- Giám đốc khu vực Miền Bắc của Navigos Search - thương hiệu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao thuộc Navigos Group.
Tại thị trường lao động Việt Nam, sau Tết Nguyên đán được coi là "mùa nhảy việc". Đây là giai đoạn nhiều nhân sự tìm kiếm môi trường làm việc mới để phù hợp hơn với nhu cầu cuộc sống và sự nghiệp.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, "mùa nhảy việc" cũng chính là "mùa tuyển dụng". Các công ty mở rộng, thay đổi quy mô kinh doanh, mặt khác phải chia tay nhiều nhân sự cũ, vì vậy đặt ra nhu cầu tìm kiếm người đồng hành kế nhiệm.
Tuy vậy, trong làn sóng sa thải đã và đang xảy ra tại rất nhiều công ty, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, "mùa nhảy việc" năm nay được dự đoán sẽ khó khăn, cạnh tranh cao hơn khi nhiều doanh nghiệp không còn có chính sách tuyển dụng cởi mở như trước.
Đây là tín hiệu khó đối với người lao động, buộc các bạn phải có sự tính toán khôn khéo để không ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình.
Thận trọng
Những năm gần đây, tôi nhận thấy rất nhiều người lao động trẻ ưu tiên công việc hấp dẫn, thách thức hơn là khoản lương và thưởng Tết. Lương, thưởng rõ ràng là phúc lợi để giữ chân họ ở lại với công ty, song yếu tố triển vọng hoặc cơ hội nghề nghiệp tốt lại quan trọng hơn cả.
Tuy vậy, bối cảnh kinh tế khó khăn của hiện tại dường như đã tác động, định hướng tâm lý người lao động theo một hướng khác.
Theo khảo sát "Báo cáo lương năm 2023" mà chúng tôi vừa thực hiện trên 4.100 đáp viên đã có kinh nghiệm làm việc hoặc ở cấp quản lý, trước các biến động kinh tế như hiện nay, họ có xu hướng mong muốn được ổn định công việc của mình.
Cụ thể:
- 44% lựa chọn sẽ không nhảy việc trừ khi chắc chắn có được cơ hội tốt hơn.
- 16% muốn gắn bó với công ty hiện tại càng lâu càng tốt.
Điều này khá khác biệt với giai đoạn cách đây nửa năm, khi có đến 80% người lao động cho biết sẵn sàng chuyển việc và tìm kiếm một công việc mới vào 6 tháng cuối năm 2022.
Rõ ràng, tình hình ảm đạm của kinh tế thế giới giai đoạn quý IV năm 2022 và đầu năm 2023 đã khiến các doanh nghiệp thận trọng hơn với các kế hoạch tuyển dụng và người lao động cũng dè dặt hơn khi nhảy việc.
Làm gì để cạnh tranh?
Làn sóng sa thải gần đây của hàng loạt công ty, tập đoàn công nghệ cho thấy kể cả những nhân sự có thâm niên, kinh nghiệm làm việc 10 năm, 15 năm cũng có thể bị cắt giảm để ứng phó với tình hình thị trường.
Vì thế, bạn dự định gắn bó với một công việc suốt đời, coi công ty như gia đình thứ hai, nhưng chưa chắc có thể thực hiện được điều đó.
Tình hình ảm đạm của kinh tế thế giới khiến các doanh nghiệp lẫn người lao động đều phải cẩn trọng hơn. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels. |
Trong bối cảnh này, theo tôi, điều nhân sự cần làm trước mắt là hãy tập trung vào công việc của mình để tạo ra nhiều giá trị cho chính bản thân và doanh nghiệp.
Đồng thời, bạn cần liên tục học tập, trau dồi kiến thức, bao gồm làm chủ công nghệ và kỹ năng mới. Chỉ khi ngày càng "nâng cấp", phát triển chính mình, bạn mới có thể thích nghi trong thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, có thể sống sót tốt dù cho chẳng may bị sa thải.
Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 cũng là một phép thử cho người lao động trong việc đối phó với tình trạng cắt giảm hàng loạt hay khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới.
Rõ ràng, sự ổn định về mặt tâm lý là yếu tố cần ưu tiên hàng đầu khi có nhiều biến động khó kiểm soát.
Thay vì việc thụ động đón chờ những thay đổi đang đến, chúng ta có thể chủ động tạo ra sự thay đổi cho bản thân. Việc tự tạo cho mình thêm các mục tiêu, thách thức hay các công việc mới sẽ giúp bạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình để tạo ra được các giá trị khác.
Doanh nghiệp cũng cần thay đổi
Nhiều công ty có kế hoạch thắt chặt tuyển dụng, thậm chí sa thải nhân viên, song chắc chắn họ vẫn cần giữ lại lực lượng phù hợp để bộ máy tiếp tục vận hành, phát triển.
Mối quan hệ nhân sự - nhà tuyển dụng là sự tương tác hai chiều. Người lao động, đặc biệt là Gen Z, đặt ra những yêu cầu và buộc công ty phải có sự thay đổi, thích ứng để giữ chân họ gắn bó.
Theo khảo sát của chúng tôi về 10 yếu tố hàng đầu mà người lao động lựa chọn để tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, môi trường làm việc chính là yếu tố chiếm ưu thế với tỷ lệ 11,21%.
Theo sau là lương với 10,55%, văn hóa doanh nghiệp với 9,56%, sự ổn định của hoạt động kinh doanh 8,05% và cơ chế làm việc linh hoạt với 7,27%...
Có thể thấy, nhân sự ngày nay quan tâm rất nhiều đến những yếu tố về môi trường và văn hóa doanh nghiệp.
Những yếu tố vật chất khác như lương, thưởng... không còn đóng vai trò tiên quyết ảnh hưởng đến quyết định gắn bó của một nhân viên với công ty hiện tại.
Doanh nghiệp cần thay đổi nếu muốn giữ chân những nhân viên giàu kinh nghiệm. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels. |
Vì vậy, doanh nghiệp có thể áp dụng một số chính sách để tăng sự gắn kết, giữ chân người lao động và tạo động lực thúc đẩy làm việc cho họ bằng cách:
- Ứng dụng công nghệ cao, cung cấp trang thiết bị hiện đại để nhân viên làm việc và quản lý công việc hiệu quả.
- Áp dụng mô hình làm việc từ xa và linh hoạt.
- Quan tâm đến chế độ đãi ngộ nhân viên tốt hơn.
- Trao quyền cho nhân viên.
- Đưa ra các chương trình đào tạo và phát triển nhân viên phù hợp, đặc biệt là nhóm nhân viên thuộc Gen Z.
Nhân sự kỳ vọng gì trong năm 2023?
Dù lựa chọn nhảy việc hay gắn bó với công ty cũ, người lao động đều có những mong muốn nhất định về chính sách làm việc, phúc lợi của doanh nghiệp trong năm mới 2023.
Theo khảo sát của chúng tôi về kỳ vọng việc làm năm 2023, rất nhiều nhân viên cho biết muốn được tăng lương đều đặn hàng năm ở mốc từ 10% trở lên. Đây là lựa chọn chiếm tỷ trọng cao nhất với 45,62%, chiếm gần một nửa số người tham gia khảo khảo sát.
Người lao động đặt nhiều kỳ vọng hơn khi nhảy việc trong năm 2023. Trong đó, họ mong muốn sự ổn định và an toàn tại công ty. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels. |
Bên cạnh đó, ngoài các khoản phụ/trợ cấp, nhân viên muốn doanh nghiệp có thêm nhiều phúc lợi từ các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, du lịch với tỷ lệ 5,5%.
Họ cũng mong muốn cấp trên có thêm khoản trợ cấp vào các ngày lễ, nghỉ trong năm (4,70%) và tăng thêm các khoản phụ cấp cơ bản (4,58%).
Năm 2023, người lao động cũng có xu hướng thay đổi, bắt đầu quan tâm hơn đến các yếu tố về tinh thần và kỳ vọng vào một sự nghiệp hạnh phúc.
Ngoài các mong đợi về lương, thưởng, phúc lợi, họ bày tỏ thêm nhiều nguyện vọng đối với doanh nghiệp. Điển hình trong đó là sự an toàn, ổn định từ công ty khi có các yếu tố rủi ro bất ngờ xảy ra. Họ cũng hy vọng văn hóa doanh nghiệp thay đổi với môi trường cởi mở, thẳng thắn và chia sẻ thông tin rõ ràng, nhanh chóng.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.