Nhân vật tỷ phú Lukas Matsson thường xuyên đi dép tông hoặc chân trần trong phim truyền hình Succession. Ảnh: HBO. |
Succession được xem là bộ phim tạo ra trào lưu “quiet luxury” hay “stealth wealth” (tạm dịch: “sang trọng thầm lặng”) trong thời trang. Toàn bộ nhân vật đều diện trang phục không logo, nhãn mác, được làm từ chất liệu cao cấp, đắt đỏ.
Là cố vấn thời trang cho Succession, nhà thiết kế Michelle Matland góp phần tạo nên một xu hướng mới, thịnh hành trên toàn thế giới. Áo len, mũ lưỡi trai, đồng hồ và kính mắt được sử dụng trong phim luôn thu hút sự chú ý của giới mộ điệu.
Theo Matland, váy áo được diện bởi dàn nhân vật phản ánh lối ăn mặc của các tỷ phú ngoài đời thực. Sở hữu khối tài sản lớn, song họ hiếm khi khoa trương. Những tỷ phú này có thể mặc đồ cũ và sẵn sàng để chân trần, khẳng định quyền tự do ăn mặc, sự phá cách trong thời trang.
Lukas Matsson thường xuyên đi dép tông, mặc áo phông đơn giản, ưa chuộng phong cách gorpcore. Ảnh: HBO. |
Không bớt quyền lực khi đi chân trần
Trong Succession, tỷ phú công nghệ Lukas Matsson tạo ra một cảnh phim ấn tượng khi không xỏ giày, đi chân trần từ phi cơ riêng sang máy bay của kẻ thù. Khoảnh khắc này khiến khán giả thích thú, nhận về số lượng lớn lượt chia sẻ.
Theo nhà thiết kế trang phục của bộ phim, Matsson là một doanh nhân tự do, phóng khoáng, yêu thích phong cách gorpcore (thời trang thực dụng). Vì thế, tỷ phú này hiếm khi đóng bộ, đi giày tây mà thường xuất hiện trong trang phục thể thao thoải mái, mặc áo phông, thậm chí để chân trần.
Chia sẻ với The New York Times, Michelle Matland cho biết cô bắt đầu xây dựng outfit cho nhân vật trong phim bằng cách lựa chọn giày dép. Sau đó, Matland mới tìm kiếm quần áo, váy vóc và phụ kiện phù hợp.
“Ngay cả đôi chân không của Lukas Matsson cũng là một loại trang phục. Khán giả không thể rời mắt khỏi bàn chân trần của anh ấy”, nhà tạo mẫu này chia sẻ.
Khán giả thích thú, không thể rời mắt khỏi khoảnh khắc tỷ phú công nghệ đi chân không trong phim Succession. Ảnh: HBO. |
Không chỉ chạm đất bằng đôi chân không, tỷ phú này thường xuyên sử dụng dép tông trong khi đối tác, khách hàng, đối thủ của anh xỏ chân vào những đôi giày da đắt đỏ. Đối với nhà thiết kế Michelle Matland, “power dressing” (tạm dịch: “ăn mặc để thể hiện quyền lực”) được áp dụng với cả áo ba lỗ, giày thể thao.
Dù không “đóng bộ”, nhân vật trong Succession vẫn thể hiện được sự giàu có, vương giả qua thần thái và các thương vụ tiền tỷ.
Nan Pierces diện trang phục đơn giản, cũ kĩ nhưng đắt đỏ, đại diện cho phong cách sang trọng thầm lặng. Ảnh: HBO. |
Giá trị nằm ở mức độ cũ
Với Succession, nhà thiết kế Michelle Matland thành công khắc họa bức tranh tương phản giữa những doanh nhân mới nổi và nhóm đối tượng giàu có từ nhiều đời.
Đối với tỷ phú mới giàu như Kendall, chiếc bomber da của Tom Ford, bộ vest trị giá 11.000 USD hay đồng hồ đính kim cương sáng bóng thể hiện quyền lực, địa vị.
Trong khi đó, gia tộc Roy lại lăng xê phong cách quiet luxury với trang phục không logo, được làm từ chất liệu cao cấp. Tuy nhiên, sự sang trọng thầm lặng được thể hiện rõ nhất ở nhân vật Nan Pierces do diễn viên Cherry Jones thủ vai.
Đứng đầu tập đoàn truyền thông cạnh tranh với Waystar Royco của gia đình Roy, Nan đại diện cho nhóm đối tượng sống trong nhung lụa qua nhiều thế hệ.
Theo Matland, các xu hướng, trào lưu thời trang đều không thể ảnh hưởng đến Nan Pierces. Sự đơn giản và cổ điển là ưu tiên trong tủ đồ của Nan.
“Bà đã bước vào cửa hàng Cartier, tậu một chiếc đồng hồ vào năm 1980 và tiếp tục sử dụng món phụ kiện trị giá 10.000 USD đó đến bây giờ”, nhà tạo mẫu Michelle Matland mô tả về hình tượng nhân vật mà cô dày công xây dựng.
Nan Pierces cũng sở hữu một số viên kim cương Tiffany và nhiều đôi bông tai ngọc lục bảo khác. Đối với nhân vật này, độ bền và tính cổ điển làm nên giá trị của một món đồ thời trang.
Nhân vật Nan Pierces gây ấn tượng với phong cách thời trang cổ điển, đơn giản trong phim. Ảnh: HBO. |
Xuất hiện trong Succession, Nan diện những bộ đồ thể hiện đúng phong cách “giàu ngầm”. Cụ thể, bà khoác một chiếc áo len cashmere không họa tiết trị giá 3.000 USD trên cổ và tháo ra, mặc vào người nếu cảm thấy lạnh.
Nữ tỷ phú này cũng diện một chiếc sơ mi kẻ sọc, khăn quàng cổ cùng tông màu và quần tây của nhà mốt Lafayette 148 NY. Áo sơ mi và quần trắng cổ điển, có sức sống vượt thời gian đều sở hữu mức giá 1.500 USD.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.