Giữa lịch trình công việc và giao tiếp xã hội dày đặc, Rita Balogun, diễn viên, nhà sáng tạo nội dung vẫn luôn dành ra thời gian định kỳ để giải tỏa cảm xúc bằng việc khóc, theo New York Post.
Khi cảm thấy muốn khóc, cô sẽ bật những chương trình có thể khiến mình rơi nước mắt và để cho cảm xúc được tuôn trào.
Balogun cho biết: “Tôi sẽ xem lại lịch, nếu không bận gì vào ngày hôm đó, tôi sẽ để cho bản thân mình được thả lỏng. Nhờ vậy mà tôi mới có thể không bị ảnh hưởng và suy nghĩ rõ ràng trở lại”.
Nhiều người dành thời gian cho việc khóc như một cách để tự phục hồi tâm lý. Ảnh: Andrea Piacquadio/Pexels. |
Lên lịch rơi lệ
Việc khóc dường như đã trở thành một “xu hướng” đối với những người trẻ tuổi.
Vào tháng 7, Balogun đăng một video lên nền tảng TikTok nói về việc lịch khóc của mình và nhận về hàng chục nghìn lượt xem. Hashtag #AlwaysBeCrying có 4,1 triệu lượt xem trên nền tảng này, thậm chí chỉ riêng từ khóa #Crying đã đạt hơn 12 tỷ lượt xem.
Chưa dừng lại ở đó, phong cách trang điểm “sad girl chic”, tạo hình để trông như vừa mới khóc, đang là một trong những xu hướng làm đẹp được cho là nổi bật nhất trong thời gian gần đây.
Áp lực từ cuộc sống khiến nhiều người trở nên yếu đuối hơn. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Maya Dougherty (24 tuổi) đã theo dõi và cẩn thận ghi lại những lần mình rơi nước mắt. Cô sắp xếp và trình bày những dữ liệu dưới dạng một bài thuyết trình bằng PowerPoint. Phần chia sẻ này sau đó đã thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội.
“Tôi khá dễ xúc động, những chuyện buồn, khi có chuyện lớn xảy ra hay ngay cả chuyện nhỏ và những điều lặt vặt cũng có thể khiến tôi đổ lệ”, cô nói.
Dougherty chia sẻ rằng mình khóc 17 tới 18 lần trong một tháng. Lý do có thể là một ngày làm việc căng thẳng, xem video về đám cưới hoặc quá trình sinh nở của một người phụ nữ cũng làm cô không kìm được nước mắt. Tâm trạng cô có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi ngay cả những khoảnh khắc ngẫu nhiên trong cuộc sống.
Cô chia sẻ: “Có khi tôi chỉ đang tìm một chiếc áo sơ mi trong tủ đồ của mình, cảm giác ấm áp ùa đến và bỗng nhiên tôi bật khóc như thể đó là ngày tận thế. Nhưng sự thật thì rõ ràng không phải vậy. Tôi cần những lúc như thế để có thể trút bỏ mọi cảm xúc đang bị dồn nén và tiếp tục với cuộc sống”.
Khóc cho nhẹ lòng
Thea Gallagher, trợ lý giáo sư lâm sàng tại Khoa Tâm thần tại Đại học New York, cho hay rằng mặc dù nghe có vẻ tốn khá nhiều thời gian và sức lực, trên thực tế, khóc là một việc làm tốt cho sức khỏe.
Dành một chút thời gian để đối mặt với những cảm xúc thật sự của bản thân có thể mang lại hiệu quả tương đương với việc trò chuyện với các chuyên gia tâm lý, bác sĩ trị liệu hay một người bạn thân thiết.
Tuy nhiên, bà cũng bổ sung nếu việc khóc cản trở đến hoạt động hàng ngày hoặc rơi vào tình trạng mất kiểm soát thì đây là dấu hiệu xấu và cần đến sự can thiệp của chuyên gia.
Khóc cũng có thể được coi như một phương pháp trị liệu tâm lý. Ảnh: Andrea Piacquadio/Pexels. |
Gallagher cho biết: “Tất cả chúng ta đều giống nhau. Nhưng nếu bạn cứ ở nhà một mình và khóc lóc suốt ngày thì đó là một vấn đề cần lưu ý. Nó có thể là biểu hiện của một vấn đề lớn hơn hay triệu chứng của một bệnh lý. Lúc đó, việc khóc sẽ không đơn thuần là giải tỏa cảm xúc nữa mà cần được xử lý kịp thời”.
Theo bà, nhiều người vẫn luôn cố gắng chịu đựng với những trở ngại tâm lý của mình trong im lặng bởi ngại tìm kiếm sự trợ giúp. Thế nhưng điều trị bệnh tâm lý không có gì khác với tất cả các loại bệnh khác và thể chất hay tinh thần đều quan trọng và liên quan mật thiết đến nhau.