị trong khoảng 5 năm và phân bố trên toàn quốc. Sau đó, số lượng giáo viên chuẩn tiếp tục được nhân lên theo thời gian.

Cùng với đội ngũ thầy cô dạy tiếng Anh mới, chúng ta cần tạo lập mạng lưới giáo viên quốc tế có sự quản lý và phân bổ từ cấp quốc gia. Chỉ có một tổ chức giữ vai trò đại diện cho Nhà nước mới làm được việc này. Đây là bài toán không khó với một cơ quan có thẩm quyền như Bộ GD&ĐT.

Khía cạnh thứ ba là vấn đề công nghệ giáo dục (Edtech) trong thời đại IOT như hiện nay. Đây có thể xem là một khiếm khuyết nghiêm trọng về mặt chính sách trong một đề án ngoại ngữ tầm quốc gia.

Đề án rất cần một bản kế hoạch chi tiết cho việc sử dụng Internet vào việc phổ cập Anh ngữ để xóa bỏ các rào cản và khó khăn về địa lý trong lĩnh vực này. Đó chính là cách làm tiết kiệm tiền nhất hiện nay, đồng thời tạo ra được sự công bằng trong giáo dục. Học sinh ở các tỉnh, vùng địa lý khó khăn vẫn có thể tiếp cận được tiếng Anh thông qua sự hỗ trợ tận lực và tận tâm của các cơ quan giáo dục.

Không nghi ngờ gì nữa, phổ cập tiếng Anh để nó trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam không chỉ giúp tiếp cận tri thức thời đại nhanh chóng, mà còn thúc đẩy được sự thịnh vượng về kinh tế.

Bạn hãy cứ tưởng tượng viễn cảnh mọi công dân trong cộng đồng kinh tế ASEAN đều có quyền làm việc tại các nước thành viên của nhau, học trò của chúng ta sẽ làm công việc gì khi năng lực Anh ngữ của các em vẫn tệ hại như hiện nay?

Đó không phải chuyện đùa nữa, thưa các nhà làm Đề án ngoại ngữ quốc gia của Bộ GD&ĐT.

Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 là gì? Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 tập trung nâng cao trình độ năng lực ngoại ngữ cho người dân, biến nó thành thế mạnh của nước ta.

* Bài 6: Dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông: Quá nhiều bất cập, yếu kém

 

Đề án ngoại ngữ quốc gia đào tạo tiếng Anh 'chết'

Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 vẫn tập trung đào tạo tiếng Anh "chết", không có kỹ năng thực hành. Học sinh chỉ thi viết về từ vựng, ngữ pháp và đọc hiểu.


Nguyễn Tuấn Hải

Nhà sáng lập Eton Grammar School

Bạn có thể quan tâm